Vượt qua nghịch cảnh

Trúc Phương |

Không may mất đi đôi mắt sau tai nạn bom mìn nhưng những người mà chúng tôi có dịp gặp gỡ đều có chung nghị lực vượt qua nghịch cảnh. Sau nhiều năm nỗ lực học tập và lao động, giờ đây họ không chỉ phát triển hiệu quả kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm ổn định cho một số lao động trên địa bàn.

Theo lời giới thiệu của Hội Người mù thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), chúng tôi tìm đến thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ để gặp gỡ và nghe câu chuyện về nghị lực vươn lên của anh Phạm Ngọc Sáng (sinh năm 1975), hiện là Phó Chủ tịch Hội Người mù xã Hải Lệ.

Làm cọc tiêu bê tông, đúc bờ lô giúp kinh tế gia đình anh Phạm Ngọc Sáng ổn định hơn trước - Ảnh: T.P​
Làm cọc tiêu bê tông, đúc bờ lô giúp kinh tế gia đình anh Phạm Ngọc Sáng ổn định hơn trước - Ảnh: T.P​

Năm 2004, trong một lần cuốc đất trồng cây sau vườn, anh Sáng vô tình đụng trúng quả bom bị chôn sâu dưới lòng đất phát nổ. Tai nạn đó không chỉ để lại những vết thương trên cơ thể mà còn lấy đi đôi mắt của anh, khiến anh không còn nhìn thấy gì. Trong lòng anh Sáng lúc ấy tràn ngập sự hoảng loạn và bí bách, bởi những công việc đơn giản hằng ngày như vệ sinh cá nhân anh cũng khó có thể tự mình làm. Giữa lúc cuộc sống bế tắc nhất, anh Sáng có cơ hội gia nhập Hội Người mù thị xã Quảng Trị và kể từ đó, anh đã tìm lại được mục đích sống của đời mình. Anh cùng những người đồng cảnh ngộ chia sẻ với nhau mọi khó khăn trong cuộc sống; được tham gia học tập và làm việc tại các lớp đào tạo nghề thủ công như làm tăm, làm hương, làm chổi… của hội để kiếm thêm thu nhập. Với những hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao do hội người mù các cấp tổ chức, anh Sáng đều hăng hái tham gia và xuất sắc giành được các giải cao. Anh tâm sự: “Kể từ ngày tham gia hội, tôi thấy mình vui hơn, bận rộn hơn. Điều đó khiến tôi cảm thấy cuộc sống không còn vô vị như trước”.

Vốn là người siêng năng, chăm chỉ nên dù bị mất đi đôi mắt nhưng anh Sáng vẫn nỗ lực làm nhiều công việc khác nhau để phát triển kinh tế gia đình. Vài năm trước, nhận thấy người dân xã Hải Lệ có nhu cầu cao về cọc tiêu bê tông và bờ lô để phục vụ sản xuất, xây dựng, anh Sáng đã nảy ra ý tưởng làm các sản phẩm này cung cấp cho người dân địa phương. Tuy nhiên, công việc này đối với anh tương đối vất vả, bởi anh phải thực hiện nhiều công đoạn khác nhau từ trộn vữa, phơi và bảo dưỡng sản phẩm… trong tình trạng không nhìn thấy gì. Mới đầu, anh Sáng vẫn phải mò mẫm tập làm từng công đoạn, lâu dần mới có thể làm thành thạo mọi việc. Việc làm ăn phát triển, sản phẩm làm ra tiêu thụ nhanh không chỉ giúp kinh tế gia đình anh khá lên mà còn tạo việc làm cho 1 lao động với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/ tháng. Ngoài đúc bờ lô, làm cọc tiêu bê tông, anh Sáng còn có mô hình chăn nuôi gà đá khá thành công.

Cũng giống như anh Sáng, ông Trần Đình Lợi (sinh năm 1968) hiện sống tại Phường 3, thị xã Quảng Trị không may mất đi đôi mắt trong một lần quét dọn vườn vô tình đụng phải bom. Khi đó, ông mới chỉ tròn 19 tuổi. Ở tuổi căng tràn sức trẻ, ông Lợi lại phải đối diện với một màu đen tẻ nhạt. “Một số người nghĩ rằng mất đi đôi mắt nghĩa là mất tất cả nhưng tôi thì không nghĩ thế. Tại sao không thử một điều gì khác để cuộc sống này có ý nghĩa hơn”, ông Lợi bộc bạch. Năm 1996, Hội Người mù thị xã Quảng Trị được thành lập với 14 hội viên, trong đó có ông Lợi. Tại đây, ông đã được học chữ nổi, tham gia các khóa đào tạo nghề do hội tổ chức. Nhờ những lớp học như thế, ông Lợi và những người cùng cảnh ngộ có việc làm và nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện hòa nhập với xã hội.

