Cứ vào đầu mỗi năm học, các địa phương miền núi Quảng Trị lại đối đầu với nỗi lo thiếu giáo viên bởi đồng lương thấp, điều kiện ăn, ở và dạy học của người thầy cắm bản quá thiếu thốn, khó khăn, không thể trụ được với nghề.
Thế nhưng vẫn có rất nhiều thầy, cô giáo đã tình nguyện ở lại nơi gian khó ấy để mang ánh sáng văn hóa đến bản làng. Thầy giáo, đảng viên Nguyễn Mai Trọng (hiện là Hiệu trưởng Trường TH&THCS A Xing, huyện Hướng Hóa) là trong số những gương mặt tâm huyết, tận tụy với nghề như thế. Câu chuyện của anh cũng là một trong những câu chuyện điển hình của giáo viên Quảng Trị “cõng chữ lên non” sau 50 năm ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2022) và 33 năm ngày tái lập tỉnh.
Còn nhớ năm 2018, khi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị tìm kiếm mô hình sách đẹp, độc đáo nhưng ý nghĩa để trưng bày tại buổi lễ khai mạc Ngày sách Việt Nam 21/4, Trường Tiểu học Hướng Phùng đã “lọt vào tầm ngắm” của Ban Tổ chức. Mặc dù điều kiện đi lại cũng như vận chuyển các mô hình khá khó khăn nhưng thầy hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng đã tự tin khẳng định: “Ban Tổ chức đã tin tưởng chọn thì Trường Tiểu học Hướng Phùng chắc chắn sẽ làm tốt”. Thật vậy, các mô hình sách “Cột mốc chủ quyền Trường Sa”, “Nhà giàn DK1 và con thuyền khát vọng Trường Sa” và “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”… của thầy, cô giáo miền núi đã thu hút sự chú ý và tạo ấn tượng đối với các đại biểu, lực lượng đoàn viên thanh niên, người yêu sách tại buổi lễ khai mạc năm ấy.
Không chỉ đến chương trình Ngày sách Việt Nam 21/4 mà trước đó và cả về sau này, thầy giáo Nguyễn Mai Trọng là cái tên quen thuộc với giới báo chí và những ai quan tâm đến giáo dục Quảng Trị bởi những hoạt động tiên phong, đổi mới và mang màu sắc riêng, khiến nhiều trường, nhiều địa phương, đơn vị phải chú ý, đến học tập kinh nghiệm. “Mong muốn đau đáu của mình là làm sao để các em học sinh miền núi được tiếp cận điều kiện giáo dục của thành thị (cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng giáo dục)”. Chính vì điều này mà thầy giáo Nguyễn Mai Trọng đã không ngừng nỗ lực sáng tạo và vận dụng tất cả những gì có thể làm được để thầy cô, giáo và học sinh nơi rẻo cao có thể trải nghiệm mô hình giáo dục hiệu quả nhất. Năm 2021, Ban giám hiệu Trường Tiểu học và THCS A Xing đặt vấn đề, gia đình ông Ăm Thí đã tin tưởng và đồng ý giới thiệu đến học sinh “Vân Phụng tiên y” (là chiếc áo mà vua triều Nguyễn đã ban tặng cho dòng họ A Xớp như sự ghi nhận sự đóng góp lớn lao trong việc bình yên bờ cõi, chống giặc xâm lăng). Nhà trường đã biến ngôi nhà của Ăm Thí - nơi đang lưu giữ “Vân Phụng tiên y”, thành một điểm ngoại khóa về lịch sử của học trò thật thú vị và sinh động. Năm 2019, khi đang là hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng, thầy giáo Nguyễn Mai Trọng đã triển khai thực hiện ý tưởng mang hoa, cây xanh và nhạc vào nhà vệ sinh nhằm tạo môi trường vệ sinh sạch đẹp, thẩm mĩ và thân thiện với học sinh. Nhà trường đã khởi công xây dựng khu vệ sinh kiểu mẫu bằng cách thiết kế không gian rất hiện đại như thế. Đây là một bước đổi mới trong việc xây dựng không gian Xanh - Sạch - Đẹp. Đồng thời, việc thay đổi này cũng nhằm thay đổi ý thức của học sinh giúp các em biết giữ gìn môi trường xung quanh. Năm học 2016-2017, chính anh đã khởi xướng việc tổ chức tôn vinh đội ngũ thầy, cô giáo giỏi theo hình thức chính các thầy, cô giáo sẽ đề xuất 12 người vào vòng 1, sau đó chọn tiếp 5 người vào vòng 2, cuối cùng hội đồng sư phạm sẽ chọn ra 3 thầy/cô giáo xuất sắc nhất trong năm học để trao giải. Món quà tuy giá trị vật chất không lớn nhưng mang ý nghĩa tôn vinh, khen thưởng kịp thời cá nhân có nhiều đóng góp, sáng tạo đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nhà trường, cũng như địa phương.
