Theo dõi cuộc thi Olympic Tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ lần thứ IV năm 2022 do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức, nhiều người ấn tượng với Thượng úy Hoàng Nhật Quang, một thí sinh đến từ Quảng Trị. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Thượng úy Quang về cuộc thi và niềm đam mê của mình.
Đam mê dẫn lối
-Thưa anh! Đề nghị anh cho biết cơ duyên đưa anh đến với cuộc thi Olympic Tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ lần thứ IV?
- Năm 2020, lần đầu tiên tôi biết đến cuộc thi Olympic Tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ. Thời điểm đó, đêm chung kết cuộc thi lần thứ II được tổ chức tại Trường Đại học An ninh nhân dân. Trực tiếp chứng kiến các cán bộ trẻ xuất sắc tranh tài, tôi quyết tâm thử sức. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, khi cuộc thi được tổ chức lần thứ III vào năm 2021, tôi lại không thể tham gia. Năm nay, tôi không cho phép mình bỏ lỡ cơ hội nữa.
Khi cuộc thi bắt đầu, tôi đã tập trung tìm hiểu, nghiên cứu những kiến thức mà cuộc thi hướng đến và rèn luyện kỹ năng cần thiết. Nhờ thế, trong 5 tuần diễn ra vòng thi trắc nghiệm trực tuyến của cuộc thi, tôi may mắn có 3 tuần đoạt giải Nhất. Từ đây, tôi đã nhận được chiếc vé vào vòng tăng tốc, rồi có cơ hội để tranh tài và tiếp tục góp mặt ở vòng thuyết trình video.
- Để đến với cuộc thi này, anh đã có sự chuẩn bị như thế nào?
- Tham gia cuộc thi, phương pháp của tôi là “vừa làm, vừa học, vừa ghi nhớ”. Thực tế, nội dung kiến thức trong vòng thi trắc nghiệm trực tuyến và vòng thi tăng tốc của cuộc thi Olympic Tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ lần thứ IV vô cùng phong phú, thuộc nhiều lĩnh vực. Vì thế, tôi vừa thi, vừa tìm hiểu, tiếp cận những thông tin, kiến thức liên quan trực tiếp đến nội dung thi.
Vòng thi thuyết trình bằng video clip là vòng mà tôi yêu thích nhất. Tuy nhiên, đây là vòng thi rất khó bởi ngoài việc phải chuẩn bị thật tốt nội dung, ghi nhớ mọi thứ liên quan thì phong thái, cách dẫn dắt trước ống kính cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng. Do đó, ở vòng thi này, tôi đã phải luyện tập rất nhiều.
- Không theo học chuyên ngành tiếng Anh, công việc hằng ngày cũng không sử dụng ngoại ngữ nhiều, vậy tại sao anh vẫn kiên trì học tập, trau dồi tiếng Anh để tự tin tham gia cuộc thi?
- Đúng vậy! Hiện tại, công việc cũng như cuộc sống không yêu cầu tôi học tập, sử dụng nhiều tiếng Anh. Để nói về lý do tại sao tôi vẫn tiếp tục theo đuổi ngôn ngữ này thì câu trả lời có lẽ chính là vì đam mê. Sự đam mê, sở thích đối với tiếng Anh khiến tôi cảm thấy việc học tập ngôn ngữ này không hề mệt mỏi. Ngược lại, khi học tập, sử dụng tiếng Anh, tôi cảm thấy như được tiếp thêm niềm vui, nguồn năng lượng tích cực, gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực.
- Những nỗ lực không ngừng ấy đã mang lại điều gì ý nghĩa cho anh trong cuộc việc và cuộc sống?
- Tôi yêu thích tiếng Anh và xem nó như nguồn vui của cuộc sống. Đó chính là giá trị lớn nhất mà ngôn ngữ này mang lại cho tôi. Cũng nhờ tiếng Anh mà tôi có cơ hội được làm quen, gặp gỡ với những người bạn mới, cùng đam mê, sở thích. Nói gần hơn, nếu không có tiếng Anh, tôi đã không thể có cơ hội tham gia cuộc thi Olympic Tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ năm nay, càng không thể có vinh dự được trả lời những câu hỏi phỏng vấn này. Do đó, có thể nói rằng, tiếng Anh cũng một phần nào đó giúp tôi sống hết mình với đam mê và không phí hoài tuổi trẻ.
