Sống tốt với đam mê

Ngọc Lan |

Từ bỏ cuộc sống với công việc và thu nhập ổn định, nhiều người mơ ước ở Thành phố Hồ Chí Minh, cô gái có cá tính mạnh mẽ Hoàng Điệp ở Khu phố 1, phường An Đôn, thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) quyết định trở về quê hương để thỏa sức với niềm đam mê từ nhỏ của mình, đó là làm vườn, trồng hoa. Rồi cũng chính niềm đam mê này đã đem lại cho Hoàng Điệp nguồn thu nhập ổn định ở quê nhà.

Một ngày làm vườn của Hoàng Điệp bắt đầu từ 7 giờ sáng. Mảnh vườn khá rộng với đủ loại các cây trồng như bưởi da xanh, cam sành, ổi, sả, ớt… và các loại vật nuôi như gà, thỏ, lợn… đã ngốn gần hết thời gian của Điệp. Sau khi thăm vườn, chăm sóc cây cối, vật nuôi, Điệp lại tự tay thu hoạch những sản phẩm mình nuôi trồng được. Nhưng có lẽ đam mê và tâm huyết nhất của Điệp là vườn hoa trồng các loại hoa hồng và hoa mười giờ. Đủ các loại giống hoa hồng được Điệp sưu tầm và nghiên cứu lai tạo, nhân giống đang đua nhau khoe sắc.

Hoàng Điệp đang chăm chút cho vườn hoa của mình -Ảnh: N.L
Hoàng Điệp đang chăm chút cho vườn hoa của mình -Ảnh: N.L

Chia sẻ về quyết định trở về quê của mình, Điệp cho biết: “Em vốn là con nhà nông, từ nhỏ đã hay theo mẹ ra vườn nên đã ăn sâu trong máu niềm đam mê với công việc làm nông. Khi lớn lên, cũng như bạn bè cùng trang lứa, em muốn vươn ra thành phố, thoát khỏi vùng quê nghèo để tìm cho mình những cơ hội mới hơn. Chính vì vậy, ngay sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, em đã vào Thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm cơ hội cho mình. Gần 4 năm ở đó, em đã may mắn tìm được một công việc với thu nhập ổn định. Tuy nhiên, những ngày bôn ba nơi đất khách quê người, niềm đam mê với cỏ cây hoa lá từ thuở nhỏ vẫn luôn thôi thúc trong lòng. Rồi một ngày tháng 10/2020, em quyết định từ bỏ tất cả, trở về quê với nhiều ý tưởng và dự định ấp ủ trên mảnh vườn của gia đình”.

Không chỉ dừng lại ở đam mê, Điệp đã tìm lối đi riêng cho mình trong việc phát triển kinh doanh từ chính những sản phẩm mình làm ra. Thông qua kênh bán hàng online, Điệp đã đưa những nông sản sạch của mình đến với bạn bè ở mọi miền. Nguồn thu nhập chính của Điệp là từ vườn hoa. Khách hàng thường xuyên đặt mua hoa mười giờ, cây hoa hồng và các sản phẩm hoa hồng tự tay Điệp làm ra như trà hoa hồng, nước hoa hồng. Điệp chia sẻ, thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát mạnh, mỗi tháng Điệp có nguồn thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng, nay do phương tiện vận chuyển khó khăn hơn nên hàng ít gửi đi, mỗi tháng cho thu nhập khoảng 8 triệu đồng.

Hoàng Điệp cho biết thêm: “Các sản phẩm em tự làm ra như trà và nước hoa hồng rất được ưa chuộng ở các thành phố như Đà Nẵng, Hà Nội và các tỉnh khác. Để tiếp tục theo đuổi và sống tốt với đam mê của mình, đồng thời đáp ứng được nhu cầu mua hoa về trồng của khách hàng, em sẽ tiếp tục mở rộng, nhân giống nhiều hơn các loại hoa trồng. Bên cạnh đó, em sẽ liên kết với các hộ nông dân ở địa phương để trồng các loại rau củ quả theo hướng sạch, hữu cơ, từ đó tiến tới mở rộng phát triển mô hình cung cấp nguồn nông sản sạch cho khách hàng”.

29 tuổi, với tính cách mạnh mẽ, năng động và tư duy cởi mở, cô gái Hoàng Điệp đang khẳng định một điều, rằng chỉ cần có đam mê và sống hết mình với đam mê ấy thì cỏ cây hoa lá vườn nhà cũng có thể mang lại cho mỗi người một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Cầu chúc Hoàng Điệp sẽ luôn thành công với những dự định của mình để từ đó góp phần thay đổi tư duy, mở thêm một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nông thôn nói chung, thanh niên nông thôn nói riêng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Clip: "Bóng đá làng" nuôi dưỡng đam mê của các em nhỏ người Vân Kiều

Thiên Sơn |

Sau ngày dài cùng gia đình làm nương rẫy, cứ đến xế chiều, các em nhỏ người Vân Kiều ở thôn Doa Củ (Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị) tụ tập, lập đội cùng nhau biểu diễn các trận bóng đá, nuôi dưỡng niềm đam mê bằng đôi chân trần.

Niềm đam mê bóng đá của các em nhỏ người Vân Kiều

Trường Sơn |

Mặc cho sân chơi không được êm cùng quả bóng đá không hơi, các em nhỏ nơi miền núi Quảng Trị với đôi chân trần đã thỏa sức thể hiện, biểu diễn các trận bóng đá làng với đầy đam mê.

Nghị lực của cô gái mang bệnh xương thủy tinh với đam mê móc len

Trường Sơn |

Đó là em Lê Thị Hoài Nhớ (SN 2002, trú tại thôn Phương An 1, Cam Nghĩa, Cam Lộ, Quảng Trị) phát hiện mắc chứng bệnh xương thủy tinh từ lúc 2 tuổi. Tuy đã sang bước tuổi 19 nhưng em chỉ cao 1,1m và nặng 29kg, việc đi lại rất khó khăn. Không nản chí trước căn bệnh, Nhớ đã học đan móc len bằng tay, tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mắt, được rất nhiều người yêu thích.

Ngọc Châu và niềm đam mê với bóng đá phủi

Nguyễn Minh Đức |

Phạm Ngọc Châu, sinh năm 1996, ở Khu phố 11, Phường 5, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã tạo dựng được hình ảnh, tên tuổi trong nhiều giải bóng đá phủi, phong trào trên toàn quốc. Dấu ấn đậm nét của chàng trung vệ này là gặt hái được nhiều thành tích ấn tượng trong giải bóng đá trẻ toàn quốc và bóng đá phủi, phong trào khu vực miền Trung, miền Nam.