Trần Trà My: Cô gái Quảng Trị đi gieo mầm tử tế

Tống Phước Bảo |

Cô gái nhỏ nhắn với gương mặt xinh xắn này vốn sinh ra trên mảnh đất Đông Hà của miền gió cát Quảng Trị. Thấm đẫm trong dòng máu ấy là tính cách của vùng quê can trường đi qua chinh chiến. Người Quảng Trị từ trong gian khó luôn bền bỉ một nghị lực kiên cường. Trần Trà My cũng vậy, hành trình tử tế của cô gái có đôi chân thiên thần luôn là hành trình truyền cảm hứng tích cực.

Hành trình tái sinh dệt nên điều tử tế

Những ngày giữa tháng 12 vừa qua, Trần Trà My cho ra mắt quyển sách thứ 5 của mình mang tên “Chuyến phiêu lưu của những điều tử tế” do NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh ấn hành. Quyển sách tập hợp 38 bài viết của My đã từng đăng báo, 11 bài thơ My sáng tác từ những năm 2009 đến giờ và 9 bài cảm nhận từ gốc nhìn của những độc giả đặc biệt của My.

Có thể nói ở tập sách thứ 5 này, Trần Trà My cho thấy một ngòi bút đa dạng của mình, không phải là những hình thức sáng tác cũ mà độc giả đã từng đọc và thích My như truyện ngắn, tản văn, lần này là thể loại ghi chép, bút ký và một phần du ký.

Nhưng trên hết trong các tác phẩm lần này của My chính là những giá trị sống nhân văn, thông điệp tích cực và một chấp niệm an lành mà cô gái nhỏ này gởi đến cho độc giả của mình.

Trần Trà My (giữa) trong buổi ra mắt cuốn sách “Chuyến phiêu lưu của những điều tử tế” -Ảnh: T.P.B
Trần Trà My (giữa) trong buổi ra mắt cuốn sách “Chuyến phiêu lưu của những điều tử tế” -Ảnh: T.P.B

Trần Trà My đi qua những năm tháng đau đớn lẫn bế tắc, khi mới hơn ba tháng tuổi thì điều không may đã xảy ra với mình. Cô gái Quảng Trị này lớn lên tập quen dần với đôi bàn chân teo lại, phải di chuyển bằng chiếc xe hỗ trợ.

Mười ngón tay của My cũng không thể làm gì vì co quắp và yếu ớt. Ngay cả chính giọng nói cũng không thể biểu đạt trọn vẹn những thanh âm, những cảm xúc. Tưởng chừng như cuộc đời đã thu lại với My trong căn phòng nhỏ và giọt nước mắt.

Nhưng chính dòng máu Quảng Trị âm ỉ cháy trong My những kiên cường, nghi lực một cách phi thường đã khiến My tự mình tái sinh một cuộc đời khác.

Viết lách chính là một hành trình tái sinh đầy rực rỡ của Trần Trà My. Từ Quảng Trị, cô gái nghị lực này đến với TP. Hồ Chí Minh để tìm cho mình một con đường mới. Chính tại nơi đây, viết lách đã cho My sự thăng hoa và những cuốn sách đã ra đời.

Đôi chân thiên thần cứ thế đi mải miết. Đôi tay dù chỉ gõ chữ bằng một ngón, nhưng My đã ghi lại hành trình của mình một cách tỉ mẩn và dạt dào xúc cảm nhất.

Như hành trình đi Côn Đảo của mình, My hài hước ví von chiếc xe hỗ trợ việc đi lại hằng ngày như “siêu xe” và chính mình là vị khách “6 chân” đặc biệt của Côn Đảo. My kể hành trình của mình bằng giọng văn rất trong trẻo, hồn nhiên nhưng đong đầy cảm xúc khi lần đầu tiên viếng mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu, đến di tích nhà giam Phú Hải, cô gái nhỏ này nhận được sự ân cần chăm sóc của rất nhiều người. Hành trình một mình đến Côn Đảo của Trần Trà My là một trải nghiệm thú vị.

Để khi ngồi viết lại, chính My cũng cảm nhận: “Đây là nơi có thể ban đêm đi ngủ không cần phải cửa đóng then cài, các nhà hàng khách sạn cũng không cần phải tốn tiền thuê bảo vệ ngồi trông xe, thậm chí khách sạn nơi tôi ở có vị trí hai mặt tiền nhưng tôi cũng chẳng thấy một anh bảo vệ gác cổng nào đứng canh. Người ta thật sự sống chan hòa tử tế với nhau để kéo thêm nhiều du khách trở lại ở những lần tiếp theo”. (Trích Hành trình đi ra Côn Đảo).

Chính những chuyến đi của Trà My là những hành trình vun bồi thêm nghị lực, trải nghiệm sâu rộng và góp nhặt những điều tử tế nhất để câu chữ của My từ đó tỏa ra một năng lượng tích cực, truyền đi những thông điệp nhỏ nhặt nhưng hàm chứ ý nghĩa sâu sắc.

Vì cuộc đời này đáng sống

Mỗi chuyến đi của My đều được cô ghi lại cẩn trọng, dù như chính cô gái nhỏ này nói, đó là một điều với người bình thường giản đơn, nhưng với My là rất khó khăn. Hàng ngàn trang bản thảo đều được gõ bằng một ngón tay. Mãi sau này, rất nhiều người mới biết điều đó. Sự cố gắng của Trần Trà My, chính là từ nguồn động viên của độc giả, bạn bè và phần lớn họ đều không quen My.

