BÀI DỰ THI TÌM HIỂU VỀ "VĂN HÓA ẨM THỰC TRÊN HÀNH LANG KINH TẾ ĐÔNG – TÂY (EWEC)": RONG RUỔI HÀNG QUÁN TRÊN DẶM DÀI XUYÊN Á

Bài 2: Xôi gà nướng và hơn thế nữa…

Cam Lộ |

Tôi từng có dịp đi qua vùng đất Nam Lào bắt đầu từ Seno, một thị xã nhỏ nằm ở ngã tư đường 13 cắt ngang Quốc lộ 9 theo hướng Đông Tây, nối Savannakhet (Lào) với Đông Hà (Quảng Trị). Từ Seno có thể đi về phía Bắc tới Viêng Chăn và Luang Prabang, về phía Nam tới Phnom Penh (Campuchia), về phía Tây tới Bangkok (Thái Lan) và về phía Đông tới Thái Bình Dương. Seno là nơi giao lưu bốn phương nên rất sầm uất, sản vật dồi dào. Thị xã này là trung tâm thương mại và giao lưu quốc tế của tỉnh Savannakhet.

Đến Seno, du khách đã có thể thưởng thức “tinh hoa ẩm thực” của nước bạn Lào, trong đó nổi tiếng nhất vẫn là sự kết hợp giữa xôi và gà nướng. Các món Lào khá đơn giản nhưng đa dạng không kém các quốc gia trong khu vực, như tính cách người Lào luôn hồn hậu nhưng sâu sắc, thủy chung.

Đặc sản gà nướng Sê Nô (Lào)
Đặc sản gà nướng Seno (Lào)

Thực đơn quen thuộc của du khách khi đến Lào thường là gà nướng, lạp, lạp xưởng, thịt heo, thịt dê nướng, cá hấp lá chuối, gà (cá) nấu me, rau luộc, rau sống, cơm (xôi)… Nếu muốn đổi món, du khách có thể thưởng thức sườn nướng, nem chua cá thịt. Hồi tôi có dịp lên cố đô Luang Prabang (di sản văn hóa thế giới của Lào), ấn tượng nhất vẫn là khu chợ đêm ẩm thực nằm trên một con hẻm trên đường Sisavangvong, nhóm họp từ khoảng 5 giờ chiều và kết thúc vào khoảng 21 giờ 30 tối. Nơi đây có lẽ là chốn cung cấp những món ăn tối cho cư dân trong vùng nên khá tấp nập. Thực đơn chủ lực nhất vẫn là đùi gà nướng, thịt heo nướng xiên que, cá nướng muối ăn với xôi, cơm. Thực khách cũng có thể chọn cơm chay với nhiều loại rau, quả hấp, luộc, xào rất hấp dẫn. Chợ Luang Prabang có bán món xôi nếp đập dẹp cắm vào que tre, nhìn xa giống như que chuối nướng. Người bán thường nhúng qua xôi nếp vào trứng gà hoặc rưới nước gia vị rồi nướng lên bán cho thực khách. Người Lào đặc biệt thích ăn gạo nếp. Sau khi nấu chín, người ăn sẽ nắm cơm thành từng viên nhỏ, sau đó chấm vào nước chấm riêng và dùng tay để ăn. Cách ăn mộc mạc này, theo người dân Lào, người ăn mới cảm nhận được hết hương thơm và vị ngọt tự nhiên của từng hạt gạo.

Qua Nam Lào, khi dừng chân ở Pakse, tỉnh lỵ của tỉnh Champassak, một thành phố nên thơ nằm ở ngã ba sông Mê Kông và sông Sedon có khá nhiều chùa chiền và những cây cầu xinh đẹp, chúng tôi có dịp thưởng thức món thịt dê ăn với lạp, nộm và mắm padek cay xé lưỡi ngay bên vỉa hè đông người qua. Nhịp sống chậm rãi của người Lào len lõi trong từng cách thức phục vụ. Lâu lâu từng món một mới được bưng ra, dù lượng bia Lào đưa đẩy câu chuyện của thực khách đã vơi đi nhiều. Khi men nồng rượu nếp Champassak đã dâng lên nồng nàn, vẫn cứ vương vấn câu nói cửa miệng quen thuộc của người Lào để yên bụng ngồi chờ: “Muốn nhanh cũng phải từ từ”…

Xôi, gà nướng, món ăn quen thuộc của người Lào
Xôi, gà nướng, món ăn quen thuộc của người Lào

Mãi không bao giờ quên buổi chiều tà, ngồi trong nhà hàng nổi Hưu phe ở Pakse, trên sông Mê Kông dập dềnh con nước, nhìn ra xa xa, xóm làng đang lịm dần trong ánh hoàng hôn, sương khói la đà. Trên bàn, món sindat trứ danh “nướng trên, lẩu dưới” đang vào độ ngon đậm đà. Mùi nếp mới từ những cánh đồng vừa gặt xong dọc triền sông Mê Kông ùa vào tỏa một mùi thơm thương mến.

