Ngọn đèn của thôn Đồng Đờng

Tú Linh |

Về thôn Đồng Đờng, xã Mò Ó, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, ai cũng biết ông Hồ Văn Hồng bởi ông như ngọn đèn luôn tỏa sáng, ngày đêm không chỉ chăm lo làm kinh tế gia đình mà còn dành thời gian gần gũi với thế hệ trẻ để giáo dục về trách nhiệm tình yêu quê hương, đất nước và sống chia sẻ. Ông Hồng là người có công với cách mạng, mất sức lao động 81% do bị ảnh hưởng chất độc hóa học từ chiến trường.


Trong ngôi nhà sàn gọn gàng, ông Hồng sinh sống cùng vợ chồng con trai và 2 cháu nội. Ngôi nhà sàn nằm ở giữa, bao quanh là nhà của các con trai, con gái, khiến cảm giác cuộc sống của ông luôn bình yên, yêu thương.

Ở tuổi ngoài 80, sức khỏe giảm sút do ảnh hưởng chất độc hóa học từ chiến trường, cùng với bệnh tật, nhưng khi biết có khách đến thăm gia đình, ông Hồng tươm tất trong bộ quần áo bộ đội, rồi kể về quá trình tham gia cách mạng, chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Nhớ về những ngày hoạt động cách mạng giữa rừng Trường Sơn, khuôn mặt ông ánh lên niềm tự hào.

Ông Hồ Văn Hồng (giữa) luôn tự hào về những năm tháng tham gia cách mạng, góp sức mình bảo vệ quê hương -Ảnh: T.L
Ông Hồ Văn Hồng (giữa) luôn tự hào về những năm tháng tham gia cách mạng, góp sức mình bảo vệ quê hương -Ảnh: T.L

Lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Mò Ó, năm 17 tuổi, ông Hồng tình nguyện tham gia lực lượng bộ đội địa phương. Sau đó ông được chuyển sang lực lượng công an vũ trang của tỉnh làm công tác bảo vệ nội bộ Tỉnh ủy Quảng Trị tại xã Tà Rụt, vùng rừng núi phía Tây tỉnh Quảng Trị.

Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, địa bàn nơi ông công tác là vùng chiến tranh căng thẳng, quân đội Mỹ và chính quyền ngụy luôn tìm cách đánh phá cơ quan đầu não của ta. Nhờ thông thạo địa hình và tiếng Vân Kiều, ông Hồng cũng như đồng đội vận động nhiều người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chung sức đồng lòng bảo vệ cơ quan lãnh đạo của tỉnh được an toàn. Nhiều hôm, địch thả bom napan làm cháy rừng, thả chất độc hóa học làm rụi hết cây cối, cuộc sống con người cũng bị ảnh hưởng lớn. Nhiều lần áo quần, mũ đội đầu của ông cũng như đồng đội thấm đẫm chất độc.

Gian lao, nguy hiểm rình rập, nhưng ông không một lần nao núng tinh thần, quyết tâm bảo vệ quê hương, luôn tin tưởng cuộc kháng chiến do Bác Hồ và Đảng lãnh đạo nhất định sẽ đi đến thắng lợi. Trong suốt 17 năm tham gia cách mạng (1958- 1975), ông Hồng phải chịu nhiều ảnh hưởng do chất độc hóa học của chiến tranh trút xuống.

Dành cả tuổi thanh xuân cống hiến cho cách mạng, khi đất nước hòa bình, thống nhất, thì cũng là lúc sức khỏe của ông có nhiều giảm sút. Bệnh tình ốm đau liên miên. Không chấp nhận trở thành người tàn phế sau chiến tranh, ngày đêm ông tìm thầy thuốc để chữa bệnh, bồi dưỡng thêm sức khỏe, dần dần ông đã vượt qua giai đoạn ốm đau nặng, cố gắng trở lại với cuộc sống bình thường.

