Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 6 và 7 năm học này tiếp tục học môn tích hợp Khoa học tự nhiên (được xây dựng và phát triển trên nền tảng của các ngành khoa học: Vật lý, Hóa học, Sinh học và Khoa học trái đất). Tuy nhiên, việc dạy môn học này gặp những khó khăn nhất định… Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học-Giáo dục Thường xuyên của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị HỒ ĐẮC VINH.
-Thưa ông! Đề nghị ông cho biết tình hình đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ dạy học môn Khoa học tự nhiên lớp 6 của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 năm học vừa qua như thế nào?
-Về đội ngũ giáo viên, năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 447 giáo viên (Vật lý, Hoá học, Sinh học). Tất cả giáo viên đã tập huấn các mô đun bồi dưỡng thực hiện Chương trình GDPT 2018 và sử dụng sách giáo khoa trước khi triển khai thực hiện chương trình; các giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo.
Cũng trong năm học qua, sở phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát cơ sở vật chất trường lớp phục vụ cho dạy học lớp 6; xây dựng phương án mua sắm thiết bị dạy học và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, thiết bị dạy học chưa được cung cấp kịp thời đến các cơ sở giáo dục trong năm qua. Trong tình hình đó, sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát thiết bị dạy học hiện có để sử dụng trong các bài học, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thiết bị số trong khi chờ thiết bị được cung cấp.
- Việc dạy học tích hợp ở lớp 6 qua 1 năm học có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
-Năm học 2021-2022, năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6, Sở GD&ĐT Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị, trường học triển khai môn học Khoa học tự nhiên đúng theo tinh thần chương trình mới. Về thuận lợi, các cơ sở giáo dục đã phát huy được tính tự chủ trong xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, linh động trong bố trí đội ngũ giáo viên dạy các chủ đề trong chương trình môn học phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo, tổ chức dạy học góp phần hoàn thành chương trình trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng của COVID-19.
Môn Khoa học tự nhiên được xây dựng và phát triển trên nền tảng của các ngành khoa học: Vật lý, Hóa học, Sinh học và Khoa học trái đất... Chương trình môn học bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, trái đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm; đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên. Tính chất này của môn học đòi hỏi trong quá trình dạy học, các mạch nội dung Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học trái đất cần được tổ chức sao cho vừa tích hợp theo nguyên lý của tự nhiên, vừa đảm bảo logic bên trong của từng mạch nội dung.
Do đặc thù môn học, đội ngũ giáo viên đa số chỉ được đào tạo đơn môn (Vật lý, Hoá học, Sinh học) nên trong quá trình triển khai có những khó khăn nhất định, một giáo viên chỉ đảm nhận được một số chủ đề trong các chủ đề của chương trình môn học. Do đó, trong năm học vừa rồi, việc tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên được tổ chức theo cả hai hình thức: tuyến tính và song song các chủ đề trong chương trình môn. Cụ thể trong số 131 trường có cấp THCS có 69 trường (chiếm 53%) tổ chức dạy tuyến tính; 62 trường (chiếm 47%) tổ chức dạy song song các chủ đề. Mỗi hình thức tổ chức dạy học như trên đều có khó khăn riêng. Với hình thức thứ nhất khó khăn trong bố trí thời khoá biểu. Hình thức thứ hai có nhiều bất cập, khó đáp ứng được mục tiêu chương trình môn học.
Từ những khó khăn, bất cập trên, trong năm học qua, sở đã tổ chức chuyên đề theo hình thức trực tuyến kết nối với 131 trường để trao đổi những khó khăn, bất cập và chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trong tổ chức chức dạy học môn Khoa học tự nhiên, từ đó rút kinh nghiệm triển khai cho năm học 2022-2023.
-Bước vào năm học 2022-2023, ngành đã chuẩn bị như thế nào để phục vụ dạy học môn tích hợp cho lớp 6 và lớp 7 cũng như các lớp tiếp theo?