Nỗ lực biến những thứ không thể thành có thể
- Trong khuôn khổ cuộc thi Olympic Tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ lần thứ IV năm 2022, tại vòng thuyết trình qua video clip, anh đã có bài thuyết trình bằng tiếng Anh rất hay với chủ đề “Thanh niên Việt Nam cần làm gì để nâng cao năng lực hội nhập quốc tế”. Đề nghị anh chia sẻ nội dung trọng tâm của bài thuyết trình?
- Là một cán bộ trẻ đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân, trong bối cảnh Việt Nam đang không ngừng tăng cường hội nhập quốc tế về mọi mặt, tôi luôn tự hỏi mình phải làm gì để có thể đóng góp một phần nhỏ vào hành trình hội nhập của đất nước. Đó chính là lý do tôi lựa chọn chủ đề này để thuyết trình. Nội dung trọng tâm của bài thuyết trình chính là bốn chiếc “chìa khoá” mà tôi cho rằng mỗi thanh niên Việt Nam nói chung cần phải trang bị để mở cánh cửa hội nhập quốc tế, bao gồm: “nhận thức”, “kiến thức”, “kỹ năng” và “tư duy toàn cầu”.
Trong video dự thi, tôi cũng đã chia sẻ về những hoạt động, việc làm mà Công an Quảng Trị nói chung, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh nói riêng nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua để không ngừng nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho cán bộ trẻ trong lực lượng.
- Qua thực tiễn và nghiên cứu từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, trong đó có sách báo tiếng Anh, anh thấy thanh niên Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng cần làm gì để hội nhập quốc tế?
- Như tôi vừa chia sẻ, “nhận thức”, “kiến thức”, “kỹ năng” và “tư duy toàn cầu” là bốn thứ mà thanh niên Việt Nam cần nhất để hội nhập quốc tế. Vẫn biết rằng đây chưa phải là toàn bộ những điều mà mỗi thanh niên Việt Nam cần có nhưng trong quan điểm của tôi, các vấn đề này chính là bốn “chìa khoá” cơ bản nhất. Đối với tuổi trẻ Quảng Trị, không hề đơn giản để trang bị đầy đủ những yếu tố này. Bởi, so với nhiều tỉnh, thành phố khác, chúng ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, vấn đề quan trọng nhất vẫn là ở chính chúng ta.
Trong hành trình này, chúng ta có thể phải chạy xa hơn, có thể phải mất nhiều sức hơn nhưng chỉ cần biết nỗ lực, khắc phục, vượt qua những khó khăn thì không có gì là không thể. Đó cũng chính là thông điệp mà tôi muốn truyền tải khi kết thúc video thuyết trình.
- Trên con đường hội nhập quốc tế, theo anh, tiếng Anh cần thiết như thế nào?
- Tiếng Anh từ lâu đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu, là công cụ giao tiếp thông dụng, cơ bản nhất khi chúng ta bước ra môi trường quốc tế. Do đó, trên hành trình này, tiếng Anh có vị trí vô cùng quan trọng.
- Anh có thể chia sẻ một số bí quyết, kinh nghiệm của mình qua quá trình học tập và tham dự cuộc thi Olympic Tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ lần thứ IV năm 2022?
- Đối với tôi, cuộc sống, công việc hay sự học luôn tồn tại những khó khăn. Vấn đề mấu chốt là cách chúng ta nhìn nhận và vượt qua những khó khăn đó như thế nào. Đừng xem việc học tiếng Anh như một nhiệm vụ, hãy cố gắng biến nó trở thành sở thích, thành nguồn vui trong cuộc sống. Vì công việc của mình không yêu cầu sử dụng tiếng Anh nên từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ cố ép bản thân vào một mục tiêu nhất định trong việc học ngôn ngữ này.
Thay vào đó, tôi tìm cách đưa nó đi vào đời sống cá nhân, để nó dần trở thành một phần của cuộc sống. Với tôi, ngay việc xem phim, nghe nhạc, đọc báo… cũng giúp bản thân có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết, kỹ năng sử dụng tiếng Anh. Đối với cuộc thi Olympic Tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ cũng vậy, tôi tham gia trước hết để thực hiện lời hứa của chính mình từ hai năm trước là sẽ không bỏ lỡ cơ hội để thử sức bản thân. Tôi không tự tạo áp lực, không đặt nặng thành tích nhưng luôn cố gắng hết mình.
- Xin cảm ơn anh! Chúc anh có thêm nhiều niềm vui trên con đường đã chọn!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)