Thầy giáo của sức khỏe

Hoàng Hải |

Được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, được rèn luyện kĩ năng chăm sóc cho bản thân mình, ứng phó với những biến đổi khí hậu, cách đấu tranh để chiến thắng và nhất là phòng ngừa bệnh tật đối với vùng hay có nguy cơ dịch bệnh, sốt rét, các bệnh ngoài da, bệnh về đường hô hấp... đều được cung cấp kĩ năng để phòng ngừa. Tất cả những việc làm đó cho 740 em học sinh của Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở A Vao ( xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đang tiến tới xu thế xem trường học là nơi để tập trung nâng cao sức khỏe, thay đổi hành vi lối sống cho thế hệ tương lai của đất nước.

Anh Hồ Văn Thon, nhân viên y tế học đường Trường TH&THCS A Vao (xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) trong giờ nghỉ ngơi trên đường đi Pa Lin.
Anh Hồ Văn Thon, nhân viên y tế học đường Trường TH&THCS A Vao (xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) trong giờ nghỉ ngơi trên đường đi Pa Lin.

Tám mươi cây số đường rừng

Từ thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), chúng tôi liên lạc với thầy Nguyễn Thanh Bình, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học và THCS A Vao, huyện Đakrông về chuyến đi đến ba thôn xa xôi nhất của xã, nơi có các điểm trường hầu như biệt lập với thế giới bên ngoài. Thầy Bình hồ hởi “được thế thì tốt, chúng tôi sẽ cử anh Thon y tế đi cùng đoàn, ngày mai anh Thon vào các điểm trường lẽ để chăm sóc sức khỏe cho học sinh, nhưng đường tới Pa Lin khó lắm, liệu các anh có đi được không”. Chúng tôi hí hửng với con đường “dự báo” của thầy Bình. Có đi thì có đến, chúng tôi nghĩ thế. Và 5 giờ sáng chúng tôi bắt đầu xuất phát từ thành phố, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cung đường từ Đông Hà đến Pa Lin tầm 130 km, trong đó có khoảng 80 cây số đường rừng.

Đón chúng tôi tại điểm trường chính xã A Vao, anh Hồ Văn Thon - nhân viên y tế học học đường mau mắn “đi liền thôi, đây vào Pa Lin 20 km nhưng tôi đi 60 phút, các anh đi tầm 90 phút, có khi hơn. Nếu không tranh thủ đi thì gặp nắng khổ mà gặp mưa thì càng khổ, con đường này hơi dốc”. Từ Ủy ban nhân dân xã A Vao về hướng Bắc, chúng tôi đi Pa Lin, con đường dốc ngoằn ngoèo đá lởm chởm, có đoạn xe ôtô chở sắn quết nát đất, chúng trộn với sương tạo nên một đám nhơn nhớt, chỉ cần xe xê bánh là xoay tròn. Núi rừng A Vao sương phủ trên những ngọn đồi tạo nên bức tranh sớm mai rất đẹp.

Chúng tôi nói với anh Thon về mong muốn của chúng tôi khi đến đây là được đến Pa Lin, A Sau và Kỳ Nơi, 3 thôn xa xôi nhất của vùng miền núi huyện Đakrông, nơi cái đói nghèo còn đeo bám đồng bào và vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân và học sinh ở đó. Anh Thon chia sẻ “học sinh ở A Vao còn nhiều cái thiệt thòi, cơ bản là do nghèo khổ và địa bàn sinh sống xa so với trung tâm. Ba thôn này hơi biệt lập với bên ngoài, mặc dù vẫn có đường nhưng đường xa, đường khó. Cán bộ y tế mỗi lần đi tiêm chủng phải dậy từ sáng sớm để đi mới thực hiện được xong công việc, giáo viên thường chiều chủ nhật vào và chiều thứ 6, hoặc sáng thứ bảy mới ra trung tâm, nhiều thứ vẫn còn vất vả lắm”.

