Vươn tới giấc mơ

Trương Quang Hiệp |

Nguyễn Hữu Lộc đã từng nghĩ rằng, đối với thanh niên nghèo, du học giống như việc đang đi trên một con đường dài bằng những bước chân quá ngắn. Dẫu vậy, Lộc không cho phép mình từ bỏ ước mơ, hy vọng, để rồi hôm nay tấm vé du học ở xứ sở Bạch Dương đã thuộc về cậu trong niềm vui, hạnh phúc của gia đình, thầy cô và bè bạn.

Vượt qua cảnh khó

Tìm đến nhà Nguyễn Hữu Lộc (sinh năm 2002) tại khu phố Vĩnh Phước, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) không khó. Trên đường đi, chúng tôi luôn nhận được sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân ở đây. Nhiều người xuýt xoa bảo: “Nhà ấy nghèo nhưng con cái ngoan ngoãn, giỏi giang lắm. Cậu con trai thứ ba vừa giành được học bổng đi Nga đấy”. Cứ thế, qua vài lần dừng xe, ngôi nhà nhỏ bé, cũ kỹ của gia đình Lộc đã ở ngay trước mắt chúng tôi.

Nguyễn Hữu Lộc chia sẻ tin vui trúng tuyển vào Trường Đại học Nghiên cứu y khoa Quốc gia Nga N.I.Pirogov với ba mẹ - Ảnh: Q.H​
Nguyễn Hữu Lộc chia sẻ tin vui trúng tuyển vào Trường Đại học Nghiên cứu y khoa Quốc gia Nga N.I.Pirogov với ba mẹ - Ảnh: Q.H​

Vợ chồng ông Nguyễn Hữu Trụ, ba mẹ của Lộc đón khách bằng nụ cười mộc mạc. Từ lâu, ông bà hiểu rằng, khó khăn, thử thách của cuộc đời mình phần nhiều bắt nguồn từ việc thiếu thốn con chữ. Vì vậy, hai người luôn nhắc nhau cố bám 4 sào ruộng để lo cho con đến trường. Cách đây tầm 2 tháng, ông bà vỡ òa hạnh phúc khi hay tin con trai thứ nhận được suất học bổng sang Nga. Niềm vui chưa tròn, cả nhà đã chìm trong âu lo khi mưa bão, lũ lụt liên tục kéo đến. Vợ chồng ông Trụ biết thời gian tới, việc xoay chạy tiền cho con ra nước ngoài sẽ gian nan hơn. Ngồi nhìn những vết tích của trận lụt vừa qua trong căn nhà xây sửa hơn 15 năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện, ông Trụ như dốc cả nỗi lòng: “Con trai tôi vất vả nhiều rồi. Hy vọng chặng đường sắp tới của nó sẽ khác”.​

Có lần ba mẹ Nguyễn Hữu Lộc nói, giá như sinh ra trong một gia đình khác, nhiều khi các con mình sẽ đỡ khổ hơn. Câu nói ấy khiến Lộc muốn rơi nước mắt. Vốn là người nhạy cảm, cậu cảm nhận rõ nỗi niềm trong lòng ba mẹ. Luôn mong muốn lo cho con đủ đầy nhưng những khó khăn trong cuộc sống chưa bao giờ cho ba mẹ Lộc thỏa nguyện. Về sống dưới một mái nhà với bàn tay trắng, hai người sớm hôm tần tảo, vậy mà ăn bữa nay vẫn phải lo bữa mai. Là lao động chính trong nhà nhưng lại thường xuyên đau ốm, ba Lộc phải san gánh nặng mưu sinh qua cho mẹ. Đôi bờ vai khô gầy của hai người ngày càng trĩu xuống khi những đứa con lần lượt chào đời. Trong ký ức của mình, Lộc vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ bụng chửa vượt mặt vẫn đi mò cua, bắt ốc như cánh cò trong câu ca dao. Lần mẹ té ngã phải nhập viện điều trị đã để lại di chứng mãi về sau cho cô em út của Lộc.

Thương ba mẹ, Lộc và anh chị em trong nhà luôn động viên nhau học tập. Ai cũng khắc ghi câu nói của ba mẹ: “Đời ba và mẹ đã khổ vì thất học. Đời các con phải khác”. Thế nhưng, sự nỗ lực dù là rất lớn của cả nhà cũng không thể chiến thắng hoàn cảnh. Vì quá khó khăn nên anh chị của Lộc đành dở dang việc học. Lộc và em gái Nguyễn Thị Phương Nhi là niềm hy vọng của cả nhà. “Em luôn cảm thấy mình may mắn, ít nhất là so với ba mẹ, anh chị mình. Vì thế, em chấp nhận và dần quen với mọi khó khăn. Tuổi thơ em chỉ có một nỗi sợ duy nhất, đó là bị buộc phải nghỉ học”, Lộc tâm sự.

Tấm vé trong mơ

Hôm chúng tôi ghé thăm, Nguyễn Hữu Lộc đang say sưa với những tiết học online đầu tiên của Trường Đại học Nghiên cứu y khoa Quốc gia Nga N.I.Pirogov. Tranh thủ thời gian nghỉ, Lộc chia sẻ, hiện tại em và các bạn đến từ nhiều quốc gia đang được nhà trường đào tạo tiếng Nga. Mọi thứ đều mới mẻ, xa lạ nhưng Lộc cảm thấy rất phấn khởi, háo hức. Cậu tự nhủ sẽ chuẩn bị hành trang một cách tốt nhất để có thể tự tin đến với xứ sở Bạch Dương.

Lộc miệt mài tự học để có tương lai tốt đẹp hơn - Ảnh: Q.H
Lộc miệt mài tự học để có tương lai tốt đẹp hơn - Ảnh: Q.H

Thực ra, việc được nhận học bổng toàn phần của Trường Đại học Nghiên cứu y khoa Quốc gia Nga N.I.Pirogov vượt trên giấc mơ của Nguyễn Hữu Lộc. Khi bắt đầu biết nhìn về tương lai, Lộc đã quyết tâm trở thành một bác sĩ. Từ lâu, những căn bệnh mà ba và em gái út đang mang đã trở thành nỗi đau trong lòng cậu. Năm 2016, anh trai Lộc nhập viện sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ba mẹ em phải vay mượn khắp nơi, rồi quyết định bán nửa mảnh đất hương hỏa nhưng vẫn không thể giúp anh được sống. Từ câu chuyện của gia đình, Lộc hiểu sâu sắc nỗi khổ đến tận cùng của những người nghèo khi không may mang bệnh hay gặp tai ương.

Để hiện thực hóa giấc mơ trở thành bác sĩ, Nguyễn Hữu Lộc nhận thức sâu sắc rằng, con đường duy nhất chính là học tập thật giỏi. Ngoài tham gia các hoạt động của trường, lớp với trọng trách là bí thư chi đoàn và phụ việc nhà cho ba mẹ, Lộc tranh thủ mọi thời gian rảnh để học. Bên trang sách, mọi muộn phiền trong cậu dường như vơi đi hết. Nỗ lực ấy sớm được đền đáp. Suốt 12 năm trên ghế nhà trường, Lộc luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi với điểm số thuộc diện tốp đầu của lớp. Đặc biệt, cậu còn sở hữu thành tích đáng mơ ước: Giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi văn hóa quốc gia và Giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh môn Sinh học năm 2020; Huy chương Đồng kỳ thi học sinh giỏi vùng Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ năm 2019; Giải Ba kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh môn Sinh học năm 2019…

Giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi văn hóa quốc gia cùng bề dày thành tích học tập đã giúp cánh cửa nhiều trường đại học y dược lớn ở Việt Nam mở ra trước mắt Lộc. Dẫu đã có sự lựa chọn cho mình nhưng Lộc vẫn thử mày mò, tìm kiếm và vô tình biết đến Trường Đại học Nghiên cứu y khoa Quốc gia Nga N.I.Pirogov. Đọc những trang thông tin về trường, giấc mơ trở thành sinh viên của ngôi trường đại học y khoa hàng đầu nước Nga đã ươm mầm trong lòng Lộc. Không chần chừ, cậu dành thời gian, dồn tâm sức làm hồ sơ gửi đến lãnh đạo nhà trường. Cuối tháng 9/2020, Lộc nhận giấy báo được suất học bổng toàn phần trong vỡ òa niềm hạnh phúc. “Suốt 18 năm cuộc đời, chưa có giây phút nào em hạnh phúc đến vậy. Thực sự, khi làm hồ sơ, em không dám đặt hy vọng quá nhiều vì sợ sẽ thất vọng. Người em nghĩ đến đầu tiên khi nhận tin vui là ba mẹ. Với suất học bổng toàn phần này, ba mẹ sẽ bớt phải lo cho em trong những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường”, Lộc không giấu được sự xúc động chia sẻ.

Nguyễn Hữu Lộc (thứ nhất từ trái sang) chia sẻ về hoàn cảnh của mình trong lễ trao học bổng Chương trình tiếp sức đến trường - Ảnh: Q.H​
Nguyễn Hữu Lộc (thứ nhất từ trái sang) chia sẻ về hoàn cảnh của mình trong lễ trao học bổng Chương trình tiếp sức đến trường - Ảnh: Q.H​

Càng gần đến ngày lên đường sang Nga, Nguyễn Hữu Lộc và các thành viên trong gia đình lại càng có nhiều cảm xúc khó tả. Nỗi lo lớn nhất vẫn là khoản tiền để cậu có thể “giắt lưng” khởi hành và cho những ngày đầu nơi xa xứ. Trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, đêm đêm, Lộc lại nghẹn ngào nghe thấy tiếng thở dài đầy âu lo của ba mẹ. Nhưng cũng từ âu lo, trăn trở đó đã giúp Lộc thêm quyết tâm vượt qua khó khăn phía trước. Nguyễn Hữu Lộc luôn tin rằng bước chân vốn đã quen với gian khó sẽ giúp cậu chinh phục được những giấc mơ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nghị lực vượt khó của cô học trò nghèo hiếu học

Thu Hạ |

Sinh ra và lớn lên tại huyện Đakrông (Quảng Trị), Hồ Thị Đen, cô học sinh người dân tộc Vân Kiều đã đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa qua, trong đó, ấn tượng nhất là điểm 10 môn Giáo dục công dân. Nghị lực vượt khó của em đã khiến nhiều người cảm phục.

Nâng bước học trò nghèo

Hà Trang |

Bên cạnh sứ mệnh trồng người, tình yêu thương cao quý, tấm lòng nhân ái của những người thầy, người cô đằng sau bục giảng chính là điểm tựa để những cô cậu học trò nghèo có cơ hội viết tiếp ước mơ được đến trường. Hơn 70 em nhỏ, hơn 70 cuộc đời đã và đang được cô giáo Thái Thị Lan, cựu giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) nâng bước chính là câu chuyện cổ tích giữa đời thường, để hành trang vào đời của các em sẽ có nhiều hơn nữa ánh sáng của tri thức, của tình người và sự sẻ chia.

Hoa phượng - một biểu tượng của tuổi học trò

PV |

Hằng năm, khi những chú ve cất lên bài ca gọi hè cũng là lúc những bông hoa phượng bắt đầu khoe sắc. Hoa phượng gần gũi thân thương như tuổi học trò đầy mộng mơ.

Hoàn cảnh của cậu học trò nghèo

Hà Trang |

Sinh ra vốn đã thiệt thòi vì không có bố, hơn 1 tuổi thì mẹ đi lấy chồng khác, Trần Hoàng Long (11 tuổi) ở thôn 2, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) được ông bà ngoại già yếu nuôi nấng, chăm sóc.