Rơi vào vòng lao lý, nhiều phạm nhân ở Trại giam Nghĩa An không dám nghĩ đến ngày mai. Chuyện làm lại cuộc đời trở nên xa xôi đối với họ. Giữa rối bời suy nghĩ, cuộc thi do Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trại giam Nghĩa An tổ chức đã giúp các phạm nhân viết lại cuộc đời mình.
Những dòng thư chan đầy nước mắt
“Thời gian thấm thoắt trôi qua, cuối cùng, tôi cũng có cơ hội viết lại cuộc đời mình. Nhưng, cơ hội này thật sự quá éo le. Cơ hội này tôi không muốn. Tôi viết cuộc đời mình không phải ở ngoài đời mà là trong chốn ngục tù, nơi mà tôi từng thề sẽ không bao giờ quay lại nữa”. Đó là những dòng thư đầy day dứt của phạm nhân V.Đ.H. (sinh năm 1994). Tham gia cuộc thi viết chia sẻ hành trình hướng thiện với chủ đề: “Viết lại cuộc đời”, anh H. đã dành trọn 6 đêm để chắp bút. Mỗi trang viết gắn với những giọt nước mắt.
Từ nhỏ, phạm nhân V.Đ.H. đã thiếu đi hơi ấm của vòng tay ba.
Sống trong tình thương của mẹ, anh H. luôn dặn mình phải chăm ngoan, học giỏi. Sau nhiều nỗ lực, anh bước chân vào giảng đường như mơ ước. Thế nhưng, cuộc đời có những ngã rẽ bất ngờ mà một thanh niên mới lớn như anh H. không thể ngờ tới. Một lần, đi chơi cùng bạn, anh quá chén, rồi gây tai nạn giao thông. Số tiền để bồi thường quá lớn khiến anh H. không biết giải quyết thế nào. Cuối cùng, anh dấn thân vào trò đỏ đen. Điều mà anh H. không thể ngờ tới là càng ngày, mình càng lấn sâu vào nợ nần, rồi rơi vào vòng lao lý. Những ngày ở trại giam, anh đã suy nghĩ rất nhiều và hối hận với quyết định sai lầm của mình. “Không có việc gì xảy ra là do tình cờ hay do định mệnh. Chúng ta tạo ra số phận bằng những hành động của mình… Tôi hối hận về những việc đã làm”, H. nói.
Cũng dành nhiều thời gian để tham gia cuộc thi viết chia sẻ hành trình hướng thiện với chủ đề: “Viết lại cuộc đời”, phạm nhân P.Đ.N. đã kể lại những kỷ niệm sâu sắc với người bà của mình. Vào Trại giam Nghĩa An đã 19 tháng, chưa ngày nào, phạm nhân N. vơi nỗi nhớ bà. Chính người phụ nữ tảo tần này đã nuôi nấng anh từ tấm bé và đặt nhiều kỳ vọng. Vì vậy, anh N. rất buồn khi lâm vào cảnh tù tội, phụ công dưỡng dục của bà. Anh N. chia sẻ: “Nếu thời gian có thể quay trở lại, tôi sẽ sống chậm hơn, biết hài lòng về những gì mà mình có. Đó cũng là thông điệp tôi gửi gắm trong bài dự thi”.
Không chỉ phạm nhân V.Đ.H. và P.Đ.N., đến với cuộc thi “Viết lại cuộc đời”, nhiều phạm nhân ở Trại giam Nghĩa An đã rơi nước mắt. Với cuộc thi này, họ có cơ hội nhìn về quá khứ, biết mình vấp ngã ở đâu và rút ra bài học. Cuộc thi cũng đã thôi thúc họ viết tiếp những dòng mới cho hiện tại và tương lai. Việc tưởng chừng rất dễ ấy lại là điều rất khó đối với những phạm nhân từng mất đi niềm tin, hy vọng.
