Theo dõi đội tuyển bóng chuyền Hà Nội, nhiều người ấn tượng với một gương mặt trẻ, cao 1m90, có những cú tấn công đầy uy lực. Ít ai biết, tuyển thủ ấy đến từ miền quê gió Lào, cát trắng Quảng Trị. Để theo đuổi đam mê, Nguyễn Hải Nam (sinh năm 2005) đã vượt núi ra thủ đô để huấn luyện, học tập.
Tuyển thủ áo trắng
Tháng 1/2022, Hải Nam chính thức ký hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp cho đội bóng chuyền Hà Nội. Dẫu vậy, trong lòng bà con ở huyện miền núi Hướng Hóa, đặc biệt là các giáo viên, học sinh, cậu đã là “tuyển thủ” từ nhiều năm về trước. Thời còn khoác chiếc áo trắng, vai đeo khăn quàng đỏ, Nam từng thường xuyên góp mặt trong đội tuyển bóng chuyền của trường. Với sự thể hiện ấn tượng tại các giải đấu, cậu được mọi người gọi là “tuyển thủ áo trắng”.
Thấy tố chất của Hải Nam, nhiều người nghĩ, cậu sinh ra, lớn lên trong một gia đình theo nghiệp thể thao. Thế nhưng, trái ngược suy nghĩ ấy, ba mẹ Nam đều là những công chức, lao động bình thường. Hiện nay, ba em đang công tác tại UBND xã Hướng Lập, còn mẹ buôn bán tự do. Dù cuộc sống còn vất vả nhưng ba mẹ luôn nỗ lực lo cho 3 anh em Nam học tập, theo đuổi đam mê. Ngôi nhà của gia đình ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa luôn đầy ắp tiếng cười.
Sinh ra, lớn lên trong vòng tay yêu thương của ba mẹ nên tuổi thơ của Hải Nam yên ả như nhiều đứa trẻ ở miền rừng khác. Một trong những điều làm nên sự khác biệt của Nam chính là chiều cao. Khi mới bước vào lớp 7, cậu đã cao 1,72 m. Thấy con có thế mạnh, lại rất yêu thích bóng chuyền, ba mẹ động viên Nam đầu tư cho bộ môn này. Không ai ngờ, lời động viên ấy lại mở ra cho cậu một cánh cửa với đầy ắp đam mê, ước mơ và hoài bão.
Đến với bóng chuyền khá ngẫu nhiên, Hải Nam đam mê từ lúc nào không hay. Ngoài giờ học, trái bóng chính là niềm vui bất tận đối với cậu. Thấy em có năng khiếu, thầy cô sớm chọn lựa Nam vào đội bóng của trường. Có những giải, Nam trở thành đồng đội tin cậy của giáo viên nhà trường. Điều mọi người rất vui mừng là cậu học sinh có chiều cao vượt trội trưởng thành qua từng giải đấu, góp phần mang về chiến thắng. Từ đây, cái tên Nguyễn Hải Nam được thêm nhiều người biết đến. Cậu được xem là một “hiện tượng”, “tuyển thủ”...
Rời nhà để theo đuổi đam mê
Chuyện trò với phóng viên, anh Nguyễn Hải Bình, ba của Hải Nam chia sẻ, thấy con chơi bóng và để lại dấu ấn, hai vợ chồng rất mừng. Thế nhưng, chưa bao giờ anh chị nghĩ đến việc Nam sẽ đi theo con đường chuyên nghiệp. Vì thế, năm con trai bước vào lớp 7, rồi lớp 8, anh chị rất bất ngờ khi có hai câu lạc bộ lớn trong nước liên lạc, đề nghị gia đình tạo điều kiện cho cháu đi đào tạo. “Lúc đó, vợ chồng tôi rất phân vân. Nam bấy giờ còn quá nhỏ. Cuối cùng, sau khi tham khảo ý kiến của cháu, chúng tôi quyết định cho Nam ở nhà”, anh Bình chia sẻ.
Điều vợ chồng anh Bình không ngờ là cậu con trai mà mình cho là còn rất nhỏ đã ấp ủ dự định khác. Năm lớp 9, Hải Nam chia sẻ với ba mẹ về mong muốn được trở thành vận động viên của đội bóng chuyền Hà Nội. Bấy giờ, vợ chồng anh Bình vô cùng bất ngờ. Sự ngạc nhiên nhân lên khi hai người biết trước đó Nam đã liên hệ với huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn để đặt vấn đề. Thì ra, sau khi hay tin đội bóng mơ ước đang tuyển vận động viên, thấy mình đủ tiêu chuẩn, Nam đã có một quyết định lớn. Sự quyết tâm của cậu cùng những lời thuyết phục từ huấn luyện viên đã làm vợ chồng anh Bình thay đổi suy nghĩ.