-Năm học này, triển khai các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 1496/ BGDĐT-GDTrH và số 4020/BGDĐT-GDTrH, sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên theo hình thức tuyến tính các chủ đề trong chương trình môn học.
Theo đó, để học sinh được tiếp thu môn Khoa học tự nhiên một cách hiệu quả nhất, trước hết Sở GD&ĐT đã tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên để đảm bảo các trường có đủ giáo viên dạy môn học này. Sở đã chỉ đạo việc bố trí giáo viên dạy liên trường đối với những cơ sở giáo dục không đủ giáo viên môn Vật lý, Hoá học, Sinh học.
Các cơ sở giáo dục tự chủ trong xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, linh hoạt trong sắp xếp thời khoá biểu, bố trí giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo, đảm bảo kế hoạch dạy môn học này được xây dựng phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học.
Ví dụ đối với giáo viên được phân công dạy học môn Khoa học tự nhiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đồng thời vẫn dạy học môn Vật lý (hoặc Hóa học, Sinh học) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 thì trong các tuần nếu có nhiều tiết dạy môn Khoa học tự nhiên (lớp 6, lớp 7), nhà trường cần giảm số tiết (hoặc không bố trí) dạy học môn Vật lý (hoặc Hóa học, Sinh học lớp 8, lớp 9).
Sau khi đã hoàn thành nội dung được phân công dạy học môn Khoa học tự nhiên (lớp 6, lớp 7), lúc đó mới tăng số tiết/tuần đối với môn Vật lý (hoặc Hóa học, Sinh học lớp 8, lớp 9) để bảo đảm giáo viên thực hiện đúng thời lượng của chương trình môn học phù hợp trong mỗi học kỳ.
Tuy nhiên, mặc dù các cơ sở giáo dục đã chủ động, tích cực trong tổ xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường để tổ chức dạy môn Khoa học tự nhiên đảm bảo mạch kiến thức trong chương trình, nhưng vẫn còn khó khăn như: số tiết dạy học trong một tuần không ổn định, có thời điểm giáo viên phải dạy số tiết vượt định mức 19 tiết/tuần, gây quá tải cho giáo viên như việc soạn giáo án (kế hoạch bài dạy), đặc biệt các trường có số lớp trong một khối từ 4 lớp trở lên; việc thay đổi thời khóa biểu nhiều lần cũng gây khó cho các giáo viên môn học khác trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục; một giáo viên chỉ đảm nhiệm một số chủ đề trong môn Khoa học tự nhiên nên khó nắm bắt được tình hình học tập của học sinh qua các chủ đề khác trong cùng môn học không phải do mình trực tiếp dạy học.
Cùng với nội dung trên, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, đề xuất số lượng thiết bị theo danh mục thiết bị tối thiểu, xây dựng phương án mua sắm thiết bị dạy học và trình UBND tỉnh phê duyệt dự toán mua sắm theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 7 và các lớp còn lại theo lộ trình đến năm 2025.
-Ông có thể cho biết ngành có những đề xuất, kiến nghị gì để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với dạy học môn tích hợp?
-Trước hết, cán bộ quản lý, giáo viên cần nhận thức đầy đủ về môn Khoa học tự nhiên, từ đó có sự chỉ đạo thống nhất từ Bộ GD&ĐT, sở, phòng đến các hiệu trưởng và giáo viên về môn học này. Các giáo viên dạy môn học mới này cần được ưu tiên không phải làm nhiều nhiệm vụ kiêm nhiệm khác, kể cả công tác chủ nhiệm, để thầy cô có đủ điều kiện nghiên cứu thực hiện dạy học hiệu quả.
Để có thể đáp ứng được việc dạy học môn Khoa học tự nhiên trong chương trình giáo dục THCS đòi hỏi giáo viên phải được bồi dưỡng thêm những kiến thức, kỹ năng nền tảng của môn học mà chưa được đào tạo ở trường đại học, cao đẳng; cũng như hình thành và phát triển năng lực dạy học môn học này.
-Xin cảm ơn ông!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)