Vượt 20 km đường rừng, chúng tôi được thưởng thức cảm giác trườn qua những con dốc vượn người, và đến những đoạn dốc đổ xuống, xe chạy theo quán tính. Có những điểm trôi chỉ cần sơ suất là rơi tỏm xuống suối. Chúng tôi cũng được con đường này “ưu đãi” cho những cú trượt dài trên mặt đường trơn láng, anh Thon nói “cũng may đường khó nhưng trời thương, người có ngã thì cũng ngã ngay trên mặt đường đất, lấm lem chứ không bị thương vong. Người dân ở đây quen rồi, nhưng đối với giáo viên cắm bản hoặc cán bộ y tế, những người về công tác ở vùng này đây là một cực hình. Nhưng giáo viên vẫn đi để mang đến con chữ cho học trò, nhân viên y tế đi mang tới sức khỏe cho dân, rứa thôi”.

Người thầy mang sức khỏe về bản làng

Anh Hồ Văn Thon, nhân viên y tế học đường Trường TH&THCS A Vao (xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) kiểm tra sức khỏe cho các em học sinh thuộc điểm trường Pa Lin.
Anh Hồ Văn Thon, nhân viên y tế học đường Trường TH&THCS A Vao (xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) kiểm tra sức khỏe cho các em học sinh thuộc điểm trường Pa Lin.
Anh Hồ Văn Thon, nhân viên y tế học đường Trường TH&THCS A Vao (xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) kiểm tra sức khỏe cho các em học sinh thuộc điểm trường Pa Lin.

Người dân, giáo viên và học sinh ở A Vao thường gọi anh Hồ Văn Thon (dân tộc Vân Kiều, sinh năm 1988) bằng “thầy Thon”. Mặc dù anh Thon tốt nghiệp Y sĩ Đa khoa của Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị và tất nhiên không phải là giáo viên. Cô Hoàng Thị Bích Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 1G cụm Pa Lin cho chúng tôi hay “ở đây chúng tôi gọi anh Thon là thầy Thon quen rồi, ai cũng gọi Thon bằng thầy cả. Làm trong môi trường giáo dục nên thường có cách gọi đó, mà xét theo cách khác thì anh Thon cũng là thầy, người thầy mang sức khỏe đến cho các em học sinh ở bản làng heo hút”.

Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở A Vao thuộc một trong những trường khó khăn nhất trên địa bàn huyện Đakrông. Từ trung tâm huyện đến điểm trường chính khoảng 60km, nếu vào điểm lẻ thì cộng bình quân chung trên 10km. Những điểm trường này gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trường học cho đến giao thông đi lại. Năm học 2019 - 2020 trường có  740 học sinh (trong đó cấp tiểu học 399 và trung học cơ sở 341). Những cái tên như Pa Lin, A Sau, Kỳ Nơi, Tân Đi 1, Tân Đi 2, Ro Ró 1, Ro Ró 2... điểm nào cũng vô cùng khó khăn, vất vả nhưng thầy Thon đã không quản ngại nắng mưa để chăm sóc sức khỏe cho 740 học sinh của trường. Tâm sự về công việc của mình, thầy Thon chia sẻ “công việc chăm sóc và giáo dục sức khỏe đối với học sinh thực sự quan trọng. Các em được trang bị kiến thức để giúp mình tự vệ sinh phòng ngừa bệnh tật, ứng phó trong trường hợp ốm đau. Ở đây tôi đi kiểm tra sức khỏe định kì cho các em, trường hợp nhẹ thì xử lí, những trường hợp ngoài quy định thì chuyển lên trạm y tế xã. Việc làm cần thiết là phòng ngừa và phát hiện để nhân viên y tế có sự hỗ trợ kịp thời cho các em”.