Trong điều kiện gia đình đông con, tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, ông Hồng đã ngày đêm trăn trở tìm cách làm kinh tế để có thêm điều kiện nuôi các con ăn học. Nói là làm, ông cùng với vợ bắt tay khai hoang, vỡ đất để trồng đậu, lúa, ngô, nuôi trâu, bò, lợn, gà... cải thiện thu nhập cho gia đình.

Tuy mất sức lao động nhưng nhờ có ý chí, ông Hồng ngày đêm bền bỉ lao động không biết mệt mỏi. Trời không phụ công người, 9 người con của ông vợ chồng Hồng lớn khôn và lập gia đình ra ở riêng có cuộc sống khá ấm áp. Không chỉ làm kinh tế riêng cho gia đình, ông Hồng đã vận động người dân không đốt phá rừng, tích cực trồng rừng, làm rẫy, truyền đạt kinh nghiệm trồng trọt, giúp người dân trong thôn có thêm những vụ đậu, lúa, ngô... được mùa.

Trở thành người có uy tín trong cộng đồng, ông tham gia các công việc của thôn rồi đảm đương Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn. Ở chức vụ nào ông cũng năng nổ, nhiệt tình và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bà con dân bản yêu quý ông ở đức tính thật thà, luôn giúp đỡ người khác.

Ý thức được vai trò của mình trong cộng đồng, ông Hồng luôn gương mẫu chấp hành và vận động người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn các phong tục tập quán, văn hóa cổ truyền của dân tộc, bảo tồn bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.

Phó Chủ tịch UBND xã Mò Ó Nguyễn Đức Hoành Sơn cho biết, bệnh binh Hồ Văn Hồng là một trong những người có công tiêu biểu của xã Mò Ó. Ông Hồng luôn gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KT-XH, xây dựng quê hương, đất nước làm gương cho nhiều người noi theo.

Cùng với những người có công với cách mạng trong xã, ông Hồng và gia đình tiếp tục phát huy truyền thống gia đình cách mạng, vượt khó vươn lên, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp. UBND huyện Đakrông, UBND xã Mò Ó đã tặng nhiều giấy khen ghi nhận những đóng góp của ông Hồ Văn Hồng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tự hào mạch nguồn cách mạng Hải Lăng

Tú Linh |

Vùng đất truyền thống cách mạng huyện Hải Lăng (Quảng Trị), 49 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, có nhiều thay đổi đáng tự hào. Những tên đất, tên làng gắn liền với chiến công hiển hách giai đoạn lịch sử 1954- 1975 trở thành các miền quê đáng sống. Phát huy truyền thống cách mạng qúy báu, Hải Lăng đang từng ngày xây dựng quê hương phát triển năng động, toàn diện, xứng đáng là huyện trọng điểm phía Nam của tỉnh.

Phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng để phát triển du lịch ở Vĩnh Linh

Mỹ Hằng |

Huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) là địa phương có nhiều di tích lịch sử cách mạng đang được bảo tồn và phát huy giá trị. Với hệ thống 180 di tích đã được xếp hạng, đây không chỉ là những “địa chỉ đỏ” giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, truyền thống anh hùng cách mạng của cha ông, mà còn là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch lịch sử - chiến tranh cách mạng, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan.

Trao giải cuộc thi tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Đoàn Khuê

Xuân Thế |

Ngày 24/10, xã Triệu Lăng (Triệu Phong, Quảng Trị) đã tổ chức Lễ trao giải cuộc thi trực tuyến tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Đoàn Khuê và quê hương Triệu Lăng anh hùng. 

Vĩnh Linh - miền quê cách mạng ngày càng đổi mới

Tú Linh |

Tự hào với truyền thống cách mạng, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đang nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Đã 78 năm trôi qua, những sự kiện lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 diễn ra tại địa phương vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của nhiều người. Phát huy truyền thống ấy, Vĩnh Linh hôm nay đang tiếp tục vươn lên để luôn xứng danh vùng “đất thép”.