Viết lách đã làm cô gái nhỏ này vượt rất nhiều chướng ngại để đến với nhiều hành trình, nhiều mối quan hệ mà từ đó My học thêm được nhiều điều. Nhưng tin chắc cũng từ My, độc giả cũng học thêm rất nhiều điều tử tế, nhiều năng lượng từ My được lan tỏa vào độc giả, vào bạn bè, để hành trình tử tế ngày càng lan xa, nối dài trên khắp nẻo đường đất nước mà Trà My đã đi qua.

Nhiều lắm mối duyên hạnh ngộ mà những độc giả rất đặc biệt đã ghi lại dành tặng My. Trong tập sách lần này, chính ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, một độc giả, một người anh thân thiết đã ghi lại cảm xúc dành cho My: “Những câu chuyện cứ giản dị bộc bạch nhưng sâu thẳm bên trong là khát khao về một cuộc sống tốt đẹp từ thái độ và tình người dành cho nhau. Chúc cho hành trình của tác giả Trần Trà My sẽ ngày càng rộng khắp và tỏa sáng với những thông điệp yêu thương”.

Hay như trong lời tựa, nhà thơ Nguyễn Phong Việt cũng đã gọi hành trình của Trần Trà My là “Một hành trình sống nhiều giá trị”. Anh viết: “Với tác giả cuốn sách này, trong một nhân dáng có nhiều khiếm khuyết, nhưng luôn chọn cho mình một thái độ đầy yêu thương, rồi trao điều đó cho những người khác - bằng tất cả những gì có thể - có thể ví như một phép màu được tạo ra bởi chính bản thân. Giữa rất nhiều đầu sách lựa chọn trên kệ, Chuyến phiêu lưu của những điều tử tế… là một lựa chọn khiến trái tim bạn sẽ bớt đi ít nhiều những nhịp đập không vui, còn tâm hồn bạn sẽ đầy thêm những tiếng cười vì cuộc đời này đáng sống!”.

Hôm Trần Trà My ra mắt sách ở TP.Hồ Chí Minh là một buổi chiều trời mưa nhẹ lất phất, nhưng khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên TP.Hồ Chí Minh đông kín người đến chia vui và cùng khóc cười với hành trình của My. Rất nhiều người bạn quen, rất nhiều độc giả thân và cũng không ít người lạ lần đầu tiên biết My. Tất cả họ đến bởi họ đều tin vào hành trình tử tế sẽ mang đến một cuộc đời đáng sống.

Trần Trà My, cô gái Quảng Trị “6 chân” với con “siêu xe” đã đến những vùng đất đẹp của Việt Nam, biên giới xa xôi hay những trại giam… Bất cứ nơi nào đi qua, hạt mầm tử tế cũng được gieo lại và từ đó luôn nẩy lên những mùa hoa tốt tươi, bát ngát niềm tin yêu vào cuộc sống. Với cô gái này, hành trình tử tế luôn là hành trình không dừng bước.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tấm lòng của cư sĩ Lê Văn Diêu

Hằng Nga |

Cư sĩ Lê Văn Diêu (79 tuổi), Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Quảng Trị; Giám đốc Trung tâm Dạy nghề miễn phí Phùng Xuân luôn tâm niệm lời đức Phật dạy để sống tốt đời, đẹp đạo, cống hiến những việc làm có ích cho xã hội.

Tấm lòng của vị chủ tịch kháng chiến

Tú Linh |

Ông Trương Quang Phiên, người làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh (Quảng Trị), từng có thời gian dài giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Trị (nay là Chủ tịch UBND tỉnh) trong những năm kháng chiến chống Pháp. Ông là người có trách nhiệm đối với quê hương, đất nước và sự nghiệp cách mạng. Cuộc đời ông là một câu chuyện đầy tình người.

Ni sư có tấm lòng nhân ái

Hiếu Giang |

Với phương châm sống “Tốt đời đẹp đạo”, ngoài thực hiện tốt vai trò của một tu sĩ luôn rèn luyện, trau dồi đạo hạnh, ni sư Thích Nữ Minh Huy, trụ trì chùa Kiều Đàm (Phường 4, TP. Đông Hà, Quảng Trị) còn phát tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần mang niềm vui, hạnh phúc đến những mảnh đời bất hạnh. Với những đóng góp của mình, năm 2022, ni sư Minh Huy vinh dự là 1 trong 10 công dân tiêu biểu được thành phố tuyên dương.

Tấm lòng nhân ái của Sư cô Nguyệt Liên

Lê Trường |

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi nhưng Ni sư Thích Nữ Nguyệt Liên (tên thường gọi là Sư cô Nguyệt Liên), trụ trì Tịnh xá Ngọc Lộ đã gắn bó với huyện Cam Lộ (Quảng Trị) như quê hương thứ hai của mình. Ở đây bà được mọi người cảm phục, trân quý vì có nhiều hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ trẻ em bị khuyết tật, những hoàn cảnh gặp khó khăn, bất hạnh trong xã hội.