Thắp sáng ước mơ hoàn lương
Dù bận rộn nhưng Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Trần Thị Thu vẫn thu xếp thời gian tham dự chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”. Là phụ nữ, chị Thu hiểu sâu sắc, ở chốn thẳm sâu tâm hồn, các phạm nhân vẫn còn hạt mầm của cái thiện. Nếu được tưới tắm, hạt mầm ấy sẽ đánh thức nhân cách, giúp họ hướng đến chân, thiện, mỹ. Vì thế, mỗi dịp tổ chức hoặc phối hợp tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Trần Thị Thu luôn cùng ngồi lại với các cán bộ đoàn khác suy nghĩ, tìm tòi những hoạt động ý nghĩa để qua đó giúp những “hạt mầm của cái thiện” thoát khỏi lớp vỏ bọc xù xì để nảy nở trong phạm nhân. “Sau nhiều trao đổi, thảo luận, chúng tôi đã thống nhất sẽ tổ chức cuộc thi viết chia sẻ hành trình hướng thiện với chủ đề: “Viết lại cuộc đời”. Từ “viết lại” ở đây không đơn thuần dừng ở việc kể câu chuyện mình đã trải qua…”, chị Thu khẳng định.
Đặt nhiều niềm tin nên các cán bộ Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh rất mừng khi nhận được thông tin từ Thượng tá Đỗ Huyền Tâm, Giám thị Trại giam Nghĩa An rằng các phạm nhận rất mừng, chờ đón chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”. Đặc biệt, cuộc thi viết chia sẻ hành trình hướng thiện với chủ đề: “Viết lại cuộc đời” thu hút sự tham gia của nhiều phạm nhân. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, cuộc thi đã nhận được hơn 1.600 bài dự thi. “Đó là con số mà chúng tôi không thể ngờ đến. Nhiều bài dự thi được phạm nhân viết cẩn thận, chu đáo, nắm nót từng chữ”, Thượng tá Tâm cho biết.
Với số lượng bài dự thi lớn như thế, việc chọn ra trang viết chạm sâu đến trái tim nhất không dễ. Thứ tiếp thêm động lực cho ban tổ chức, ban giám khảo là hầu như bài dự thi nào cũng giàu cảm xúc. Mỗi bài dự thi đều ẩn chứa sự tiếc nuối của những con người từng thiện lương, vấp ngã vì yếu lòng, vì nhận thức không đúng… Họ day dứt, xót xa khi nhìn lại sai lầm của mình. Cú trượt ngã không chỉ khiến các phạm nhân đánh mất nhiều thứ mà còn làm ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh. Qua những trang viết, người đọc còn thấy khát khao làm lại cuộc đời; lòng biết ơn đối với các giám thị; tình cảm giữa các phạm nhân… Đó là thứ mà trước khi bước vào trại giam, các phạm nhân nghĩ sẽ không bao giờ có.
Từ 1.600 bài dự thi, ban tổ chức, ban giám khảo cuộc thi đã chọn lại 16 tác phẩm để trao giải, gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. Giải Nhất được trao cho phạm nhân V.Đ.H. với bài dự thi dài 6 trang. Anh H. cho biết: “Tôi viết bài dự thi này như một bức thư để gửi mẹ. Mẹ tôi đi xuất khẩu lao động đã hơn 12 năm nay. Cuối năm nay, mẹ tôi sẽ về. Tôi mong được gặp mẹ, được làm lại cuộc đời. Nhưng, thực sự, tôi vẫn lo sợ sự kỳ thị của mọi người”, phạm nhân H. chia sẻ.
Chia sẻ từ đáy lòng phạm nhân V.Đ.H. khiến Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Trần Thị Thu không khỏi xúc động. Chị Thu cho biết, trong các bài viết dự thi, bên cạnh sự dằn vặt, hối hận và hy vọng, khát khao viết lại trang mới cho cuộc đời mình, không ít phạm nhân chia sẻ lo lắng về sự kỳ thị, xa lánh hay thậm chí là oán hận từ những người xung quanh, từ gia đình nạn nhân… Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực tự thân, hành trình hoàn lương của các phạm nhân cần sự đón nhận cởi mở, đầy thấu cảm, yêu thương của cộng đồng. Đây cũng là thông điệp mà Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Ban giám thị Trại giam Nghĩa An muốn gửi đến cộng đồng thông qua cuộc thi này. “Hy vọng với sự cố gắng của mỗi phạm nhân, quá trình giáo dục cảm hoá của các giám thị và sự hỗ trợ từ cộng đồng xã hội, sẽ có ngày càng nhiều phạm nhân cải tạo tốt, hoàn lương, viết lại cuộc đời bằng những dòng vui vẻ, tươi sáng hơn”, chị Thu chia sẻ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)