Hàng trăm phụ nữ dân tộc Vân Kiều, Pa Kô lớn tuổi ở 2 xã biên giới Ba Tầng và A Dơi, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đều gọi anh là thầy. Những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở hai bên biên giới cũng gọi anh bằng hai tiếng: thầy giáo! Người lính biên phòng được người dân gọi hai chữ trân trọng này là Đại úy Hồ Văn Hữu, hiện đang công tác tại Đồn Biên phòng Ba Tầng.
Những học sinh “đặc biệt”
Kể về mình, Đại úy Hồ Văn Hữu cho biết, anh năm nay 31 tuổi, là người dân tộc Vân Kiều, ở xã Mò Ó, huyện Đakrông. Anh sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, có ông nội là cán bộ lão thành, bố là cán bộ xã. Là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh em, anh được gia đình lo ăn học tử tế. Năm 2016, anh Hữu tốt nghiệp Học viện Biên phòng và được điều động công tác tại lực lượng Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế theo diện tăng cường. Năm 2020, anh được chuyển về công tác tại Đồn Biên phòng Ba Tầng và giữ chức vụ Đội trưởng Đội Vận động quần chúng.
Là người con của đồng bào dân tộc Vân Kiều, anh Hữu rất hiểu về phong tục, tập quán của người dân địa phương và những chuyến đi cơ sở của anh như là về nhà mình. Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, anh phát hiện có rất nhiều phụ nữ lớn tuổi trên địa bàn hai xã Ba Tầng và A Dơi chưa biết chữ.
Lý do vì họ hầu hết đều là người Lào xâm cư mới được nhập quốc tịch Việt Nam vào năm 2018, đặc biệt là các bản biên giới của xã A Dơi. Điều này đã thôi thúc anh báo cáo và tham mưu với lãnh đạo đơn vị tổ chức các lớp xóa mù chữ. Để tổ chức các lớp học, Đồn Biên phòng Ba Tầng phối hợp với hội liên hiệp phụ nữ 2 xã Ba Tầng và A Dơi khảo sát, lập danh sách và vận động chị em phụ nữ trên địa bàn tham gia.
Đại úy Hồ Văn Hữu tâm sự: “Lớp học đầu tiên tôi đứng lớp có hơn 30 học sinh “đặc biệt” vì hầu hết tuổi đã cao, có người hơn 50 tuổi. Ban đầu ai cũng e ngại, mặc cảm nhưng càng học, các chị càng hăng say vì sau mỗi buổi học, các chị bắt đầu nhận diện được con chữ, làm quen với các con số và các phép tính. Khóa học có thời gian biểu 3 - 4 buổi/tuần, học vào ban đêm và hoàn thành sau 6 tháng. Kết thúc khóa học, các chị rất phấn khởi và tự tin khi đã đọc được, viết được và làm được các phép tính cơ bản trong phạm vi hàng nghìn”.
Tiếng lành đồn xa, nhiều phụ nữ khác trên địa bàn 2 xã A Dơi, Ba Tầng ban đầu tự ti, mặc cảm, đến nay đã mạnh dạn đăng ký đi học lớp “xóa mù chữ” do thầy Hữu đứng lớp. Đến cuối năm 2022, Đồn Biên phòng Ba Tầng đã phối hợp với chính quyền địa phương, hội phụ nữ hai xã tổ chức 5 lớp, với 180 học sinh là phụ nữ lớn tuổi chưa biết chữ và thầy giáo trực tiếp giảng dạy là Đại úy Hồ Văn Hữu. Tháng 3/2023, anh Hữu được đơn vị giao nhiệm vụ phối hợp với nhà trường trên địa bàn, hội phụ nữ hai xã tiếp tục rà soát, lập danh sách và đề xuất mở thêm các lớp xoá mù chữ, đồng thời phát triển, mở rộng thêm các đối tượng học viên và đã mở được thêm 2 lớp/48 học viên.
Nâng bước chân em đến trường
Không chỉ đứng lớp dạy xóa mù chữ cho phụ nữ lớn tuổi ở 2 xã Ba Tầng, A Dơi, Đại úy Hồ Văn Hữu còn trực tiếp kèm cặp, phụ đạo cho học sinh là “con nuôi Đồn Biên phòng” và học sinh do đơn vị nhận đỡ đầu để chăm sóc, lo ăn học. Đồng thời, tích cực tham gia vận động để các học sinh trên địa bàn có ý định bỏ học tiếp tục quay lại ghế nhà trường.
Thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, Đồn Biên phòng Ba Tầng nhận đỡ đầu 10 cháu học sinh trên địa bàn và nhận 2 con nuôi của Đồn Biên phòng. Trong đó, 2 “con nuôi Đồn Biên phòng” được nuôi ăn học trong đơn vị hiện là học sinh, sinh viên người Lào ở Bản Xê, huyện Sa Muồi. Đại uý Hữu được đơn vị giao nhiệm vụ đưa đón các cháu con nuôi đến trường, trực tiếp kèm cặp, đỡ đầu giúp đỡ các cháu trong học tập. Với sự tận tâm, lòng yêu thương, trách nhiệm, anh đã truyền đạt kiến thức, lòng say mê học tập cho các em. Kết quả, 100% các cháu đạt học lực khá, giỏi; 1 cháu thi đỗ đại học năm học 2021 - 2022 và 2 cháu học sinh đang học tại Trường THCS A Dơi đạt giải Nhất cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp tỉnh năm 2021.
Trên cương vị là Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đại uý Hồ Văn Hữu đã tích cực phối hợp với địa phương, các trường học trên địa bàn vận động con em trong độ tuổi đến lớp. Bằng nhiều hình thức, biện pháp cụ thể, anh đã trực tiếp đến từng nhà, động viên các em học sinh trong độ tuổi có ý định nghỉ học, bỏ học cố gắng đến lớp. Anh còn vận động các hộ gia đình trên địa bàn quan tâm, chăm lo cho các em để có điều kiện được đi học đầy đủ.
Kết quả từ năm 2021 đến nay, anh đã phối hợp với các nhà trường, giáo viên bán trú trên địa bàn và đoàn thanh niên, phụ nữ 2 xã vận động hàng chục cháu trong độ tuổi đến lớp được đi học và nhiều học sinh ở các cấp học có ý định bỏ học tiếp tục đến trường.
Bên cạnh đó, anh Hữu phối hợp với các trường học trên địa bàn xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai trên 25 tiết học ngoại khóa về chủ đề Biên cương Tổ quốc, giới thiệu đường biên, cột mốc tại thực địa cho hơn hàng trăm lượt các em học sinh trên địa bàn. Qua đó, anh đã góp phần truyền lửa và giúp các em học sinh hiểu được ý nghĩa về việc bảo vệ lãnh thổ, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Với nỗ lực của mình, năm 2022, Đại úy Hồ Văn Hữu vinh dự nhận giải thưởng Vừ A Dính của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vì có nhiều đóng góp trong phát triển vùng dân tộc và miền núi năm 2021-2022.
Tâm sự với chúng tôi, Đại úy Hồ Văn Hữu cho biết, những kết quả về giáo dục - đào tạo, xóa mù chữ cho phụ nữ lớn tuổi trên địa bàn đơn vị đóng quân là nỗ lực của địa phương, Đồn Biên phòng Ba Tầng và các hội, đoàn thể, bản thân anh chỉ đóng góp một phần công sức nhỏ bé. Nhưng đằng sau tâm sự đó, chúng tôi hiểu được rằng, nỗ lực của anh là vì trách nhiệm, vì tình yêu quê hương và vì đồng bào người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô.
Chúng tôi tin tưởng ngoài nhiệm vụ chính trị được đơn vị giao, Đại úy Hồ Văn Hữu sẽ luôn làm tốt và có trách nhiệm với sự nghiệp gieo chữ, xóa mù nơi biên giới với niềm ước mong miền núi tiến kịp miền xuôi.