Bước sang thế kỷ XXI, giáo dục thế giới chuyển từ xu thế phổ cập giáo dục phổ thông sang giáo dục nền tảng, giáo dục hữu ích và chuyên sâu, năng khiếu dựa trên 4 nguyên lý cơ bản do UNESCO đề xướng, đó là “Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự khẳng định mình”. Ngoài tiếp thu kiến thức từ sách vở, học sinh rất cần mô hình giáo dục trực quan, sinh động. Anh tâm sự: “Nếu mình cứ dạy học trò trên sách vở mà không tạo điều kiện cho các em hình dung về thực tế thì những bài học dù căn bản đến đâu cũng khó đọng lại trong trí nhớ. Tình yêu Tổ quốc phải bắt nguồn từ sự tường tận về lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương”. Chủ động vượt qua điều kiện khó khăn của vùng miền núi, anh động viên giáo viên trong trường cùng nhau xây dựng các cảnh quan, mô hình hấp dẫn cho các em học sinh trải nghiệm như: Bức tranh Nhà sàn Bác Hồ, Bức tranh Thánh Gióng, Bản đồ Việt Nam, mô hình Địa Đạo Vịnh Mốc, cột mốc Hoàng Sa - Trường Sa, tượng đài Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, mô hình đảo Gạc Ma; đồng thời xây dựng góc vui học Tiếng Anh, Thư viện xanh, Trò chơi dân gian; vận động xây dựng con đường hoa dã quỳ “60 vạn bước đường hoa”….
Ai có dịp đến thăm Trường Tiểu học Hướng Phùng đều đi từ trầm trồ đến kinh ngạc. Bởi lẽ hầu hết nguồn kinh phí để xây dựng cảnh quan, các mô hình trải nghiệm… đều từ sự vận động nguồn xã hội hóa của các cá nhân, đơn vị trong cả nước. Rải rác trên sân trường là bàn cờ vua cùng hình vẽ các trò chơi dân gian, tạo cảm giác thân thiện, gần gũi. Ở nơi thoáng đãng nhất của sân trường rợp bóng cây, là bản đồ Việt Nam với đầy đủ các quần đảo của Tổ quốc, bức tranh Thánh Gióng và nhà sàn Bác Hồ được ghép bằng đá cuội, tỉ mỉ, công phu. Cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa được đặt ngay ngắn trước lối chính của dãy trường học.
Đáng chú ý trong đó là việc phục dựng Nhà sàn truyền thống của dân tộc Vân Kiều, PaKô với gần 40 hiện vật mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào, vừa bảo tồn, không để những giá trị văn hóa đặc sắc này mai một, vừa mang ý nghĩa tri ân tấm lòng bà con đã thương yêu, đùm bọc thầy cô giáo miền xuôi lên đây dạy học. Còn nhớ hôm khánh thành, bà con Bru - Vân Kiều có mặt từ sớm. Nhiều người mang theo hiện vật đến tặng. Già làng Hồ A Rỉa, thôn Xa Ry thì tặng chiếc tẩu thuốc nặn bằng đất sét đã lưu giữ hơn 40 năm; già Côn Lơn cùng bản thì tặng chiếc khèn A Man từ đời cố mình để lại… Đồng bào cùng đóng góp bởi họ tin tưởng vào tấm lòng, vào tài năng của người thầy đang dẫn dắt một tập thể sư phạm, một chi bộ hết lòng vì sự nghiệp trồng người nơi miền biên viễn này.
