Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), nhiều người nhắc đến ông Hồ A Keng như một tấm gương sáng để học hỏi. Không chỉ siêng năng làm kinh tế, chăm lo tốt cho cuộc sống gia đình, ông Keng còn được nhiều người nể phục khi sẵn sàng hiến tặng hơn 1.000 m2 đất để xây dựng trường mầm non.
Chiều muộn tháng 4, chúng tôi tìm đến nhà ông Keng khi ông vừa từ trên rẫy trở về. Tiếp khách trong ngôi nhà sàn khang trang, ông Keng phấn khởi cho biết: “Tôi cùng với những người có uy tín vừa được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hướng Hóa cho đi tham quan các di tích lịch sử và đi nghỉ dưỡng ở biển Cửa Việt về. Tôi phấn khởi lắm. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo, tin tưởng nên tôi luôn cố gắng nêu gương, học và làm những việc tốt để người dân trong thôn, trong xã làm theo”.
Ông Keng năm nay gần 60 tuổi, ông có 2 nhiệm kỳ làm trưởng thôn và hiện nay, ông là người có uy tín tại thôn Thuận 2, xã Thuận. Với ông, làm người có uy tín, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng là vinh dự lớn lao, nên cần phải tiên phong, gương mẫu trong mọi việc. Trước hết là phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình. Hiện ông có trên 1 ha đất đồi. Tất cả diện tích này đều được ông phủ xanh bởi sắn, chuối và một số loại cây ăn quả. Ngoài ra, ở diện tích đất trũng, ông đào ao nuôi cá nước ngọt, trồng lúa nước 2 vụ.
Ông Keng chia sẻ: “Vợ chồng tôi có 7 người con nên phải cố gắng phát triển kinh tế ổn định trước tiên là để lo cho các con, sau đó các con nhìn mà học theo, làm theo để tự xây dựng cuộc sống. Đất đai ở đây tốt lắm. Trước đây toàn bộ đất này tôi trồng sắn, sau một thời gian đất bạc màu, tôi chuyển một phần sang trồng chuối và cây ăn quả, cho thu nhập quanh năm. Đặc biệt, thời gian trở lại đây, được cán bộ tuyên truyền, chỉ bảo thêm, tôi chuyển sang trồng lúa nước 2 vụ. Bây giờ lúa không những đủ ăn mà còn thừa ra để bán cho người dân quanh vùng. Nói chung làm kinh tế không khó, chỉ cần siêng năng, chịu khó là có được cuộc sống tốt”.
Hiện nay, trong số 7 người con thì 6 con của ông đã có cuộc sống riêng, xây dựng được nhà cửa ổn định, còn người con út đang học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Siêng năng, làm kinh tế giỏi, tuy nhiên, điều đặc biệt khi nhắc đến ông Keng khiến nhiều người không khỏi thán phục là việc ông đã tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất để xây dựng trường mầm non.
Chia sẻ về việc làm này, ông Keng cho hay, cách đây 4 năm, khi hay tin Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng lại điểm trường mầm non đã xuống cấp nhưng đất để xây trường thì không có, tôi trăn trở rất nhiều. Sau đó, tôi quyết định hiến hơn 1000 m2 đất của gia đình để xây trường cho các cháu. Khi quyết định hiến đất xây trường, tôi không nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ nghĩ cần phải đóng góp một phần nào đó để các con, các cháu có nơi học hành khang trang, chứ đất mình thì có, mà các cháu hằng ngày phải đi học xa, trường học thì xuống cấp, thương các cháu lắm”.
Ông có suy nghĩ đời mình do nghèo đói, cực khổ nên không được đến trường học chữ thì thế hệ con cháu mình phải khác. Chỉ có học tập, trau dồi kiến thức thì thế hệ trẻ mới thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Chính vì lẽ đó mà ông không ngần ngại hiến tặng đất để xây dựng trường học. Ngày ngày chứng kiến các cháu nhỏ được học tập trong trường lớp khang trang, ông Keng không khỏi vui mừng và thấy việc làm của mình ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Với những đóng góp của mình, ông Keng được nhận nhiều bằng khen, giấy khen, trong đó, năm 2019, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TH của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND xã Thuận, huyện Hướng Hóa Hồ A Dung cho biết: “Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Thuận, ông Keng là người có uy tín. Từ làm ăn phát triển kinh tế đến các hoạt động vì cộng đồng, ông đều gương mẫu đi đầu, làm gương cho những người dân tại đây học tập, noi theo. Đặc biệt, với diện tích đất mà ông tình nguyện hiến tặng đã giúp UBND xã tranh thủ kịp thời nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cho hoạt động giáo dục địa phương. Hiện điểm trường này có hơn 30 học sinh mầm non là con em đồng bào dân tộc thiểu số học tập. Chính quyền địa phương luôn ghi nhận sự đóng góp của ông”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)