Viết ước mơ bằng đôi bàn chân

Trương Quang Hiệp |

Dẫu biết cuộc đời này không phải bất hạnh nào cũng kết thúc có hậu như trong những câu chuyện cổ tích nhưng Nguyễn Văn Minh Chí vẫn luôn tin mình có thể làm nên điều kỳ diệu trên trang sách bằng chính đôi chân không lành lặn của mình. 

Điều kỳ diệu đó của em không chỉ mang đến niềm vui cho bản thân, mà còn là sự động viên lớn lao cho ba mẹ-những người đã sinh ra và đồng hành với em suốt chặng đường vất vả đã qua. 

Minh Chí chia sẻ những câu chuyện vui ở lớp với mẹ và em gái. Ảnh: Q.H
Minh Chí chia sẻ những câu chuyện vui ở lớp với mẹ và em gái. Ảnh: Q.H

Hong khô nỗi buồn

Nguyễn Văn Minh Chí (sinh năm 2011), trú tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) không mang đôi mắt buồn thăm thẳm như phần lớn các em nhỏ khuyết tật khác. Hôm ghé thăm ngôi nhà nhỏ của gia đình Chí, từ ngoài sân, tôi đã nghe tiếng hò reo vui vẻ. Ba mẹ Chí bật mí, con trai mình đang chơi… đá bóng. Câu trả lời ấy khiến tôi chột dạ, nghĩ chắc có sự nhầm lẫn ở đây. Bởi, cậu bé tôi được giới thiệu bị khuyết tật tứ chi. Sự nghi ngại thoáng chốc chuyển sang xúc động khi tôi nhìn thấy cậu bé 9 tuổi thoăn thoắt di chuyển cùng chiếc ghế nhựa để đá bóng với em gái. Sau khi lễ phép chào hỏi khách, Chí cười nói: “Mỗi khi rảnh là cháu lại chơi bóng đá. Đây là niềm đam mê thứ hai của cháu sau học chữ”.

Thấy con vui đùa, anh Nguyễn Thanh Thủy, chị Nguyễn Thị Lan Hương, bố mẹ Minh Chí nở nụ cười nhẹ nhõm. Đi qua quá nhiều nước mắt nên anh chị trân quý những giây phút này của con trai. Năm 2009, vợ chồng anh Thủy chung xây tổ ấm. Niềm hạnh phúc nhân đôi khi chị Hương mang thai con trai đầu lòng. Trong tháng ngày đợi chờ, vợ chồng anh Thủy khá yên tâm khi qua 8 lần kiểm tra, sức khỏe thai nhi đều được khẳng định là tốt. Vì thế, lúc đón cậu con trai bị liệt tứ chi chào đời, hai vợ chồng không tin đó là sự thật.

Chỉ 3 ngày sau sinh, Nguyễn Văn Minh Chí đã bước vào ca chỉnh hình đầu tiên. Tia hy vọng được thắp lên trong lòng vợ chồng anh Nguyễn Thanh Thủy chóng vánh bị vụt tắt trước cái lắc đầu của bác sĩ. Không từ bỏ, đôi vợ chồng trẻ lại đưa con đi tìm cơ hội khác. Thế nhưng, qua hơn 30 lần phẫu thuật, chỉnh hình sau đó, tình hình con trai anh chị vẫn không được cải thiện đáng kể. Nỗi thất vọng cứ nối tiếp nhau ròng rã gần 2 năm khiến vợ chồng anh Thủy nhận ra, đã đến lúc phải chấp nhận thực tế nghiệt ngã.