Hải sản bán ngay trên đường phố ở Thái Lan
Hải sản bán ngay trên đường phố ở Thái Lan

Cũng như mới hôm qua đấy thôi, ở một bản nhỏ bên kia sông Mê Kông mùa nước ròng, tôi có dịp vào lễ cầu mùa của nông dân Thái Lan. Trong danh sách hơn 12 loại nông sản chủ lực được Chính phủ Thái đầu tư phân vùng canh tác để đem lại giá trị cao, chỉ có cây lúa mới được vinh danh bằng một lễ cầu mùa trang trọng. Trong tín ngưỡng chung của cư dân lúa nước, có thờ Mẹ Lúa, Thần Lúa, người Thái gọi là Mae Phosop và xung quanh vị thần coi sóc lúa gạo từ lúc vào vụ đến khi thu hoạch là cả một chuỗi nghi lễ rất thành kính. Người Thái Lan quan niệm bữa ăn là sự giao tiếp thân mật với mọi người.

Một bữa ăn thịnh soạn của người Thái
Một bữa ăn thịnh soạn của người Thái

Món ăn Thái Lan mang nhiều hương vị khác nhau. Sự hoà trộn tinh tế của thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống đã tạo nên những phong cách chế biến đặc biệt. Người Thái nấu gạo, nếp bằng nhiều cách, ra được cơm tẻ (khao suổi), xôi (khao niểu), cháo (chôôc) và ăn cơm bằng dĩa với thìa, ít khi dùng bát. “Nữa hay thôi?” là câu hỏi đậm đà cái tình với hạt gạo khi người phục vụ thấy dĩa cơm của thực khách cơ chừng vơi đi ít nhiều. Nếu muốn ăn thêm cơm, thì sẽ có người thêm cho một vài thìa nữa, còn không ăn thì chỉ cần lắc khẽ cái đầu là đã hiểu nhau rồi.

Thức ăn đường phố của người Thái
Thức ăn đường phố của người Thái

Người Thái xem gạo là ngọc của trời nên không thể phung phí, dù chỉ một hạt!

TAGS

Núi lửa Chư Đăng Ya - tắc kè hoa đổi màu

Thanh Tuấn |

Vào thời điểm này, khách du lịch tìm đến núi lửa Chư Đăng Ya ở xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, Gia Lai để trải nghiệm. Du khách không khỏi ngỡ ngàng trước bức tranh sơn cước hữu tình cũng như vẻ đẹp đời sống của người dân địa phương nơi đây.

Quảng bá du lịch và vẻ đẹp Việt Nam nhìn từ một cuộc thi ảnh

Việt Văn |

Nhìn lại chủ đề “Du lịch” tháng 7.2020 của cuộc thi thường niên “Vẻ đẹp Việt Nam” của Truyền hình Nhân dân, có thể thấy thế mạnh của nhiếp ảnh trong việc quảng bá du lịch Việt Nam bên cạnh những thách thức không nhỏ. Du lịch là một chủ đề dễ mà khó, và thực tế việc chấm giải cũng không hề đơn giản.

Nồng nàn rượu nếp cẩm của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô

Thanh Huyền |

Người Vân Kiều, Pa Kô ở miền tây tỉnh Quảng Trị có đời sống văn hóa vô cùng phong phú, trong đó, văn hóa ẩm thực luôn là điều hấp dẫn đối với du khách gần xa. Ngoài các món ăn đặc sắc thì rượu nếp cẩm được coi là một thứ thức uống vô cùng đặc biệt- góp phần làm phong phú, sinh động thêm vốn văn hóa ẩm thực của người Vân Kiều, Pa Kô.

Đà Nẵng tạo mọi điều kiện hỗ trợ du khách bị mắc kẹt lại do COVID-19

Trần Lê Lâm |

Chiều 28/7, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết tính đến 13 giờ cùng ngày, trên địa bàn thành phố còn lại khoảng 314 du khách chưa thể rời thành phố Đà Nẵng do không sắp xếp được phương tiện đi lại.