Những ngày chuyển mùa, cái thời tiết ẩm ương mưa mưa, nắng nắng thật khiến người ta muốn tìm những hương vị thân thương nồng đượm để dỗ dành cái cái vị giác đang nhạt thếch, mõi mệt: không phải mỹ vị cao lương càng chẳng phải cầu kì chế biến; chỉ là một chút thanh đạm, ngọt ấm đủ để nhớ để thương đủ để vấn vương cho những người con xa quê mỗi khi hồi tưởng... đó là vị quê hương, vị từ yêu thương mà những người phụ nữ Vân Kiều nơi miền biên viễn Quảng Trị nêm vào nồi “Ravieq asơq” (một món ăn truyền thống đặc sắc của đồng bào Bru Vân Kiều).
Trong tiếng Vân Kiều: “Ravieq” là từ gọi chung cho thức ăn, “Asơq” có nghĩa là gạo tấm (loại gạo lẫn giữa những hạt tấm chứa cả phôi và cám gạo rất giàu dinh dưỡng và cả những hạt gạo vỡ vụn do quá trình giả gạo mà ra), “Ravieq asơq” có nghĩa là món ăn được nấu từ thành phần chính là tấm gạo cùng với các nguyên liệu khác tùy vào điều kiện, tùy vào các nguyên liệu mà những người phụ nữ Vân Kiều kiếm được sau mỗi chiều trở về từ nương rẫy, sau mỗi buổi đi bắt cá suối hoặc có thể là những thực phẩm khô từ thịt, cá được bảo quản cẩn thận qua phương pháp hun khói từ những mùa vụ thuận lợi cá thịt dồi dào dễ kiếm.
Nhiều năm trước đây, khi vùng núi Đakrông đang khó khăn gấp trăm lần bây giờ, ruộng nước hầu như không có, mỗi năm chỉ trông chờ vào một mùa rẫy. Những ngày bắt đầu mùa đông bản làng chìm trong làn mưa phùn sương giăng giá lạnh, những nếp nhà sàn lại rực bếp củi vừa để sưởi ấm vừa để hong khô lúa rẫy đang vào mùa truốt. Khói nóng từ bếp củi chẳng đủ hong khén lúa nên khi giã gạo tấm và những hạt gạo vụn nhiều lắm. Sau mỗi lượt giã rồi sàng sảy những hạt gạo nguyên được các bà, các mẹ để riêng dùng nấu cơm, đồ xôi hằng ngày, phần tấm gạo được tách riêng, cho vào ống tre, đậy kín để dùng nấu các món “Ravieq asơq” cho bữa ăn hằng ngày, nhất là cho những mùa giáp hạt.
Không đặc quánh như món cháo “Tà lục tà lao” (cháo thập cẩm) của đồng bào Pa Cô, cũng chẳng loãng như các món cháo gạo thông thường khác của đồng bào Kinh. “Ravieq asơq” của người Vân Kiều chỉ sền sệt vừa phải. Khi ăn ta sẽ dễ dàng cảm nhận vị mịn màng, thơm bùi của tấm gạo nếp rẫy, hòa quyện với các nguyên liệu nấu kèm, cùng với mùi hương của các loại gia vị đặc trưng như ớt bản, sả, ngò gai… tùy vào từng loại nguyên liệu kết hợp cùng với tấm gạo (Asơq) mà người Vân Kiều có những loại “Ravieq asơq” mang hương vị đặc trưng khác nhau. Trong đó không thể không kể đến món “Ravieq Ađon” với thành phần chính là tấm gạo và ngọn non của cây môn nước (A đon) và món “Ravieq Sikol” với thành phần chính là tấm gạo và nõn của cây đoác (Sikol).
Nghe thôi thật đơn giản vì món “Ravieq asơq” được nấu bằng cách ninh nhừ tấm gạo và nguyên liệu đi kèm rồi nêm nếm các loại gia vị. Tuy nhiên việc kết hợp các loại nguyên liệu và cách cho thứ tự các nguyên liệu vào nồi ninh, cách sơ chế các loại nguyên liệu mới là bí quyết tạo ra hương vị riêng của món ăn này mà không phải cô gái Vân Kiều nào cũng biết được. Với những người sành ăn “Ravieq asơq” thì “Ravieq Ađon” chính là món ăn đặc biệt và khó nấu nhất mà chỉ có các mẹ lớn tuổi mới nấu được món này. Dùng tay sạch ngứt những nõn môn nước thật non (đương nhiên là kèm theo những hướng dẫn khắt khe khác khi hái), bạn không được dùng dao cắt môn mà khi rửa sạch, rồi cuộn môn thành từng búi gồm 5,7 ngọn thật gọn rồi cho vào nồi ninh kỹ, trong suốt quá trình ninh bạn không được chạm đũa hay đảo nồi ninh. Khi các thành phần sánh nhuyễn vừa độ bạn cho thêm sả vào ninh tiếp, rồi cho ít ốc đá, các loại cá suối nhỏ vào nồi (thường là mớ cá suối thập cẩm nhiều loại mà phụ nữ Vân Kiều bắt được bằng cái xúc các). Tiếp theo nêm nếm sao cho bát “ravieq” sền sệt, môn và tấm gạo nhừ mịn, sánh đúng độ lại có sự hòa quyện thơm nồng của sả, cay cay của ớt bản, ngọt mát của ốc đá thì mới được “chấm đạt chuẩn”.
Ngày nay, khi điều kiện khá hơn, mỗi sớm mai chẳng còn nghe tiếng chày giã gạo, chẳng còn thấy ai tỉ mẩn sàng sảy để nhặt tấm gạo cất vào ống tre chờ mùa giáp hạt, chẳng nhiều người vào rừng kiếm đoác, đào măng. Món “Ravieq asơq” vẫn có mặt trong bữa cơm của người Vân Kiều. Tấm gạo giờ lại trở thành đặc sản, nên các bà, các mẹ lại dùng gạo thay thế, các nguyên liệu nấu cùng cũng thật dễ dàng tìm thấy ở chợ, ở hàng quán để những người nội trợ tha hồ phối trộn theo khẩu vị, theo sở thích. Nhưng cái cách chế biến thanh đạm, chẳng có chút dầu mỡ vẫn được phát huy, tất cả mùi vị đều được tạo nên từ các loại nguyên liệu đặc trưng qua sự khóe léo, kỹ càng của những người nội trợ mà hòa quyện, lan tỏa tạo nên dự vị riêng có của ẩm thực Vân kiều, nhưng cũng dễ lấy lòng thực khách thập phương.