Nhìn lại 28 năm gắn bó với huyện miền núi này, anh cười hiền, ánh mắt sáng lấp lánh, giọng từ tốn chia sẻ: “Nếu bây giờ được chọn lại, có lẽ mình vẫn chọn lên miền núi. Giáo viên trẻ, đảng viên trẻ mà không được tôi luyện, không cống hiến sẽ không thể trưởng thành, dù để vượt qua điều đó thật sự không phải dễ dàng”. Ký ức đưa anh trở lại tháng ngày đối diện với nỗi cô đơn khi một mình ở giữa đồi núi trập trùng, bao la, những trận sốt rét “thập tử nhất sinh”, những lần đói quay quắt vì không còn gì để ăn, những cung đường xa ngái, đầy bùn sình và cực kỳ nguy hiểm vào mùa mưa lũ…
Sinh ra trong gia đình có 5 anh em ở xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Nguyễn Mai Trọng được anh đầu (từng là Hiệu trưởng Trường TH&THCS Triệu Sơn, huyện Triệu Phong - nay đã nghỉ hưu) định hướng cho các em theo nghề giáo. 20 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, chuyên ngành tiểu học, anh được phân công nhiệm vụ giảng dạy tại xã Thanh (huyện Hướng Hóa). Năm 1996, sau khi dạy lớp 5 được 2 năm, anh được bổ nhiệm làm Phụ trách rồi hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh. Ngày 27/5/2000, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Từ đó đến nay, anh làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng 9 năm, và 8 năm gắn bó với Trường TH&THCS A Xing (giai đoạn 2006-2012 và từ 2021 đến nay).
Còn nhớ thời điểm năm 1990 toàn tỉnh Quảng Trị có 14.500 người mù chữ trong độ tuổi từ 15-35, trong đó huyện Hướng Hóa chiếm tỷ lệ lớn với 8.094. Tỉ lệ huy động vào các trường đạt thấp, tỉ lệ bỏ học chung các cấp là 7,5%. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào trồng sắn và lúa nương. Mọi thứ còn nghèo nàn, lạc hậu, cuộc sống vô cùng khó khăn. Đến cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm thì việc để các em học sinh đến trường của những gia đình này là điều rất khó khăn. Với phương châm “biến yêu thương thành hành động” và “nói là làm”, trên chiếc xe cà tàng, có khi phải đi bộ nhiều cây số trên những cung đường ngoằn nghèo, nguy hiểm, anh lặn lội vào tận từng bản, từng làng, gõ cửa từng ngôi nhà có trẻ nhỏ, giúp đồng bào hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của việc học. Lúc ấy, không phải nhà nào, người dân nào cũng nói được tiếng Kinh. Anh bắt đầu tham gia lớp học tiếng địa phương và chọn ngay một ngôi nhà nằm ở cuối bản bên dòng Sê Pôn ở thôn Ta Nua để cùng ăn, cùng ngủ và hiểu được những gì bà con nói, hiểu được tâm tư nguyện vọng và mong ước của các em học sinh. Với sự chân thành, tận tâm, tận tụy, người thầy giáo trẻ đã cảm hóa được người dân nơi đây. Nhờ sự tin tưởng và yêu quý đó nên chỉ một thời gian ngắn, anh đã vận động được các em học sinh đến trường gần như đầy đủ.
Những năm 2000, cơ sở vật chất của trường vô cùng thiếu thốn. Thử thách trăm bề, một số giáo viên đã không chịu được cảnh khổ nên “dứt áo ra đi”, chuyển đến trường mới. Để vực lại tinh thần cho những giáo viên còn lại, trong những bữa cơm bếp ăn tập thể, anh luôn tâm sự để quan tâm, động viên và dìu dắt các đồng nghiệp của mình cùng cố gắng, đặc biệt là những giáo viên ngoại huyện, phải xa gia đình để cùng vượt qua mọi khó khăn về tinh thần và vật chất, quyết tâm bám trụ lại mảnh đất Hướng Phùng thân yêu và mang tri thức mới, mở ra con đường tương lai cho từng thế hệ học trò nơi đây.
Hồ Doi - nguyên lãnh đạo xã Hướng Phùng, người nhiều năm gắn bó với giáo dục Hướng Phùng kể lại, hồi đó, ngoài thầy Trọng, xã chỉ có 6 cô giáo từ miền xuôi lên cắm bản. Hồ Doi quyết tâm cùng thầy hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng khăn gói, băng rừng tìm đường về phố, tìm đến lãnh đạo các cấp trình bày ý kiến, xin kinh phí xây trường. Xin được tiền xây trường nhưng lấy quỹ đất đâu để xây? Thế là hàng chục cuộc họp dân được Hồ Doi mở ra để phân tích, vận động bà con hiến đất. Ba tháng sau đó, ngôi trường mang tên trường dành cho cả hai bậc Tiểu học và THCS Hướng Phùng được xây dựng khang trang trên một quả đồi cao, ngay trung tâm xã, thuận tiện cho việc đến trường của các em học sinh. Tỷ lệ trẻ đến trường ngày càng cao, Trường Tiểu học và THCS tách riêng cơ sở để mở mang thêm trường lớp.