Minh Chí chăm chỉ học ở nhà. Ảnh: Q.H
Minh Chí chăm chỉ học ở nhà. Ảnh: Q.H

Ngày trở về sau thời gian xem bệnh viện là nhà, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Thủy gần như khánh kiệt. Anh chị động viên nhau: “Minh Chí đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Vì vậy, đừng làm con rơi thêm nước mắt”. Suy nghĩ ấy giúp cả hai người vững vàng đối diện với mọi chông gai. Để vơi bớt nỗi lo cơm áo, anh Thủy phải lăn lộn đi làm thuê khắp nơi. Ở nhà, chị Hương vừa lo cho con, vừa tìm cách cải thiện thu nhập. Mọi vất vả, lo toan tan biến khi hai vợ chồng thấy nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt Minh Chí. “Điều đặc biệt là cháu hầu như lúc nào cũng cười đùa vui vẻ, như để xoa dịu nỗi buồn trong lòng ba mẹ. Lên 3 tuổi, Minh Chí tập tành cầm bút viết nhưng đôi tay cháu không cách nào đưa được nét chữ nên vợ tôi giúp con thử viết bằng chân. Gần 4 tuổi thì Minh Chí viết được những chữ cái đầu tiên”, anh Thủy kể về điều mà mình không ngờ tới.

Tình yêu con chữ của Minh Chí lớn dần theo ngày tháng. Dưới đôi bàn chân èo uột, nhỏ bé của cậu bé, những con chữ vươn nhanh, tròn trịa, rõ nét hơn. Lớn lên đôi chút, thấy các bạn tung tăng cắp sách đến trường, Chí đòi ba mẹ đi học. Thương con, vợ chồng anh Thủy đến gặp Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Gio Việt, nay là Trường Tiểu học&THCS Gio Việt đề đạt nguyện vọng. Nghe chuyện của Chí, thầy hiệu trưởng ngay lập tức đồng ý. Một cánh cửa mới mở ra đối với Minh Chí và cả gia đình.

Nhân lên niềm vui

Ngoài ba mẹ, nhiều năm nay, Nguyễn Văn Minh Chí còn sống trong vòng tay yêu thương của thầy cô, bạn bè. Mọi người nhớ đến Minh Chí với đôi mắt nhỏ và nụ cười không thể tươi hơn. Không như những đứa trẻ khuyết tật khác, Chí chưa bao giờ xem mình khác biệt hay đặc biệt. Cậu luôn chủ động hòa vào các bạn để học tập, vui chơi. Vì thế, mọi khoảng cách giữa Chí và mọi người thường nhanh chóng được rút ngắn, rồi xóa bỏ. Cũng nhờ vậy, mỗi ngày đến trường của Minh Chí thực sự là một ngày vui.

Đến giờ, Nguyễn Văn Minh Chí vẫn nhớ cái cảm giác háo hức xen lẫn nỗi lo lắng trước ngày đầu tiên đến trường. Đêm ấy, Minh Chí thao thức mãi, không biết ngày mai thế nào, có ai chơi với mình không, làm sao để theo kịp các bạn… Sáng sớm, khi chuông đồng hồ chưa kịp báo, cậu đã đánh thức ba mẹ dậy để giúp vệ sinh cá nhân, mặc đồng phục, chuẩn bị sách vở… Sự hồi hộp vơi bớt khi Minh Chí thấy chào đón mình là những nụ cười. Vì thế, cậu liền bảo bố mẹ về nhà, rồi giữa giờ quay lại lớp để đưa đi vệ sinh. Chí chia sẻ: “Ngày đầu đến lớp giống như trong giấc mơ trước đó của cháu. Trước đó, ba đã cẩn thận đóng bộ bàn ghế riêng để cháu ngồi học. Cô giáo thu xếp cho cháu ngồi phía trước dãy bàn của các bạn, phía trong góc. Các bạn trong lớp đều thấy lạ nhưng ai cũng vui vẻ, nói cười với cháu”.

Để đến trường, Nguyễn Văn Minh Chí đã có hơn 2 năm chuẩn bị. Thế nhưng, những khó khăn chưa bao giờ ngừng thử thách em. Riêng việc làm thế nào để viết nhanh như các bạn đã khiến Minh Chí lo lắng. Nhiều khi đôi chân em mỏi nhừ, người căng cứng như vừa trải qua trận ốm nhưng Chí không nản lòng. Chỉ có một điều thi thoảng khiến Minh Chí chạnh lòng là chưa thể tự di chuyển sang phòng học khác, đi vệ sinh, tham gia hoạt động ngoài trời… Vốn là một cậu bé hiếu động, hồn nhiên, mong muốn lớn nhất của Minh Chí là được chạy nhảy cùng bạn bè sau mỗi giờ học. Đôi khi thấy các bạn tung tăng vui đùa, Chí thoáng buồn. Thế nhưng, giây phút ấy sớm qua mau khi cậu nhớ đến lời ba mẹ rằng: “Được sống, được đi học đã là điều may mắn”.

