Ấn tượng từ những lễ hội và hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống đầu xuân ở Gio Linh

Hoài An |

Những ngày đầu xuân Giáp Thìn, trong toàn huyện Gio Linh (Quảng Trị) diễn ra sôi nổi nhiều lễ hội và các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.


Sáng sớm mồng 2 tết Nguyên đán Giáp Thìn (ngày 11/2), đông đảo người dân và du khách đã có mặt tại thôn Nhĩ Trung (xã Gio Hải) để dự hội đu. Hội đu truyền thống làng Nhĩ Trung được tổ chức vào ngày mồng 2 Tết, định kỳ 3 năm một lần.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng thôn Nhĩ Trung cho biết, ngay từ trước Tết, công tác chuẩn bị cho hội đu diễn ra khẩn trương, phấn khởi trong mỗi người dân. Phần quan trọng của hội đu là chọn cột đu từ những cây tre già, cao thẳng, chắc chắn; tiếp đến là treo cờ Tổ quốc, cờ hội trên các thân tre; ở giữa thân tre cột dây thừng chắc chắn, còn giá đu gắn thêm dụng cụ dây bảo hộ đảm bảo an toàn cho người chơi.

Hội đu truyền thống làng Nhĩ Trung thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia - Ảnh: HA
Hội đu truyền thống làng Nhĩ Trung thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia - Ảnh: HA

Chơi đu ngoài mang tính thể thao, rèn luyện sức khỏe và giải trí, còn dịp gặp gỡ, giao lưu của người dân khắp mọi miền. Theo phong tục, mở đầu lễ hội, những người cao niên uy tín trong thôn mặc áo dài khăn đóng truyền thống, đại diện cho thôn đánh những tiếng trống đầu tiên khai hội; sau đó tiến về phía giá đu, lên giá để đánh dấu việc mở màn ngày hội.

Tham gia trò chơi, người chơi cố gắng hết sức để nhún mạnh rồi đu lên thật cao, người đu cao nhất sẽ giành chiến thắng. Theo lệ, trong mỗi hội đu, người nào đu cao, chạm vào vị trí chiếc đèn lồng (khoảng 7m) sẽ thắng cuộc. Hội đu truyền thống năm nay diễn ra sôi nổi, hấp dẫn trong cờ hoa rực rỡ và tiếng vỗ tay, reo hò cổ vũ của người dân, du khách.

Từ mồng 4 tháng Giêng (ngày 13/2), nhiều lễ hội và hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống được tổ chức sôi nổi trên toàn huyện Gio Linh. Trở thành thông lệ, hằng năm vào ngày mồng 4 tháng Giêng, Trung tâm Văn hóa Thông tin-Thể dục Thể thao tổ chức giải bóng bàn, cờ tướng và viết thư pháp đầu xuân.

Ở cấp xã, thị trấn cho đến các thôn đã diễn ra nhiều giải bóng đá, bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, đua thuyền... đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, giao lưu và thi đấu thể thao cho các tầng lớp nhân dân. Đầu xuân Giáp Thìn, các địa phương luôn chú trọng tổ chức các lễ hội truyền thống nhằm giữ gìn, phát huy và quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống đến muôn nơi.

Nổi bật như vào ngày mồng 4 và mồng 7 tháng Giêng, thôn An Mỹ và Cẩm Phổ (xã Gio Mỹ) tổ chức lễ hội cù truyền thống. Năm nay, hội cù truyền thống ở thôn An Mỹ và Cẩm Phổ được tổ chức theo đúng tinh thần của lễ hội có từ hơn 500 năm trước. Hội cù truyền thống đầu xuân ở 2 thôn An Mỹ, Cẩm Phổ diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia thi đấu và hàng trăm du khách gần xa đến xem, cổ vũ.

Cũng trong ngày mồng 4 tháng Giêng, xã Hải Thái tổ chức hội bài chòi và nhiều trò chơi dân gian; thôn Hà Lợi Trung (xã Trung Giang) tổ chức hội đu truyền thống... tạo không khí đón xuân thêm vui tươi, rộn ràng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Dương Đức Hạnh cho biết, trước thềm năm mới Giáp Thìn, huyện Gio Linh chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị cấp huyện và UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, các điểm vui chơi giải trí đảm bảo thiết thực, an toàn, tiết kiệm; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục vụ khách du lịch trong dịp tết Nguyên đán.

Với sự quan tâm sâu sát của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, các lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra tưng bừng, sôi nổi, rộng khắp trên toàn huyện Gio Linh vào đầu xuân Giáp Thìn. Năm nay, các lễ hội được tổ chức đầy đủ cả phần lễ lẫn phần hội theo đúng tinh thần lễ hội có từ xa xưa; các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức có quy mô, chất lượng; các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hỗ trợ, đóng góp vật chất lẫn tinh thần để các lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra thành công và ấn tượng; công tác an ninh trật tự được đảm bảo...

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách được hòa mình vào không gian lễ hội đặc sắc và giao lưu, cổ vũ và tranh tài thi đấu thể thao, cũng như hưởng thụ nét đẹp văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Sẽ tổ chức nhiều hoạt động ở lễ hội chợ đình Bích La trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn

Nguyễn Vinh |

Trưởng thôn Bích La Đông (Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị) Lê Cảnh Phong cho biết, ngay từ giữa tháng 12/2023, thôn Bích La Đông đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội chợ đình Bích La tết Nguyên đán Giáp Thìn -2024.

Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc tại Lễ hội Hoa Anh Đào - Điện Biên Phủ

Xuân Tư |

Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Anh Đào - Điện Biên Phủ năm 2024, ngày 13/1, tại Đảo hoa, xã Pá Khoang (thành phố Điện Biên Phủ), Giải đua thuyền Kayak mở rộng, Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc đã diễn ra.

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 sẽ diễn ra vào đầu tháng 6/2024

Trần Lê Lâm |

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Sun Group Vùng miền Trung - đại diện lãnh đạo Tập đoàn Sun Group cho biết, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành cùng chính quyền thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế – DIFF 2024.

“Lễ A Da” - Ước vọng bình yên, no ấm của người Pa Kô

Hiếu Giang |

Được gìn giữ, trao truyền qua bao thế hệ như “báu vật” về tinh thần, lễ hội A Da (Mừng lúa mới) là dịp thể hiện lòng biết ơn và mong cầu mùa vụ bội thu, ấm no của đồng bào dân tộc Pa Kô.