Tháng 12/2019, vợ chồng anh Bình đưa Hải Nam ra Hà Nội, đến Trung tâm Huấn luyện vận động viên cấp cao Hà Nội để tham dự tuyển chọn chính thức. Trên cả sự ngạc nhiên, Nam được trung tâm đồng ý tuyển ngay và chính thức ký hợp đồng đào tạo, thi đấu. Đầu năm 2020, đúng ngày mồng 6 Tết, cậu được triệu tập ra thủ đô huấn luyện. Để đảm bảo cho Nam phát triển toàn diện, trung tâm đã bố trí Nam học văn hóa tại Trường Phổ thông Năng khiếu thể dục, thể thao Hà Nội. Toàn bộ chi phí đào tạo, học văn hóa, ăn ở được trung tâm lo liệu. Không những thế, hằng tháng, Nam còn được hưởng chế độ phụ cấp.
Trong môi trường mới, Nam như “cá gặp nước”. Chỉ sau một năm tập luyện, cậu đã góp mặt trong đội hình thi đấu chính thức của đội trẻ Hà Nội. Đến tháng 1/2022, Nam được ký hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp cho đội bóng chuyền Hà Nội với thời hạn đến năm 2035. Đặc biệt, dù là tuyển thủ nhỏ tuổi nhất đội nhưng cậu được “chọn mặt gửi vàng” đưa lên tuyến 1, là tuyến cao nhất, nơi đứng chân của các đàn anh tài năng, dạn dày kinh nghiệm. Từ tuyến 1 của đội tuyển bóng chuyền Hà Nội, nhiều tuyển thủ đã thành danh, vinh dự khoác màu áo của đội tuyển quốc gia.
Thành công ở tuổi mới lớn
Rời gia đình khi đang là học sinh lớp 9, chỉ mới 14 tuổi để theo đuổi đam mê, Hải Nam đã chấp nhận đánh đổi nhiều thứ quý giá. Ít ai biết dẫu đã chuẩn bị khá kỹ tâm lý cho cuộc sống xa nhà nhưng nỗi nhớ quê hương, gia đình vẫn ngập tràn trong tâm trí Nam. Nhiều đêm, cậu vùi mặt vào gối để khóc. Dẫu vậy, Nam vẫn nhờ huấn luyện viên giấu ba mẹ. Ngay ba mẹ điện thoại hỏi chuyện, cậu cũng cố tỏ ra bình thường. Nam lo sợ, nếu thấy mình lung lay, ba mẹ cũng yếu lòng rồi ra Hà Nội đón về.
Tuy nhiên, nỗi quê hương, gia đình chỉ là một trong số rất nhiều thử thách mà một vận động viên trẻ như Hải Nam phải đối diện. Nam phải tập làm quen với lịch tập luyện, thi đấu tương đối dày đặc. Trong khi đó, việc học tập văn hóa ở trường vẫn luôn cần được ưu tiên. Giữa những áp lực, thử thách, động lực giúp cậu vượt qua chính là đam mê bóng chuyền. Mỗi khi tập luyện, thi đấu, dù đổ rất nhiều mồ hôi nhưng Nam lại cảm thấy như được tiếp thêm luồng sinh khí mới.
Chính niềm đam mê đã giúp Hải Nam ngày càng khẳng định mình trong màu áo đội tuyển bóng chuyền Hà Nội. Ở tuyến 1, cậu luôn nhận được sự quan tâm, chú ý của nhiều người và cả sự kiêng dè của đối thủ. Dù gặp bất cứ đội nào, Nam cũng thi đấu với tinh thần của một “chiến binh”. Nhờ đó, cậu đã mang về nhiều điểm số quý giá cho đội. Với sự góp sức của Nam và đồng đội, đội tuyển bóng chuyền Hà Nội đã xuất sắc giành Giải Ba - Giải Vô địch Quốc gia; Giải Nhì - Giải Bóng chuyền trẻ CUP câu lạc bộ; Giải 3 - Giải vô địch trẻ Quốc gia...
Với đặc thù huấn luyện, thi đấu và huấn luyện, thời gian qua, Hải Nam ít khi có cơ hội về thăm quê. Vì thế, mỗi dịp được trở về, Nam rất mừng và muốn dành toàn bộ ngày nghỉ cho người thân, bạn bè... Dẫu vậy, tiếng gọi của những giải đấu tại quê nhà vẫn không nguôi thôi thúc cậu. Mới đây nhất, trở về đúng dịp kỷ niệm 54 năm ngày quê hương được giải phóng, Hải Nam cùng đồng đội thi đấu và giành giải Nhất cho đội bóng chuyền thị trấn Khe Sanh. Đó có lẽ là một trong những trải nghiệm mà Nam không bao giờ quên. Bao giờ cũng vậy, cậu luôn thích cảm giác được đánh bóng, cống hiến cho khán giả quê nhà.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)