Tại điểm trường Pa Lin, nơi có 75 học sinh cấp 1, 2 (trong đó có 11 em học sinh thuộc diện giải quyết chế độ giữa hai quốc gia Việt - Lào nên chưa có hộ khẩu phải học nhờ), chúng tôi được chứng kiến công việc hằng ngày của anh Hồ Văn Thon. Với tính tình cởi mở, thái độ nhiệt tình trong công việc anh đã kiểm tra và chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh ở đây. Được hướng dẫn về cách vệ sinh phòng ngừa bệnh tật, em Hồ Thị Nhoam, dân tộc Pa Cô, học sinh lớp 5, cụm trường Pa Lin phấn khởi “em thấy việc khám bệnh và chăm sóc sức khỏe cho học sinh là việc làm tốt, chúng em rất vui khi được thầy Thon kiểm tra sức khỏe và hướng dẫn phòng ngừa bệnh, hướng dẫn vệ sinh”. Em Hồ Thị Chu, lớp 5 chia sẻ thêm “chúng em rất muốn được kiểm tra sức khỏe để phát hiện bệnh tật để chữa trị. Có như thế mới có sức khỏe để học được. Thầy Thon thường nhắc nhở các em về việc vệ sinh đảm bảo, mặc ấm khi mùa đông tới để phòng ngừa lạnh gây cảm”.

Trên mỗi nẻo đường bản làng xa xôi, chàng trai Vân Kiều được mọi người gọi với danh xưng trìu mến “thầy Thon” tuần nào cũng vượt hàng trăm cây số về với bản làng, về với học sinh để chăm sóc và giáo dục sức khỏe cho các em, thầy Thon chỉ mong cho các em được sức khỏe để đến trường, học hành chăm ngoan sau này trở thành những người con cống hiến cho quê hương đất nước. Thầy Thon tâm sự với chúng tôi về sự ngẫu nhiên được làm thầy chăm sóc sức khỏe “lúc đầu chọn nghề y, tôi nghĩ mình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số học y để chăm sóc sức khỏe cho người thân, cho những người trong thôn bản. Ra trường, tôi được bố trí công tác vào A Vao năm 2014 với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh, đó là niềm hạnh phúc mà tôi có được”.

Anh Hồ Văn Thon, nhân viên y tế học đường Trường TH&THCS A Vao (xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) dặn dò các em học sinh thuộc điểm trường Pa Lin giữ gìn bản thân trong mùa lạnh giá.
Anh Hồ Văn Thon, nhân viên y tế học đường Trường TH&THCS A Vao (xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) dặn dò các em học sinh thuộc điểm trường Pa Lin giữ gìn bản thân trong mùa lạnh giá.
Anh Hồ Văn Thon, nhân viên y tế học đường Trường TH&THCS A Vao (xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) dặn dò các em học sinh thuộc điểm trường Pa Lin giữ gìn bản thân trong mùa lạnh giá.

Đêm xuống ở Pa Lin, một không gian yên bình đến lạ thường. Chúng tôi cùng với các giáo viên cụm trường Pa Lin ngồi trò chuyện với nhau. Giữa đặc quánh đêm là tiếng nói của những người mang sứ mệnh đem con chữ, mang sức mạnh đến với vùng cao càng trở nên đằm thắm, chất chứa nhiều trăn trở. Thầy Hồ Văn Bền, giáo viên chủ nhiệm lớp 4G tâm sự với chúng tôi “con chữ ở đây rất cần với các em, mặc dù điều kiện ở đây còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi và học sinh, cả cha mẹ các em nữa đều hết sức cố gắng cho con em mình đến trường học tập. Mặc dù ở rất xa trung tâm nhưng vấn đề sức khỏe của các em được nhà trường chú trọng, thầy Thon luôn thăm khám cho các em và dặn dò các em giữa gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, đấy là việc làm thiết thực và vô cùng ý nghĩa đối với những ngôi trường heo hút của A Vao”. Cô Hoàng Thị Bích Thủy, cụm trưởng cụm TH&THCS Pa Lin chia sẻ thêm “việc chăm sóc sức khỏe tại chỗ đối với học sinh thôn bản xa trung tâm là rất cần thiết. Việc làm đó giúp giáo viên và học sinh có thêm kiến thức để phòng ngừa bệnh tật. Y tế học đường giúp học sinh ban đầu có những kỹ năng cơ bản về y tế để chăm sóc sức khỏe bản thân”.

TAGS