Gần 30 năm gắn bó và thấu hiểu giáo dục miền núi, anh trăn trở: “Giáo dục miền núi Quảng Trị hiện này khó khăn tập trung ở mấy điểm: Khó nâng cao chất lượng đại trà, đội ngũ giáo viên không ổn định, điều kiện học tập phụ thuộc hoàn toàn ở nhà trường và thầy, cô”. Để nâng cao chất lượng dạy - học trong trường, từ năm 2013 - 2015, anh đã chủ động xây dựng, phát động các phong trào để động viên, khuyến khích… tinh thần ham học hỏi trong học sinh. Qua tìm hiểu, anh nắm bắt được nguyên nhân dẫn đến thành tích học tập của học sinh nơi đây chưa được quan tâm là do điều kiện kinh tế gia đình của các em còn quá khó khăn. Làm giáo dục ở địa bàn khó khăn, đặc biệt là ở miền núi thì không chỉ có giáo dục mà còn phải làm kèm theo rất nhiều công việc khác để giúp cho học sinh có thể tiếp tục đến trường, thầy cô an tâm giảng dạy. Thế là từ công việc của người quản lý, thầy giáo Nguyễn Mai Trọng “kiêm thêm” công việc vận động các nguồn lực từ cá các nhân, các nhà hảo tâm để giúp đỡ các em đến trường.
Xuất phát từ nhu cầu dạy và học của Trường TH&THCS A Xing, năm 2010, lúc đó Giám đốc Công an tỉnh là Đại biểu HĐND tỉnh, nên anh mạnh dạn tiếp cận xin Công an tỉnh cho học sinh 5 bộ máy tính. Năm 2016, anh chủ động sử dụng mạng xã hội để vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và sau đó là mở rộng việc kêu gọi hỗ trợ đến người dân có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ tính riêng thời gian công tác tại xã Hướng Phùng, anh vận động được gần 5 tỷ đồng từ các cá nhân, tổ chức cho học sinh và người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở đó. Năm 2021, tại Trường TH&THCS A Xing, anh đã kêu gọi trên 400 triệu đồng hỗ trợ cho học sinh và người dân địa bàn này.
Nhờ số tiền mà thầy Mai Trọng chủ động vận động, hàng trăm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nguy cơ phải bỏ học cao có cơ hội được tiếp tục đến trường; xây dựng, tu sửa các điểm trường lẻ, xây dựng các công trình nước sạch, sân chơi, bãi tập rèn luyện thể dục - thể thao cho học sinh; trao học bổng tặng học sinh nghèo học giỏi, kịp thời động viên tinh thần hiếu học, vượt lên hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi của các em. Em Hồ Văn Nội - một trong 4 anh em đồng bào dân tộc rơm rớm nước mắt khi nghe nhắc đến tên thầy: “Ba mẹ chúng em đã mất, chúng em không nghĩ là được đi học. Vậy mà 4 anh em được đến trường, nay lại được chuẩn bị có nhà mới nữa. Tất cả là nhờ tình yêu thương của thầy Nguyễn Mai Trọng. Để không phụ công ơn to lớn của thầy, chúng em nguyện phấn đấu hết sức mình, chăm chỉ học tập, rèn luyện đạo đức để trưởng thành, không phụ công ơn của thầy và mọi người đã quan tâm giúp đỡ”. Không chỉ có 4 anh em mồ côi (Nội, Nam, Hà, My) và 3 chị em mồ côi con chị Bắt, tại thôn Chênh Vênh, thầy còn kêu gọi giúp đỡ em Hồ Anh Quân vì căn bệnh ưng thư tủy sống, hỗ trợ đến khi em mất. Tại thôn Mãi Lai - Pun, xã Hướng Phùng, thầy tổ chức nhận chăm sóc và phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Miết, tổ chức “Bữa cơm tình mẹ” để giáo viên và học sinh mang cơm một tuần 2 lần đến chăm sóc Mẹ…
Chứng kiến các em học sinh phải đi lại quá vất vả, thầy giáo Nguyễn Mai Trọng cho triển khai mô hình “Bán trú dân nuôi”. Buổi đầu, nhà trường vận động phụ huynh chuẩn bị cơm cho các em đem đến trường ăn trưa và ở lại học thêm tiếng Việt. Sau đó, thầy cùng các giáo viên nơi đây kêu gọi các nhà hảo tâm giúp các em có bữa ăn trưa đầy đủ hơn.
