Người Vân Kiều, Pa Kô ở miền tây tỉnh Quảng Trị có đời sống văn hóa vô cùng phong phú, trong đó, văn hóa ẩm thực luôn là điều hấp dẫn đối với du khách gần xa. Ngoài các món ăn đặc sắc thì rượu nếp cẩm được coi là một thứ thức uống vô cùng đặc biệt- góp phần làm phong phú, sinh động thêm vốn văn hóa ẩm thực của người Vân Kiều, Pa Kô.
Đối với đồng bào dân tộc bản địa, rượu nếp cẩm có ý nghĩa rất đặc biệt. Đặc biệt từ nguyên vật liệu làm ra nó, đặc biệt từ cách chế biến và đặc biệt cả trong cách thưởng thức. Nguyên liệu chính để làm nên rượu nếp cẩm đó chính là nếp cẩm và men lá, rễ cây.
Nếp cẩm là một loại nếp trỉa trên rẫy của người Vân Kiều, Pa Kô, có sức chịu hạn rất tốt. Hạt nếp cẩm có màu đen óng, vị ngọt, hương thơm dịu nhẹ. Men là nguyên liệu được chuẩn bị hết sức công phu. Để làm ra được những viên men đạt chất lượng chuẩn, bà con Vân Kiều, Pa Kô phải vào tận rừng sâu để tìm kiếm rễ và lá cây. Có trên 15 loại rễ, lá cây các loại để làm nên men, như: Rễ tân tiêu, Piêm prdang, Ra lơng a giã, na noai, Ta ven, Xa măng, Xa ắ ta moi, Ra pét a lọ… Trong đó Xa ắ ta moi và Ra pét a lọ là hai thành phần quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng của men. Các loại rễ và lá cây sau khi sơ chế, cắt nhỏ và phơi khô sẽ được giã nát, viên lại thành viên, treo lên giàn bếp cho khô.
Các công đoạn nấu, ủ rượu nếp cẩm khá công phu. Nếp cẩm sau khi chọn lọc loại đạt chất lượng cao sẽ được nấu chín, xới cho tơi, để nguội đến khoảng 50 độ C thì sẽ được trộn đều cùng bột men và cho vào lu, đậy kín. Sau thời gian ủ khoảng một tháng trở lên, khi nếp cẩm và men được hòa quyện vào nhau, người ta sẽ vắt lấy nước đậm đặc và lọc lại lấy phần rượu tinh túy nhất. Thời gian ủ càng lâu thì rượu càng có vị ngọt, hương càng nồng. Rượu nếp cẩm sau khi “ra lò” sẽ có màu nâu sẫm rất bắt mắt, vị ngọt pha lẫn vị cay nồng, hương thơm nồng nàn rất hấp dẫn.
Theo người dân bản địa, rượu nếp cẩm rất giàu chất dinh dưỡng, có vị ngọt, tính ẩm, nên rất tốt cho sức khỏe nếu biết sử dụng đúng cách. Rượu nếp cẩm kích thích tiêu hóa, ngăn ngừa bệnh đái tháo đường, cao huyết áp và một số bệnh ung thư tuyến tính, trực tràng… Rượu nếp cẩm thường được bà con Vân Kiều, Pa Kô sử dụng vào các dịp Tết, lễ hội hoặc các dịp bản làng có chuyện vui.
Gần đây, khách hàng khắp nơi trong tỉnh Quảng Trị rất ưa chuộng loại rượu đặc biệt này nên bà con Vân Kiều, Pa Kô ở Hướng Hóa đã tăng cường sản xuất để phục vụ nhu cầu, và đồng thời cung cấp nguyên liệu cho các hộ gia đình trong vùng tự tay nấu, ủ.
Nếp cẩm và men lá rễ cây đều được ươm mầm và nuôi sống từ thiên nhiên, núi rừng. Người Vân Kiều, Pa Kô đã dày công tìm kiếm, chọn lọc và nghiên cứu để chắt lọc những gì tinh túy nhất từ các sản phẩm của núi rừng, của nương rẫy để rồi cho ra đời sản phẩm rượu nếp cẩm vô cùng độc đáo. Bởi thế, Rượu nếp cẩm được coi là kết tinh tinh hoa của đất trời, cây cỏ và cả bao giọt mồ hôi của người làm ra nó.
Giữa mênh mông đất trời miền Tây Quảng Trị, được nhâm nhi thưởng thức ly rượu nếp cẩm của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô, người ta có cảm giác lâng lâng, phiêu bồng thật khó tả. Chắc chắn rằng, sự nồng nàn của món ẩm thực đặc trưng này sẽ tạo ấn tượng khó phai cho ai đó đã một lần đến và thưởng thức.
Ngày nay, rượu nếp cẩm đã không còn giới hạn sau mỗi nhà sàn, làng bản của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô mà đã theo chân của du khách trong nước và cả du khách nước ngoài chu du khắp muôn nơi. Và dĩ nhiên, nét văn hóa ẩm thực độc đáo này của người Vân Kiều, Pa Cô ngày càng được nâng bước, phát huy.