Nhiều người vẫn thắc mắc với tôi rằng “cá kình ở mô không có, răng phải lặn lội về xứ cù lao Bắc Phước ăn món cá kình kho”. Bởi lẽ, nơi đây có một điều gì đặc biệt về hương vị của một loài cá nước lợ mà không phải ở đâu cũng thể có được.
Trước khi vội vã đổ ra biển Đông, dòng phù sa hiếm hoi, chắt chiu của hai con sông thương nhớ Thạch Hãn và sông Hiếu đã kịp bồi đắp tạo nên một rẻo đất cùa lao. Là môi trường nước lợ, nơi đây được tạo hoá ưu ái lắm cá lắm tôm. Vào những thời điểm rộ, cá kình, cá thờn bơn, hay cá me, cá bống thệ đều đổ về. Do đó, bao đời nay những người làm nghề quanh năm sông nước như làng Dương Xuân gắn cuộc đời mình với những chài lưới, con đò và cả dòng sông... Thế nên, nếu nhìn kỹ, những người xuất thân từ làng này có đôi chân nhỏ nhưng hai tay to hơn người làng khác. Người ta bảo do vốn nghề chài lưới nên chèo đò, phăn lưới nhiều hơn đi bộ khiến tay to và chân nhỏ...
Tháng sáu, giữa các nắng oi bức và rít rát của cơn gió nam thổi lên. Cá kình đã vào mùa, như mọi năm tôi lại rủ mấy đứa em con chú về Dương Xuân làm bữa cá kình no bụng. Năm nay thời tiết dễ chịu hơn nên mớ cá kình nào của người dân làng đánh vào đều óng ánh, vàng ruộm. Cá kình sống ở vùng nước lợ, sau khi trưởng thành chúng mới kéo đàn ra vùng biển tìm các bãi san hô, ghềnh đá để sinh sống. Do đó, người sành ăn cá như tôi lại thích lựa những con bằng 3-4 ngón tay. Với kích thước đó, cá mới đạt đến độ béo, thơm và săn thịt.
Để thưởng thức món cá kình kho, chúng tôi lại hẹn nhau dậy từ 5 giờ sáng cho kịp phiên chợ.Những rổ cá vừa mới đánh từ sông lên còn nhảy nhót trong rổ tre. Để có một nồi cá ngon tôi chọn được cỡ hơn chục con dày thịt và không quên mua thêm ít gia vị là củ nén, ít ớt xanh hoặc miếng thơm đi kèm cho ngọt nước.
Để có món cá kình kho bài bản đúng hương vị, phải đúng tay người làng nấu. Và thím tôi là người sành nấu món này. Cá kình không cần làm ruột, chỉ được rửa qua bằng nước sạch. Sau đó nêm gia vị ớt tiêu, nước mắm, muối, bột ngọt vào ướp cho thấm cá.
Với tay nghề kho cá khéo léo của thím thì chỉ cần nêm một lần đã có nồi cá thấm đầy gia vị. Sự gắn bó với sông nước vài chục năm nay, nên thím rất dày dặn kinh nghiệm để chế biến các món cá kho. Sau khi bắc nồi nước già lửa. Thả cá lên cho sôi lại, đập thêm ớt thật cay, ít củ nén nhuyễn cho vào là hoàn thành. Chính cách kho đơn giản nhưng lại là bí quyết để giữ được vị tươi trọn vẹn của cá kình.
Ở cù lao có câu "Cơm cá cha mạ". Ý nói ăn cơm với cá như ở với cha mẹ. Chén cơm nóng chan nước cá kình kho sấp cứ thế mà "lùa", vừa ăn vừa hít hà, vả mồ hôi thì không có gì sánh bằng. Lớp bụng cá lườm mỡ béo ngậy, lẫn hương vị hơi nhẫn của mật cá. Húp nước cá kình nóng hổi cùng cái vị thanh của củ nén, lại thoả mãn vị giác của người sành ăn.
Cách ăn cá kình của người làng ở đây cũng khá đặc biệt, ăn cá phải ăn nguyên bụng mới có vị béo. Thoạt đầu, những ai chưa quen với cách ăn này lại cảm thấy ngây ngấy.
Rong ruổi về Dương Xuân ăn cá kình kho biết bao nhiêu mùa mà học mãi vẫn không kho được nồi cá kình với hương vị đằm đẹ như nồi cá của thím. Mới hay bí quyết nấu món cá kình kho sấp ngoài cách nêm gia vị một cách bí truyền còn phải lấy nước trên đất cù lao nấu mới đúng điệu.
Mới hay, món ngon của một vùng miền không phải tự nhiên có được mà phải trải qua một bề dày trầm tích mang hồn cốt của đất và người.
Cuộc thi tìm hiểu về “Văn hoá ẩm thực trên Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC)” do Xanh EWEC tổ chức đã gia hạn nhận bài đến hết ngày 31/12/2020.
Cuộc thi nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh về văn hoá, con người của các địa phương trên tuyến hành lang Kinh tế Đông – Tây thông qua những món ẩm thực nổi tiếng. Qua đó phát hiện, quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch, kết nối giao lưu giữa các địa phương.
Bài dự thi gửi qua email: xanhewec@gmail.com; Số điện thoại liên hệ: 0906.519.234 – 0976.347.976.
Chi tiết cuộc thi: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/tim-hieu-ve-van-hoa-am-thuc-tren-hanh-lang-kinh-te-dong--tay-2344.html