Vượt qua bóng tối

Tây Long |

Ít ai ngạc nhiên khi Hoàng Công Khoa (sinh năm 1993), trú tại thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) giành giải Nhất hội thi tin học dành cho người mù lần thứ 2 do Hội Người mù tỉnh tổ chức. Từ lâu, nhiều cán bộ, hội viên khiếm thị đã gọi Khoa là “thầy” với tất cả sự yêu thương, kính trọng. Câu chuyện cuộc đời Khoa đã trở thành nguồn cảm hứng để nhiều người khiếm thị vững tin vượt qua bóng tối tật nguyền.

Cũng như phần lớn người khiếm thị khác, cuộc đời của Hoàng Công Khoa buồn nhiều hơn vui. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông anh em, tuổi thơ gắn liền với những ngày thiếu trước hụt sau, thế nhưng nỗi lo lớn nhất của Khoa lại đến từ đôi mắt. Mọi thứ Khoa nhìn thấy đều như được phủ một lớp sương xám xịt. Biết bố mẹ không thể xoay xở để giúp mình chữa bệnh nên Khoa chỉ dám nuôi hy vọng về một phép màu.

Hoàng Công Khoa (ngoài cùng) miệt mài học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng tin học - Ảnh: T.L​
Hoàng Công Khoa (ngoài cùng) miệt mài học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng tin học - Ảnh: T.L​

Thị lực xuống dần khiến Hoàng Công Khoa thêm tự ti, mặc cảm. Thế nhưng, nỗi đau không thể lấp vùi ý chí, nghị lực. Khoa từng bước khắc phục khó khăn, vươn đến giảng đường. Rời làng quê vào Đà Nẵng học tập, Khoa vừa miệt mài đèn sách, vừa đi làm thêm để trang trải cuộc sống, mong sau ngày ra trường sẽ tìm được một công việc ổn định, có thu nhập để chữa trị mắt. Mọi ước mơ, dự định gần như tan vỡ khi Khoa nhận được kết luận của bác sĩ trong một lần ra Hà Nội khám bệnh. Khoa bị thoái hóa sắc tố võng mạc bẩm sinh, khó có thể nhìn thấy như người bình thường. Đối diện với thực tại nghiệt ngã nhưng Khoa vẫn không nản chí, chỉ khi gia đình lâm vào cảnh túng bấn vì cả 3 lao động chính trong nhà lần lượt qua đời, Khoa mới phải chấp nhận gác lại việc học hành.

Ngày trở về quê, việc cửa nhà, nương vườn không khỏa lấp hết nỗi buồn trong lòng Hoàng Công Khoa. Qua lời giới thiệu của một người quen, Khoa gia nhập Hội Người mù tỉnh. Cũng từ đây, Khoa đã có cái nhìn khác về cuộc sống. Làm quen với nhiều người cùng cảnh ngộ, Khoa cảm thấy mình còn rất may mắn. Vì thế, Khoa tích cực tham gia những hoạt động do Hội Người mù tỉnh tổ chức, đặc biệt là các lớp tập huấn, dạy nghề. Cũng tại đây, Khoa làm quen với phần mềm tin học dành cho người khiếm thị, rồi gắn bó với chiếc máy tính. Vượt mọi khó khăn, Khoa đã hai lần lặn lội ra Hà Nội theo học khóa tin học dành cho người khiếm thị.

Tìm được niềm đam mê, ước mơ trở thành một giáo viên dạy tin học cho người đồng cảnh nảy nở trong lòng Hoàng Công Khoa. Mong muốn ấy phần nào trở thành hiện thực khi Khoa được chọn làm trợ giảng ở một số lớp tin học được tổ chức cho người khiếm thị. Thấy Khoa có năng lực, mới đây, Hội Người mù huyện Triệu Phong đã mời Khoa đứng lớp. “Dạy tin học cho người khiếm thị chưa bao giờ là việc đơn giản. Bên cạnh truyền đạt kiến thức, kỹ năng, người giáo viên phải hiểu từng học viên, thường xuyên khuyến khích, động viên họ. Em hiểu điều đó và biết mình cần phải nỗ lực rất nhiều”, Công Khoa chia sẻ.

Từ ngày trở thành hội viên Hội Người mù tỉnh, rồi tìm thấy đam mê trong công việc dạy học, niềm hy vọng lại được thắp sáng trong Hoàng Công Khoa. Khoa mong muốn có thật nhiều cơ hội để dạy tin học, tiếp thêm niềm tin, hy vọng cho những người đồng cảnh với mình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Gặt lúa giúp người khuyết tật

Tây Long |

Hôm nay 4/10/2020, theo thông tin từ Đồn Biên phòng Ba Nang, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị vừa tham gia gặt lúa giúp một hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Ba Nang, huyện Đakrông (Quảng Trị).

Nghị lực của một người phụ nữ khuyết tật

Thế An - Hồng Quân |

Sinh ra và lớn lên không may mắn khi cơ thể bị khuyết tật, tuy nhiên, không vì vậy mà chị Lê Thị Yên ở thôn Đức Xá xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) lại buông xuôi, phó mặc cho số phận. Bằng ý chí và nghị lực, chị đã vươn lên làm chủ cuộc sống với mức thu nhập bình quân mỗi năm hơn 150 triệu đồng, là tấm gương phát triển kinh tế của phụ nữ khuyết tật trên địa bàn.

Học sinh trường chuyên làm cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật

Lâm Thanh |

Sản phẩm cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật của hai em: Dương Phúc Hiếu, lớp 12 chuyên Sinh và Thái Việt Nhật, lớp 12 chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đông Hà, Quảng Trị), đoạt Giải Nhất kỳ thi “Nghiên cứu khoa học cấp quốc gia học sinh trung học” năm học 2019 - 2020 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào giữa tháng 6/2020 đã tiếp thêm động lực, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm khoa học hữu ích cho cộng đồng ở ngôi trường này.

Chàng trai khuyết tật "truyền cảm hứng" chỉ với 1 ngón tay

Đinh Hiền |

Chỉ với 1 ngón tay còn hoạt động nhưng Đặng Minh Tuấn hiện đang làm cùng 1 lúc 3 công việc không chỉ nuôi sống bản thân, hỗ trợ gia đình mà còn trở thành “người truyền cảm hứng” cho cộng đồng người khuyết tật.