Năm 2010, sau nhiều năm làm thuê tại các trung tâm, cơ sở dành cho người mù trên địa bàn thị xã, ông Lợi đã tự mở được một cơ sở xoa bóp, bấm huyệt gồm 4 giường với đầy đủ các thiết bị xông hơi, xoa bóp… từ số tiền tích cóp được và nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn hỗ trợ của Hội người mù thị xã. Trung bình mỗi tháng, cơ sở đón tiếp và phục vụ cho trên 200 lượt khách với giá cho mỗi lượt sử dụng dịch vụ dao động từ 70 - 100 nghìn đồng/người. Ông Lợi cho hay: “Khách hàng đến đây đều được chúng tôi chăm sóc, phục vụ tận tình nên hầu hết họ đều yêu thích và thường xuyên quay trở lại”. Hôm chúng tôi đến thăm cơ sở của ông Lợi, khách hàng khá đông. Một vị khách vui vẻ cho biết: “Cơ sở của ông Lợi làm ăn rất uy tín, tận tâm mà giá cả lại bình dân, nên sau mỗi lần làm việc nặng, tôi đều ghé qua sử dụng dịch vụ để phục hồi sức khỏe”. Những năm qua, nhờ thu nhập từ cơ sở này, gia đình ông đã thoát nghèo bền vững, có tiền đầu tư cho các con ăn học và lo thuốc men cho người vợ bị ung thư máu. Không những thế, ông còn tạo việc làm ổn định cho những người khiếm thị khác trên địa bàn với mức thù lao mỗi tháng từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người. Ngoài ra, trong vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người mù thị xã Quảng Trị, ông Trần Đình Lợi còn tích cực tham gia vào một số hoạt động xã hội, phong trào bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người mù trên địa bàn; giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ khó khăn có việc làm ổn định, giúp họ xóa đi mặc cảm để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhờ ý chí, nỗ lực không ngừng nghỉ vượt qua nghịch cảnh, anh Phạm Ngọc Sáng và ông Trần Đình Lợi nhiều lần được UBND thị xã Quảng Trị tặng giấy khen...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Người phụ nữ khuyết tật tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo

Thu Hạ |

Không muốn là gánh nặng cho xã hội, cũng không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước nên dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với ý chí, sự quyết tâm, lòng tự trọng, bà Trần Thị Lục (64 tuổi), ở Khu phố 2, Phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị vẫn tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Càng đáng trân trọng và cảm phục hơn khi bản thân bà Lục là người khuyết tật, sống neo đơn một mình không người nương tựa.

Gặt lúa giúp người khuyết tật

Tây Long |

Hôm nay 4/10/2020, theo thông tin từ Đồn Biên phòng Ba Nang, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị vừa tham gia gặt lúa giúp một hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Ba Nang, huyện Đakrông (Quảng Trị).

Nghị lực của một người phụ nữ khuyết tật

Thế An - Hồng Quân |

Sinh ra và lớn lên không may mắn khi cơ thể bị khuyết tật, tuy nhiên, không vì vậy mà chị Lê Thị Yên ở thôn Đức Xá xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) lại buông xuôi, phó mặc cho số phận. Bằng ý chí và nghị lực, chị đã vươn lên làm chủ cuộc sống với mức thu nhập bình quân mỗi năm hơn 150 triệu đồng, là tấm gương phát triển kinh tế của phụ nữ khuyết tật trên địa bàn.

Học sinh trường chuyên làm cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật

Lâm Thanh |

Sản phẩm cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật của hai em: Dương Phúc Hiếu, lớp 12 chuyên Sinh và Thái Việt Nhật, lớp 12 chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đông Hà, Quảng Trị), đoạt Giải Nhất kỳ thi “Nghiên cứu khoa học cấp quốc gia học sinh trung học” năm học 2019 - 2020 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào giữa tháng 6/2020 đã tiếp thêm động lực, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm khoa học hữu ích cho cộng đồng ở ngôi trường này.