Giờ lên lớp của Minh Chí. Ảnh: Q.H
Giờ lên lớp của Minh Chí. Ảnh: Q.H

Khó khăn trong tháng ngày đèn sách chưa bao giờ khiến Minh Chí nghĩ đến chuyện từ bỏ. Cậu luôn hiểu đây là con đường bằng phẳng nhất để vươn tới chân trời mơ ước. Vì thế, trên lớp, Chí luôn tập trung vào bài học. Minh Chí yêu thích tất cả các môn, đặc biệt là toán và tin học. Những câu hỏi, bài tập càng khó càng hấp dẫn Chí. Ngoài sự thân thiện, gần gũi, đây cũng chính là điều khiến giáo viên, học sinh lớp 3C thêm yêu quý cậu. Ai cũng sẵn sàng giúp đỡ Minh Chí trong học tập và sinh hoạt. Đây cũng chính là lý do khiến Chí thêm yêu lớp học, mái trường và vững tiến. Năm nào cậu cũng mang giấy khen về khoe ba mẹ. Ước mơ lớn nhất của Minh Chí là trở thành bác sĩ để giúp những bạn nhỏ không được may mắn khỏe mạnh, lành lặn như mình.

Trên dặm trường tác nghiệp, tôi từng gặp nhiều người khuyết tật thành danh từ gian khó. Họ đều khẳng định, người khuyết tật chỉ có thể vươn lên nếu bước qua được bóng tối của sự mặc cảm, tự ti, có mục đích sống, sự nỗ lực và được yêu thương. Thế nhưng, trên thực tế, riêng việc vượt qua sự mặc cảm, tự ti đã là thử thách lớn. Vì thế, sự yêu đời, yêu người và tự tin vươn lên của Minh Chí khiến rất nhiều người khâm phục. Ai cũng tin cuộc đời cậu bé viết ước mơ bằng đôi bàn chân sẽ tươi vui như những nụ cười trên khuôn mặt cậu.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Người gửi tuổi xuân cho núi rừng

Quang Hiệp |

Luôn tâm niệm “tuổi trẻ là tuổi cống hiến”, nhiều năm qua, anh Nguyễn Xuân Thắng đã dồn toàn tâm, toàn sức, cùng lãnh đạo và nhân dân xã A Bung, huyện Đakrông làm khởi sắc miền quê nghèo.

Thủ lĩnh trẻ tài năng

Trúc Phương - Minh Trang |

Năng động, sáng tạo và luôn hết mình với mọi hoạt động đoàn dù là nhỏ nhất, đó là những tính từ mà đoàn viên, thanh niên xã Thanh An (Cam Lộ, Quảng Trị) cũng như nhiều người khác thường dùng khi nhắc đến Bí thư Xã đoàn Trần Đăng Hưng (sinh năm 1992).

“Nhà đài” của... xã đoàn

Thanh Lộc |

“Xã đoàn mà cũng có... kênh tin tức?”, không ít người hỏi như vậy khi biết về những “nhà đài” mới toanh vừa được thành lập ở quê lúa Triệu Phong (Quảng Trị) giữa mùa COVID-19. Chưa biết hậu cảnh để thực hiện những bản tin đó ra sao nhưng khi được phát lên Youtube, mọi thứ làm nức lòng bao bạn trẻ và người dân địa phương...

Gương sáng người chiến sĩ biên phòng

Thanh Vân - Biên Cương |

Đại úy Hồ Văn Bông ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị là tấm gương sáng, luôn gương mẫu trong cuộc sống, xung kích, sáng tạo trong mọi hoạt động. Đại úy Hồ Văn Bông là một trong những tấm gương điển hình tiêu biểu của lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị được khen thưởng nhân dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) vừa qua.