Một giáo viên gắn bó với thầy giáo Nguyễn Mai Trọng từ ngày đầu cắm bản chia sẻ: “Chúng tôi đã vượt qua sợ hãi của đêm tối và vực sâu ngay dưới lối đi của mình để đến từng nhà gọi cho đến khi nào đủ người mới dạy. Thời gian đó hầu như giáo viên chúng tôi không có thời gian nghỉ ngơi hay nghĩ đến chuyện riêng tư khác, mọi cái đều cuốn vào công việc một cách say mê”. Cô giáo Nguyễn Thị Hải – người đồng nghiệp có đến 7 năm gắn bó dưới mái Trường Tiểu học Hướng Phùng tự hào nói về anh: “Tôi thấy mìnhmay mắn khi ngày đầu tiên đi dạy được làm đồng nghiệp với thầy Nguyễn Mai Trọng. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi được đồng hành cùng với thầy trong hành trình kêu gọi các nhà hảo tâm từ khắp mọi miền đất nước để giúp đỡ nhiều học sinh, gia đình học sinh để không ai bị bỏ lại phía sau. Tất cả các em học sinh đều được đến trường trong những điều kiện tốt nhất có thể.Với tôi,thầy chính là người truyền lửa để tôi vững bước trên hành trình ươm mầm tri thức, gieo ước mơ”.
Tại Trường Tiểu học Hướng Phùng, tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm đáng kể (số lượng học sinh duy trì đến cuối năm học đạt trên 99,5%); chất lượng dạy - học ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ học sinh hoàn thành nội dung các môn học đạt gần 97%; số em đoạt giải các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh ngày càng tăng.
* * *
Trước kia, trong một ngôi làng, người thầy là người có học vấn cao nhất.Sự phát triển của xã hội ngày nay có tốc độ rất nhanh. Mạng internet phủ sóng khắp nơi và nếu biết cách truy cập sẽ cung cấp lượng kiến thức cơ bản rất nhanh. Nói như thế để thấy rằng trách nhiệm của người thầy ngày nay nặng nề lắm. Nếu thầy cô bị cuộc sống mưu sinh chi phối, không đủ nhiệt huyết và tận tâm thì làm sao đủ kiên nhẫn để truyền đạt kiến thức, đủ thời gian để giao thoa, cộng hưởng về tình cảm với học trò?
Trên hành trình của thầy giáo Nguyễn Mai Trọng có nhiều điều “khó chia sẻ”. Có năm, gần chục giáo viên nộp đơn xin chuyển nơi khác vì “cảm thấy không theo kịp guồng máy làm việc của thầy hiệu trưởng”. Khi anh đăng thông tin trên mạng xã hội (fanpage, zalo) về các trường hợp khó khăn cần giúp đỡ, có nhiều người đã vào bình luận đầy “ác ý”: “Thầy giáo không lo dạy học, lo mấy việc tào lao”… Hoặc khi anh chia sẻ về những mô hình mới của trường, có người ngờ vực, nghi kỵ: “Ồ, thầy Trọng lại đánh bóng bản thân rồi. Để xem làm được bao lâu”. Còn nhớ lúc mới ở xuôi lên dạy học, anh bị sốt rét làm cho kiệt sức đến mức phải chống gậy lên đứng lớp. Hay mỗi lần ra Khe Sanh họp, xa tới mấy chục cây số; mùa mưa lụt phải bơi qua khe Bản Giai, xã Thuận... Vào mùa mưa bão, có khi vài tháng anh không về nhà được. Vậy mà Đoàn Thị Hồng Huệ, vợ anh (hiện đang là giáo viên ở Trường TH&THCS Triệu Long) - luôn thông cảm, không hờn trách, hoặc là có ý “kéo anh” về dạy gần nhà để được “nhờ chồng nhiều hơn”. Có lẽ, chính sự yêu nghề, nhiệt tâm với nghề giáo, sự đồng cảm với chồng, mới giúp chị một mình thay chồng nuôi, dạy con để chồng yên tâm tập trung công tác nơi miền núi xa xôi, hẻo lánh.
…“Điều gì đã níu giữ anh, khiến anh không chạnh lòng, không nản chí?”. Trả lời tôi bằng một nụ cười hiền hòa muôn thuở, anh Nguyễn Mai Trọng bộc bạch tận đáy lòng: “Đó là các em học sinh, là con chữ sáng lạn giữa đại ngàn Trường Sơn!”. Đi qua và trụ lại ở những nơi gian khó, có lẽ không có phần thưởng nào ý nghĩa đối với người thầy bằng sự tin tưởng và kính trọng của học trò và xã hội! “Đúng nghĩa người thầy ngày nay là phải có một hành trang luôn luôn mới, luôn luôn sáng”.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)