Vợ chồng nghèo người Vân Kiều nhiều lần hiến đất

Minh Long |

Mới đây, trong lễ khởi công xây dựng điểm trường Ploang - Trường Tiểu học Thanh, vợ chồng bà Hồ Thị Nuông - ông Hồ Văn Mỹ (Pả Hơn) là người dân tộc Vân Kiều ở thôn Ba Viêng, xã Thanh, huyện Hướng Hoá (Quang Trị) được chính quyền địa phương biểu dương vì đã hiến gần 200 m2 đất để xây dựng điểm trường. Đáng trân trọng, đây là lần thứ 3 gia đình bà Nuông hiến đất vì lợi ích cộng đồng.

Nhiều năm nay, kinh tế của vợ chồng bà Nuông rất khó khăn. Tuổi cao, sức yếu nhưng họ vẫn phải quần quật lên nương rẫy sản xuất để lo cái ăn, cái mặc. Dù là một trong những hộ thuộc diện khó khăn nhất thôn nhưng vợ chồng bà không hề tính toán mà luôn vui vẻ hiến đất nhiều lần, góp sức xây dựng các công trình công cộng trên địa bàn.

Lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa tặng hoa biểu dương gia đình bà Nuông đã hiến đất vì lợi ích của cộng đồng - Ảnh: M.L
Lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa tặng hoa biểu dương gia đình bà Nuông đã hiến đất vì lợi ích của cộng đồng - Ảnh: M.L

Trước đây, do chưa có đất để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng nên mỗi lần có hội họp, sinh hoạt cộng đồng thì thôn, xã đều mượn nhà dân tổ chức nên rất bất tiện, làm hạn chế hiệu quả hoạt động, phong trào thi đua ở địa phương. Trước thực tế thôn rất cần có đất xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo cho việc tổ chức hội họp, học tập cộng đồng và các sinh hoạt khác của thôn, năm 2010, gia đình bà Nuông quyết định hiến tặng hơn 200 m2 đất vườn để chính quyền xã xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn.

Nhờ vậy, công trình nhà sinh hoạt cộng đồng thôn nhanh chóng được xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng, trở thành địa điểm sinh hoạt cộng đồng, giúp cho việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân thuận lợi hơn; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Không chỉ hiến đất xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, vợ chồng bà Nuông còn 2 lần hiến đất xây dựng phòng học điểm trường Ploang - Trường Tiểu học Thanh. Căn nhà của bà ở cạnh điểm trường, hằng ngày nhìn thấy cảnh học sinh học tập trong môi trường không được đảm bảo, phòng học chật hẹp, xuống cấp, ông bà rất thương.

Với suy nghĩ, thế hệ đi trước cần làm được việc gì đó cho mầm xanh tương lai, năm 2010 vợ chồng ông quyết định cắt thêm hơn 200 m2 đất vườn hiến tặng chính quyền địa phương xây dựng 3 phòng học tại điểm trường Ploang. Nhờ vậy, học sinh ở thôn được học trong các lớp học khang trang, an toàn, sạch đẹp hơn.

Sau gần chục năm được gia đình bà hiến đất, tại điểm trường Ploang số học sinh tăng lên do sau sáp nhập thôn, mặt khác con em trong bản có được điều kiện học tập thuận lợi hơn nên đến trường đông đủ. Vì thế, 5 phòng học của điểm trường này trở nên quá tải, học sinh phải học ghép, chật chội không đảm bảo chất lượng dạy và học.

Mặc dù diện tích đất vườn còn lại không nhiều nhưng vợ chồng bà lại tiếp tục hiến đất lần nữa (gần 200 m2 ) để địa phương xây dựng 2 phòng học, 2 nhà vệ sinh với kinh phí đầu tư trên 900 triệu đồng. Dự kiến sau 3 tháng thi công, công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. “Gia đình tôi luôn sẵn sàng đóng góp một phần nhỏ để chính quyền địa phương xây dựng các công trình dân sinh trên địa bàn. Hằng ngày, được thấy các cháu học sinh của thôn học tập, vui chơi an toàn; nhà sinh hoạt cộng đồng phát huy hiệu quả trên nền đất của gia đình hiến, chúng tôi vui lắm”, bà Nuông chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Thanh Hồ A Cất cho biết: “Mặc dù là hộ nghèo nhưng gia đình bà Nuông luôn có tinh thần vì cộng đồng. Khi nghe xã vận động người dân hiến đất xây dựng các công trình dân sinh thì gia đình luôn tiên phong. Hành động đẹp của họ đã tạo điều kiện cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tập, rèn luyện tốt hơn. Ông bà thực sự là tấm gương sáng cho người dân địa phương học tập làm theo”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đồng bào Bru - Vân Kiều làm du lịch cộng đồng

Thanh Thủy |

Tận dụng lợi thế cảnh quan thiên nhiên sẵn có, đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã miền núi Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã khai thác làm du lịch cộng đồng tại thác Tà Puồng. Mô hình mới hoạt động không lâu nhưng đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, qua đó mở ra hướng phát triển kinh tế mới.

Độc đáo “cơm khách” của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô

Lê Minh Hà |

Rất nhiều năm tháng lang bạt ở núi rừng Trường Sơn, lưu lại trong tôi vẫn là kí ức đẹp về những tháng ngày sống cùng đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị. Thời gạo thơm, cá ngọt, rau rừng, măng suối… trở thành đặc sản. Cùng với đó là bữa “cơm khách” mang đậm tình hiếu khách của đồng bào; hơn thế, nó là văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng xử của người Vân Kiều, Pa Kô.

Đưa việc học tiếng Bru - Vân Kiều, tiếng Lào trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong huấn luyện

Đình Tiến |

Thời gian qua, các đồn biên phòng đóng quân tại vùng biên giới của tỉnh đã không ngừng học tập, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, từng bước xây dựng và đưa việc học tiếng Lào, tiếng dân tộc trở thành nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị.

Hiến đất xây dựng quê hương

Trần Tuyền |

Huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM).