“Ông ấy đi biền biệt hoạt động cách mạng. Rồi thằng cả, thằng hai cũng đi. Đi hết. 16, 17 tuổi, chúng nó còn dối mẹ bảo đi tìm cha nhưng là xung phong ra chiến trường. Rồi cả cha lẫn con đều không trở về. Không ai về”. Giọng mẹ nghẹn ngào. Khóe mắt chỉ có thể rỉ ra giọt nước hiếm hoi bởi mẹ đã dành cả cuộc đời để khóc chồng, khóc con.
Những Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn lại trên khắp các miền quê Quảng Trị mà chúng tôi được gặp. Những câu chuyện số phận của các mẹ có điểm chung như nhau, chồng và con đều hy sinh vì Tổ quốc. Còn lại mẹ và nỗi đau dài, dù chiến tranh đã qua 50 năm. Nhưng, như lời bài hát “Hát về Mẹ Việt Nam anh hùng” của nhạc sĩ An Thuyên, sự hy sinh của các mẹ không vô nghĩa, “Mẹ đã có ngàn đứa con, mẹ đã có cả nước non”…
93 tuổi, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nậy, ở thôn Gia Môn, xã Phong Bình, huyện Gio Linh vẫn còn nhúc nhắc quanh quẩn trong mảnh vườn nhỏ để đỡ buồn chân, buồn tay nếu ngồi một chỗ. Dù lúc nhớ lúc quên, nhưng khi được hỏi về những tháng ngày tham gia du kích ở quê nhà là thôn Cẩm Phổ, xã Gio Mỹ, mẹ lại hào hứng kể chuyện đánh giặc, chuyện bới cơm, nuôi giấu bộ đội. “Tôi gan lỳ lắm, không sợ giặc, băng đồng băng hói mà đi giữa đêm, giấu cơm gạo mang cho các anh. Có lần gặp máy bay quần thảo ở cự ly gần, mấy chị em quyết liều mình giương súng bắn dù biết vô cùng nguy hiểm. Chồng đi bộ đội, đóng quân ngoài Vĩnh Linh, thằng cả dối mẹ là đi ra tìm ba mà có phải mô, khai gian tuổi để đi bộ đội đánh giặc, cả hai cha con đi biền biệt rồi hy sinh”, mẹ Nậy kể. Sinh được ba người con, đứa đầu đi bộ đội, đứa thứ hai mất do bị bệnh lúc nhỏ, người con thứ 3 là ông Nguyễn Đức Hùng chưa hề thấy mặt cha. Bởi khi mẹ mới mang bầu ông Hùng được mấy tháng thì hay tin chồng hy sinh trong lúc vận chuyển lương thực tại Cửa Tùng. “Hôm đó nghe báo tin chồng hy sinh, tôi chạy như điên dại suốt một đêm từ Thủy Khê về đến Cát Sơn, mong có đò để qua sông nhìn mặt chồng lần cuối, nhưng mà có được đâu. Đạn giặc bắn không ngớt từ bờ bên kia sang, đành vô vọng trở về, đó là năm 1967. Rồi năm 1971, tôi lại được báo tin thằng cả hy sinh. Đau như đứt từng khúc ruột. Đến bây giờ vẫn không tìm thấy xác thằng cả, không biết hy sinh phương nào. Chỉ có ngôi mộ gió nằm cạnh cha nó, mỗi năm cúng giỗ tôi đều khấn nguyện một ngày tìm thấy con mình, dù chỉ một nắm đất”, mẹ Nậy khóc nghẹn.
Nén nỗi đau, mình mẹ nuôi dạy ông Nguyễn Đức Hùng và chăm lo cho bố mẹ chồng. Năm ông Hùng 11 tuổi thì được đưa đi sơ tán theo kế hoạch K8, 7 năm sau khi ông Hùng 18 tuổi mới trở về gặp mẹ mình. Người làng Cẩm Phổ, Gio Mỹ vẫn còn kể mãi về một người phụ nữ kiên cường, gan dạ “bám đất giữ làng”, làm cơ sở nuôi giấu cán bộ, tham gia du kích xã là bà Nguyễn Thị Nậy, dù chiến tranh đã lùi xa.
Nỗi đau mất mát của mẹ Nậy, cũng là nỗi đau chung của nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn lại trên khắp các miền quê Quảng Trị, khi chồng con không trở về, có nhiều liệt sĩ chưa được tìm thấy. Những ngôi mộ gió là nỗi ám ảnh khôn nguôi với các mẹ, khi tuổi ngày một gần đất xa trời.
Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, vợ chồng ông Lê Quả thay nhau ngày làm ngày nghỉ để có người chăm sóc mẹ Lê Thị Thuộc, nay đã 95 tuổi. Sau tai nạn bị ngã cách đây hơn một năm, sức khỏe của mẹ đã yếu đi nhiều, dù vẫn nói chuyện rổn rảng với con cháu. “Mạ tôi sinh được sáu người con, chồng mất sớm, các anh trai xung phong đi bộ đội thì hai người hy sinh, trong đó có một anh đến giờ vẫn chưa tìm ra xác. Ông ngoại tôi cũng là liệt sĩ. Đời mạ quá nhiều mất mát. Dù nuôi con muôn phần cực nhọc vất vả, nhưng mạ vẫn nhường cơm sẻ áo nuôi bộ đội. Bây giờ mạ lẩn thẩn tuổi già, câu cửa miệng mạ vẫn hay nói hằng ngày với con cháu là làm cho nhanh còn đi bắt cá, lượm củi về thổi cơm cho mấy chú ăn. Nghĩ thương bà nhớ nhớ quên quên chuyện cũ”, ông Quả kể chuyện.
Trong những ngày cố gắng tìm gặp các Mẹ Việt Nam anh hùng hiện còn sống trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện xúc động về cuộc đời của các mẹ. Có những tấm lòng nhân hậu hiếm có như Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Thỉ ở thôn Thiện Đông, xã Hải Định, huyện Hải Lăng. Năm 1950, bà Thỉ kết hôn với ông Lê Văn Hiệp, sinh được người con là Lê Anh Tuấn. Ông Hiệp vốn là một du kích mật. Một đêm khi đang làm nhiệm vụ trinh sát địch để thông báo cho bộ đội, ông ngã bệnh nặng rồi ra đi đột ngột, để lại vợ đang mang thai đứa con thứ hai hơn một tháng và con trai mới 5 tuổi. Năm 14 tuổi, anh Tuấn xin mẹ tham gia hoạt động du kích địa phương. Khoảng 3 tháng sau, người con gái thứ hai của bà Thỉ đột ngột đổ bệnh rồi mất. Bà Thỉ còn anh Tuấn là chỗ dựa tinh thần duy nhất. Sau thời gian tham gia du kích, anh Tuấn được phân công làm Phó Công an xã Hải Thiện (nay là xã Hải Định) với nhiệm vụ vừa chỉ huy đảm bảo an ninh trật tự, giữ bình yên địa bàn, vừa trực tiếp chiến đấu ở những vùng địch đang còn tạm chiếm. Thế nhưng, khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng, huyện Hải Lăng - địa phương cuối cùng của tỉnh Quảng Trị được giải phóng, anh đã hy sinh. “Lúc đó, mẹ vẫn đang ở vùng giải phóng ở huyện Cam Lộ. Ngày nào mẹ cũng tìm các chú bộ đội tuyến trước (lực lượng đánh vào các vùng phía Nam của Quảng Trị) để hỏi thăm tin tức về nó. Đến lúc mẹ biết Hải Lăng đã được giải phóng toàn huyện, nhưng vẫn không thấy con về nên lại đi hỏi, thì bộ đội nói đồng chí Anh Tuấn đang đi công tác ở trên rừng. Nghe nói vậy nhưng mẹ cứ linh tính chuyện chẳng lành nên gặng hỏi mãi. Hai hôm sau, bộ đội mang tới chiếc áo của con mẹ hay mặc và một tấm ảnh nhỏ đã ố vàng vì ẩm ướt, nói rằng nó đã hy sinh”, mẹ Thỉ nghẹn ngào nhớ lại.
Anh Lê Văn Sinh, người con nuôi mà mẹ Thỉ mang về nuôi nấng từ ngày còn đỏ hỏn cầm tay mẹ để trấn an cơn xúc động. Hai con người cô đơn ấy, một người mẹ mất chồng mất con, một đứa bé mồ côi đã nương tựa nhau, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhau mà gắn bó từ năm 1976 đến bây giờ. Với mẹ Thỉ, anh Sinh như một món quà để bù đắp những mất mát lớn lao của cuộc đời mẹ. Với anh Sinh, mẹ đã hồi sinh cuộc đời anh, như chính cái tên mẹ đã đặt và theo anh suốt cuộc đời.
Nhiều câu chuyện về sự hy sinh mất mát, được kể lại sau 50 năm chiến tranh lùi xa, trong nỗi nhớ quên, chắp vá từng mảnh ký ức của các mẹ, đã vẽ nên chân dung những bà mẹ Việt Nam anh hùng kiên trung hiến dâng những người thân yêu, ruột thịt của mình cho nền độc lập dân tộc. Nhà thơ Thanh Thảo, trong bài thơ “Khúc mười ba” đã từng viết: “Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người/Là đứng theo dáng mẹ/Đòn gánh tre chín rạn hai vai/ Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người/ Mồ hôi vã một trời sao trên đất/Trời sao lặn hoá thành muôn mạch nước/ Chảy âm thầm chảy dọc thời gian”.
Tri ân những Bà mẹ Việt Nam sinh ra hàng triệu người con anh hùng. Họ nuôi dưỡng con lớn khôn, bồi đắp tinh thần yêu nước rồi lặng lẽ lau nước mắt tiễn con ra trận. Không có mẹ sẽ không có những anh hùng đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ non sông tươi đẹp này.
*Mượn lời bài hát “Hát về mẹ Việt Nam anh hùng” của nhạc sĩ An Thuyên
(Nguồn: Báo Quảng Trị)