Nhìn lại chủ đề “Du lịch” tháng 7.2020 của cuộc thi thường niên “Vẻ đẹp Việt Nam” của Truyền hình Nhân dân, có thể thấy thế mạnh của nhiếp ảnh trong việc quảng bá du lịch Việt Nam bên cạnh những thách thức không nhỏ. Du lịch là một chủ đề dễ mà khó, và thực tế việc chấm giải cũng không hề đơn giản.
Chụp như thế nào hơn là chụp cái gì
Gần 1.200 ảnh và bộ ảnh gửi về cuộc thi cho tháng 7 của các tác giả từ nhiều vùng miền là một con số khả quan. Sân chơi “Vẻ đẹp Việt Nam” ngày càng thu hút ngày càng thêm nhiều tay máy chuyên nghiệp, Hội viên Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nên chất lượng có khá hơn. Đối với chủ đề du lịch, sự hưởng ứng càng nhiệt tình bởi lẽ đã cầm máy, ai cũng ham chụp ảnh du lịch.
Có những tay máy có tần suất đi sáng tác xa đến “chóng mặt” khi tháng nào cũng lên đường vài ba đợt, ngắn thì 2-3 ngày, nhiều thì 10 ngày trở lên. Và hướng ống kính vào cảnh vật, con người ở miền đất xa lạ để chụp là phổ biến nhất.
Thời nay khi internet phát triển như vũ bão thì quả thật, không còn gì lạ lẫm nữa, dù có đến “hang cùng ngõ hẻm” nào. Bởi thế, chụp gì chưa quan trọng bằng chụp như thế nào.
Bộ ảnh giải nhất “Bạc Liêu, một điểm đến” của tay máy quen thuộc vốn “sát giải”: Nguyễn Xuân Hãn (Bạc Liêu). Đây là bộ ảnh “khoe” hết vẻ đẹp của Bạc Liêu từ cây đàn kìm cách điệu, biểu tượng văn hóa của tỉnh, cảnh hát đờn ca tài tử, điệu múa Khmer, cảnh làm muối… và có sự dụng công của tác giả chụp trong nhiều thời điểm, bối cảnh, không gian và nhiều năm. Kể chuyện rành mạch, đúng chủ đề và xử lý kỹ thuật tốt, thế nhưng bên cạnh những ảnh tốt, bộ ảnh nhìn chung hơi “tĩnh” và vẫn để “lọt” một vài ảnh chụp hơi dễ dãi.
Bức ảnh đơn giải Nhì chụp một góc chợ Vị Thanh ở Hậu Giang cũng của một nhiếp ảnh gia không xa lạ: Ngô Quang Phúc (TPHCM). Một bức tranh chợ với nhiều sản vật phong phú đầy màu sắc của một bảng màu đa sắc, điểm xuyết với những chiếc nón. Một góc bay Flycam vừa phải đúng tầm đã tạo ra một tác phẩm bắt mắt nhưng nó chưa hẳn là một sự khám phá độc đáo hay nói như giám khảo, nhà thơ Hữu Việt là “trông quen quen”.
Giải Ba “Tình không biên giới” của Nguyễn Trung Kiên (Hà Nội) bắt được khoảnh khắc thú vị “à, ồ” của những vị du khách nước ngoài trong một bếp lửa nhà dân ở miền núi Tây Bắc. Đó cũng là sự chờ đợi của chúng ta khi dịch COVID-19 kết thúc để Việt Nam lại tiếp tục đón nhiều du khách nước ngoài đến. Song như giám khảo Đồng Hiếu nhận xét, khoảnh khắc ở bức ảnh đó vẫn chưa hay khi chưa tìm được sự giao tiếp giữa chủ nhà và những vị khách, cũng như xử lý ánh sáng và góc độ chưa thú vị.
Trong số 7 bức ảnh còn lại đoạt giải khuyến khích, có thể thấy nhịp điệu trong bức ảnh chụp hội đua thuyền ở đình Phong Cốc, Quảng Ninh của Phạm Quốc Dũng (Hà Nội), phong cảnh làng chài Cổ Thạch, Bình Thuận từ trên cao của Nguyễn Ngọc Cường (Đồng Nai), sắc thái khác nhau trong cảnh sắc bình minh phố núi Đà Lạt - bộ ảnh của Trần Ngọc Anh (Lâm Đồng)…
Yêu rồi hãy chụp
Những tấm ảnh chụp du lịch là khám phá cái hay, đẹp, nét đặc sắc trong con người (lối sống, trang phục, tập quán…) và cảnh vật. Nhưng đa phần các tay máy chụp cảnh nhiều hơn, thậm chí quá nhiều ảnh phong cảnh, hiếm những ảnh khai thác đi sâu vào những nét phong tục văn hóa bản địa. Và chúng ta thiếu những chân dung sống động mang tính dân tộc học. Nữa, rất ít cái nhìn sâu sắc mang tính chiêm nghiệm về miền đất mà vẫn chỉ là một thoáng quê hương…
Tình yêu trong những cú bấm máy, hơi thở của sáng tạo luôn là điều cần thiết để làm nên tác phẩm. Cảm xúc kết nối với thiên nhiên thật dễ chịu ngay tại thời khắc bấm máy. Nhưng khi về nhà, nó lại bị đặt dấu hỏi hồ nghi để rồi việc photoshop quá đà, chiều chuộng thị giác bản thân và hy vọng truyền cảm cho người xem.
Nhiếp ảnh có thế mạnh trong việc quảng bá du lịch. Nhưng đó phải là những góc nhìn mới mẻ, sáng tạo của một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm và tinh tế, của một người yêu con người và thiên nhiên. Còn việc chạy theo cảm xúc của người khác hay trông chờ vào những cú bấm máy liên tục để may mắn có một shot hình hoàn hảo, không phải dành cho một nhà nhiếp ảnh (photographer) thực sự.
Những bộ ảnh du lịch tuyệt đẹp về một Việt Nam bí ẩn, hấp dẫn của các tay máy ngoại quốc lừng danh như Rehahn (Pháp), Hans Kemp (Hà Lan)… là những minh chứng và cả bài học thiết thực nhất cho các tay máy Việt tham khảo.
(Nguồn: Báo Lao Động)