Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Tiên - Chủ tịch UBND huyện Nho Quan - cho biết: "Không chỉ là người có uy tín trong đồng bào dân tộc, doanh nhân Bùi Xuân Cộng còn là tấm gương tiêu biểu trong làm kinh tế. Ngoài tạo việc làm cho hàng trăm lao động là người dân tộc tại địa phương.
Là người dân tộc Mường sinh ra lớn lên ở vùng đặc biệt khó khăn, xã Thạch Bình, huyện Nho Quan (Ninh Bình). Không chỉ là người có uy tín trong đồng bào dân tộc, ông còn là doanh nhân tiêu biểu người dân tộc đã và đang tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động là người dân tộc tại địa phương với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Ông là Bùi Xuân Cộng - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Xuân Hòa.
Đội trưởng đội thủy lợi của hợp tác xã...
Ông Bùi Xuân Cộng sinh ra và lớn lên ở vùng đặc biệt khó khăn - xã Thạch Bình - huyện miền núi Nho Quan (Ninh Bình). Bố mất sớm khi ông mới 11 tuổi, là anh cả, ông đã không quản gian khổ vào rừng chặt củi, hái măng đưa cho mẹ bán để lấy tiền nuôi 4 em nhỏ ăn học.
Học hết cấp 3, ông tham gia hợp tác xã nông nghiệp, với nghị lực và sức trẻ luôn cố gắng phấn đấu, năm 1974, ông được mọi người tín nhiệm cử làm đội trưởng đội thủy lợi 202 của Hợp tác xã Thạch Bình. Với sự cố gắng không ngừng nghỉ, vươn lên ông đã đưa đội từ một đơn vị yếu kém trở thành đơn vị xuất sắc, là lá cờ đầu của tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) và được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Năm 1992, ông mạnh dạn thành lập Xí nghiệp Đầu tư xây dựng và dịch vụ than Xuân Hòa với mục đích tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong thôn bản. Tiếp đó, năm 1997 ông mua lại toàn bộ Nhà máy gạch Phú Sơn và đầu tư hơn 10 tỉ đồng để xây dựng thành Nhà máy gạch Tuynel. Thời điểm đó cả tỉnh Ninh Bình chỉ có 2 nhà máy gạch Tuynel, ông sở hữu 1 nhà máy có sản phẩm và chất lượng luôn được người dân tin dùng và có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho gần 200 lao động chủ yếu là người dân tộc thiểu số.
Không dừng lại tại đó, năm 2001 nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch ở quê nhà, ông liền đầu tư số tiền trên 20 tỉ đồng để xây dựng Khu du lịch tắm ngâm nước khoáng nóng Cúc Phương với 2 bể tắm, 15 bồn sục, 25 phòng nghỉ và khu nhà ăn khang trang. Khu du lịch này đã chính thức đi vào hoạt động năm 2003 và đang là địa điểm tham quan, nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách khi đến huyện miền núi Nho Quan nói riêng và Ninh Bình nói chung, hằng năm đón gần 100 nghìn lượt du khách.
Từ một xí nghiệp nhỏ chỉ vài chục triệu đồng, trải qua hơn 25 năm xây dựng, phát triển, đến nay công ty đã có số vốn trên 50 tỉ đồng với 4 xí nghiệp thành viên; tạo công ăn việc làm cho gần 300 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Doanh nhân tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh
Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Tiên - Chủ tịch UBND huyện Nho Quan - cho biết: "Không chỉ là người có uy tín trong đồng bào dân tộc, doanh nhân Bùi Xuân Cộng còn là tấm gương tiêu biểu trong làm kinh tế. Ngoài tạo việc làm cho hàng trăm lao động là người dân tộc tại địa phương. Hàng năm, doanh nhân Bùi Xuân Cộng còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội khác, như: Đóng góp ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Nạn nhân chất độc da cam, Quỹ Khuyến học, tri ân gia đình chính sách, trao tặng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết với số tiền hàng tỉ đồng. Đặc biệt là việc đóng góp tiền của để xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Từ nguồn đóng góp với số tiền hàng trăm triệu đồng và đóng góp gạch… của doanh nhân Bùi Xuân Cộng, nhiều tuyến đường, nhà văn hóa, trường học ở địa phương đã được xây dựng khang trang hơn, đảm bảo các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Nhiều trường hợp công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở đã được doanh nhân Bùi Xuân Cộng hỗ trợ gạch để xây dựng nhà ở mới khang trang và kiên cố hơn".
Với những phấn đấu không biết mệt mỏi, ông đã vinh dự được Nhà nước, các cấp, các ngành tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba, Doanh nhân tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh, Kỷ niệm chương tại Hội nghị thi đua toàn quốc, Cúp vì sự nghiệp cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam…