Vượt khó dạy chữ ở Ba Lòng

Tú Linh |

Mấy mươi năm qua, thầy cô giáo Trường Tiểu học &THCS Ba Lòng, xã Ba Lòng, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã không quản gian khổ, cách trở, bền bỉ dạy chữ, dạy người cho biết bao thế hệ học sinh con em vùng chiến khu xưa Ba Lòng trưởng thành, góp sức xây dựng quê hương, đất nước.

1. Thầy giáo Hoàng Văn Thảo kể rằng thầy rất xúc động khi nhận được cuộc điện thoại của người học trò cũ từ Thành phố Hồ Chí Minh gọi về hỏi thăm nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Người học trò của thầy nay đã trở thành kỹ sư, có vị trí công việc nhiều người mơ ước. Thầy Thảo là người gắn bó lâu nhất với ngôi trường này. Năm 1999, thầy được phân công lên dạy học tại Trường THCS Ba Lòng, khi ấy là vùng đặc biệt khó khăn (nay là Trường Tiểu học và THCS Ba Lòng).

Phút đoàn tụ bên gia đình của thầy Hoàng Văn Thảo -Ảnh: TÚ LINH
Phút đoàn tụ bên gia đình của thầy Hoàng Văn Thảo -Ảnh: TÚ LINH

Nhớ lại những tháng ngày gian khó của tuổi trẻ giàu nhiệt huyết, muốn cống hiến sức trẻ, dạy chữ cho trẻ em vùng chiến khu xưa mà thầy trào dâng bao cảm xúc. Từ thôn Trúc Kinh của xã Gio Quang, huyện Gio Linh, thầy đã vui vẻ nhận nhiệm sở khi biết mình được tổ chức phân công về dạy học ở Ba Lòng.

Thầy Thảo chia sẻ, dạy học ở vùng đất còn nhiều khó khăn như Ba Lòng nhưng các thầy cô giáo đều phấn đấu vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều đáng sợ nhất luôn đe dọa cuộc sống của người dân và các thầy cô là thiên tai. Trường nằm trên khu vực thường xuyên bị ngập úng cục bộ, gây chia cắt trong mùa mưa bão, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động dạy học.

Có năm thời tiết thuận lợi thì thầy cô và học sinh chạy lũ lụt một đến hai lần. Những năm thời tiết bất thường, mưa bão lớn thì vô cùng gian nan vì con nước vùng cao thường hỗn và bất ngờ. Đáng nhớ nhất là trận lũ lụt tháng 10/2020, toàn bộ Ba Lòng bị ngập sâu trong lũ dữ, nước dâng gần đến mái của cổng trường.

Thầy Hoàng Văn Thảo cùng với 20 cán bộ, giáo viên sau khi khuân vác, kê cao đồ đạc của trường xong thì bị kẹt lại trường trong bốn bề bao vây nước lũ đến hơn 10 ngày, đã có những thầy cô kiệt sức mà ngã ốm. Trường bị tổn thất nặng nề, phải mất nhiều thời gian và công sức khắc phục hậu quả để dạy học trở lại. Sau trận lũ kinh hoàng này, mỗi lần thấy mưa lớn là thầy trò ai cũng lo lắng, dù không ai nói ra, toàn trường luôn trong tâm thế sẵn sàng để chạy lũ. Mới đây thôi, mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 6 (Noru) năm 2022 đã khiến trường bị nước ngập hơn 1m, khu tập thể giáo viên ngập đến 2m. Nhà trường phải huy động nhân lực tổ chức dọn dẹp, vệ sinh để sớm trở lại dạy học bình thường.

Gia đình thầy Thảo hiện ở thôn Trúc Kinh, cách trường gần 80 cây số. Xa nhà thường xuyên nên việc chăm sóc, dạy dỗ con cái đều nhờ người vợ ở quê đảm đương. Suốt 23 năm đi về, con đường quen thuộc đến nỗi như ngắn lại. Lòng yêu nghề, mến trẻ, gắn bó với mảnh đất và con người đầy nghĩa tình này khiến thầy chưa có ý định chuyển công tác về xuôi dù đã đủ điều kiện. Thầy chia sẻ, ở trường có nhiều giáo viên cùng hoàn cảnh dạy xa nhà nên các thầy cô tổ chức nấu ăn chung tại khu tập thể giáo viên, cùng động viên nhau tất cả vì học sinh thân yêu.

2. Nhiều giáo viên mới về nhận công tác tại Trường Tiểu học và THCS Ba Lòng, nhất là các giáo viên nữ, không giấu được những nỗi niềm. Từ thị trấn Krông Klang ở km 41 vào Ba Lòng chỉ 18 km nhưng đi phải mất gần 1 tiếng đồng hồ với những cung đường bong tróc, gồ ghề nguy hiểm, chưa kể đến mùa mưa bão lại phải sang đò dọc, đò ngang với trăm nghìn nỗi lo.

Cô giáo Nguyễn Thị Đào ở TP. Đông Hà, giáo viên dạy môn Toán mới nhận công tác tại trường được 4 năm chia sẻ, học xong ra trường mà có được công việc thì rất mừng. Nhưng niềm vui ấy thoáng qua rất nhanh, nhường chỗ cho bao lo toan bề bộn. Cô có con nhỏ nhưng phải cai sữa sớm cho con để thuận lợi cho công việc.

Đường sá đi lại nguy hiểm, mùa mưa bão, từ trường muốn đến cầu tràn qua sông Ba Lòng để ra thị trấn phải đi bằng đò. Có những ngày mưa to gây ngập lớn, cô phải ở lại trường cùng với thầy cô chạy lũ, ăn uống, ngủ, nghỉ trông nhờ vào nhà đồng nghiệp vì khu tập thể cũng ngập sâu. Nhớ nhà, nhớ con, nhiều đêm cô thức trắng.

Với mức lương hằng tháng cô thực nhận gần 4,5 triệu đồng, phải trừ khoản trả tiền vay ngân hàng 2 triệu đồng/tháng để mua xe máy làm phương tiện đi dạy, còn lại gần 2,5 triệu đồng cho một giáo viên có con nhỏ thì thật khó để xoay xở cho cuộc sống.

Cô Đào chùng giọng, mình đã khó, nhưng người dân, học sinh ở Ba Lòng đời sống còn vất vả hơn, thường xuyên chống chọi với thiên tai quanh năm. Vì vậy cô luôn dặn lòng phải cố gắng khắc phục khó khăn của bản thân để dìu dắt các em học sinh, hy vọng mai này trương lai các em tươi sáng hơn.

Thầy Nguyễn Hoài Lâm Khánh (bìa phải) cùng các em học sinh trong câu lạc bộ trẻ em nòng cốt cấp tiểu học -Ảnh: TÚ LINH​
Thầy Nguyễn Hoài Lâm Khánh (bìa phải) cùng các em học sinh trong câu lạc bộ trẻ em nòng cốt cấp tiểu học -Ảnh: TÚ LINH​

3.Ngoài thầy Thảo, cô Đào, Trường Tiểu học và THCS Ba Lòng có một số thầy cô giáo ở Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng lên công tác nhiều năm, một số người trở thành dâu, rể của Ba Lòng. Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Tổng phụ trách Đội Nguyễn Hoài Lâm Khánh chia sẻ, quê thầy ở Cửa Việt, cách đây 15 năm thầy tình nguyện lên Ba Lòng dạy học. Thầy đã bén duyên với người con gái ở mảnh đất Ba Lòng, chọn nơi đây để xây dựng tổ ấm. Vợ thầy là cô nuôi trường mầm non, hai người đã có hai con xinh xắn, đáng yêu.

Với nhiều nỗ lực và tâm huyết, khắc phục mọi khó khăn để vươn lên trong công tác, thầy Lâm Khánh nhiều năm đạt giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi cấp huyện, tỉnh; nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2019, thầy đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước huyện Đakrông giai đoạn 2010-2015; 2015-2020.

Tâm huyết với đất và người Ba Lòng, thầy Lâm Khánh trăn trở, tuyến đường huyết mạch từ Quốc lộ 9 vào xã Ba Lòng phải băng qua sông. Nhưng đã gần 50 năm từ ngày thống nhất đất nước, người dân chỉ có thể qua lại bằng cây cầu tràn chứ chưa có một cây cầu đúng nghĩa. Mùa khô, người dân có thể qua lại nhờ cây cầu này, nhưng khi mưa lũ về, cả vùng Ba Lòng bị cô lập hoàn toàn. Cuộc sống của người dân luôn bấp bênh do ảnh hưởng của thiên tai, vì vậy chất lượng giáo dục cũng bị ảnh hưởng. Thầy mong Ba Lòng sớm được xây dựng một cây cầu để thuận lợi hơn cho người dân trong việc đi lại.

4. Bí thư Chi Bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ba Lòng Hoàng Anh Tuấn cho biết, trường có 48 cán bộ, giáo viên. Đây là trường đầu tiên của huyện Đakrông đạt chuẩn quốc gia cấp THCS; là ngọn cờ đầu trong phong trào giáo dục chất lượng mũi nhọn. Trường đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3 với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng được các yêu cầu đổi mới giáo dục Chương trình phổ thông 2018.

Với sự cố gắng của tập thể cán bộ, giáo viên, trường đã đạt những thành tích trong phong trào thi đua hai tốt, nhiều năm liền trường được công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, lao động tiên tiến, được UBND tỉnh Quảng Trị tặng Cờ thi đua năm 2017 và 2019; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2018. Đội ngũ giáo viên của trường trẻ khỏe, năng động, nhiệt tình, vượt khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Theo thầy Hoàng Anh Tuấn, từ năm 2019 đến nay, xã Ba Lòng không còn nằm trong diện xã đặc biệt khó khăn, chính vì thế phụ cấp thu hút của giáo viên giảm khiến lương nhiều giáo viên vì thế cũng giảm theo. Điều này đã tác động rất lớn đến đời sống của một bộ phận giáo viên, nhất là giáo viên mới ra trường.

Năm nay, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, bên cạnh công tác phát động thi đua, nhà trường còn có nhiều hoạt động nhằm động viên kịp thời để giáo viên và học sinh hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ năm học.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khắc phục khó khăn trong dạy học tích hợp

Tú Linh |

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 6 và 7 năm học này tiếp tục học môn tích hợp Khoa học tự nhiên (được xây dựng và phát triển trên nền tảng của các ngành khoa học: Vật lý, Hóa học, Sinh học và Khoa học trái đất). Tuy nhiên, việc dạy môn học này gặp những khó khăn nhất định… Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học-Giáo dục Thường xuyên của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị HỒ ĐẮC VINH.

Dạy tiếng Bru Vân Kiều và tiếng Lào cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng

Nguyễn Thành Phú |

 

Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh về việc “Tổ chức học tập tiếng Bru-Vân Kiều và tiếng nước láng giềng trong Bộ đội Biên phòng tỉnh”, sáng qua 7/11, Đồn Biên phòng Hướng Phùng tổ chức khai giảng lớp học tiếng Bru Vân Kiều, tiếng Lào năm 2022-2023 cho cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị.

Thầy tôi dạy chữ, dạy người

Nguyễn Hoàn |

Những sinh viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Huế đã từng được học thầy Nguyễn Đình Thảng, Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, dạy môn Hán văn không ai là không nhớ, không ấn tượng về thầy.

Cần triệt để đổi mới dạy học Ngữ văn và Lịch sử

PV |

Ngày 15/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, môn Lịch sử ở trường phổ thông.