Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và đã đạt được kết quả tích cực.
Nhiều di sản văn hóa được nghiên cứu, công nhận, bảo vệ và phát huy giá trị, qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào và ý thức tham gia của người dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Xác định được tầm quan trọng của văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển, là một tỉnh có bề dày trầm tích lịch sử văn hóa, Đảng bộ Quảng Trị luôn chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển KT - XH. Nằm giữa dải đất miền Trung, nơi giao thoa của các nền văn hóa, trải qua quá trình đấu tranh và xây dựng đã để lại cho Quảng Trị nhiều di sản văn hóa truyền thống có giá trị với gần 500 di tích, danh thắng được xếp hạng các cấp. Hệ thống di tích đồ sộ đó có giá trị to lớn trong công tác giáo dục truyền thống cũng như góp phần phát triển du lịch hoài niệm, thu hút, hấp dẫn các du khách, nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước.
Trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương, tỉnh đã từng bước xây dựng, hình thành các chuẩn mực giá trị văn hóa con người Quảng Trị có lối sống ý thức, tự trọng, tự chủ; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội, hướng đến mục tiêu xây dựng con người ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ. Trong công tác bảo tồn di tích, việc thực hiện lập hồ sơ khoa học và pháp lý được tỉnh chú ý triển khai.
Đến nay, số di tích xếp hạng cấp tỉnh được bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ khoa học và pháp lý là 135/476 di tích. Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 75/476 di tích cấp tỉnh được đặt bia, biển, xây dựng đài tưởng niệm, lưu niệm. Trong giai đoạn 2013 - 2020, các di tích Thành Cổ Quảng Trị, Nhà đày Lao Bảo, Khu Lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải được đầu tư tôn tạo; có 4 hồ sơ di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt gồm: Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh. Đã hoàn thành 5 hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia, trong đó có 1 di tích đã được xếp hạng di tích các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626).
Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ hơn 32.000 tài liệu, hiện vật gốc phục vụ cho công tác nghiên cứu, tham quan, học tập của người dân trong tỉnh cũng như du khách gần xa, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho mọi người nhất là thế hệ trẻ. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, phát huy giá trị như: Hội cù ở xã Gio Mỹ; Chuyện trạng Vĩnh Hoàng, Hò Như Lệ, Hội Bài chòi... UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi Trung bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2023, đồng thời, chuẩn bị các bước xây dựng đề án sưu tầm, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các điệu hò Quảng Trị, tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài chòi từ tỉnh đến cơ sở… Có 27 lễ hội với 3 loại hình chính (lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội cách mạng và lễ hội tôn giáo), là địa phương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao về công tác quản lý và tổ chức thành công các hoạt động lễ hội. Đặc biệt, lễ hội cách mạng được tỉnh đầu tư tổ chức với quy mô ngày càng lớn, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Thông qua các lễ hội nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh Quảng Trị đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm. Năm 2013, dự án bảo tồn bản cổ truyền thống thôn Kalu tại xã Đakrông, huyện Đakrông được đầu tư với tổng kinh phí hơn 21,9 tỉ đồng. Đối với văn hóa phi vật thể, tỉnh đã tiến hành điều tra, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Pa Kô và Vân Kiều; bảo tồn và phát triển 3 loại hình lễ và lễ hội gồm: Lễ mừng lúa mới, lễ cúng thần làng, lễ đâm trâu; nghệ thuật truyền thống gồm: Dân ca, dân vũ, dân nhạc; các ngành nghề truyền thống: Dệt, đan lát, bài thuốc dân gian...
Bảo tàng tỉnh đã tiến hành nhận diện, điều tra thống kê các di sản văn hóa phi vật thể của 2 tộc người Pa Kô, Vân Kiều; sưu tầm hàng ngàn hiện vật là đồ dùng thủ công truyền thống, đồ gia dụng, công cụ sản xuất, nhạc cụ như: Bộ gõ, bộ hơi, bộ dây, trang phục, trang sức và các loại hình hiện vật săn bắn, hái lượm phục vụ công tác trưng bày nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Việc truyền dạy chế tác và sử dụng nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc như: Ca lơi, cha chấp, oát, xà nớt...; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm “Trường ca dân tộc Pa Kô”; nổi bật là xây dựng các đội văn nghệ và các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian. Gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch được triển khai qua xây dựng quy hoạch phát triển các khu du lịch và lập các dự án đầu tư vào khu dịch vụ làng Vây, khu dịch vụ - du lịch Klu (Đakrông), đẩy mạnh khai thác phát triển chuyên đề du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, đường Hồ Chí Minh huyền thoại…
Để xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển KT - XH, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa Quảng Trị. Tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh toàn dân trong công tác tôn tạo di tích, theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm, vận động sức dân là chính”. Xây dựng các đề án xã hội hóa trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích gắn với khai thác, phát triển du lịch - nhất là các di tích quốc gia đặc biệt có lợi thế; mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng liên kết hợp tác, hình thành các địa chỉ du lịch hấp dẫn gắn với di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tạo lập sự hài hòa giữa quy hoạch phát triển KT - XH, quy hoạch xây dựng nông thôn mới với bảo vệ di sản văn hóa và phong trào xây dựng văn hóa cơ sở. Hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch các di tích quốc gia đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đầu tư, khai thác và phát huy giá trị di tích. Tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp nhằm khuyến khích bảo tồn các giá trị văn hóa đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Di sản văn hóa là tài sản của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau theo hướng tích lũy trong môi trường văn hóa. Hiện nay, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển KT - XH ngày càng trở nên quan trọng. Từ những thành quả đã đạt được, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Quảng Trị sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa và thúc đẩy KT - XH tỉnh ngày càng phát triển.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)