Cà phê Khe Sanh - Giọt giọt trăm năm

Kiên Đồng |

Nghĩ cũng lạ, nơi lam trùng chướng khí Khe Sanh - Hướng Hóa những năm 20 của thế kỷ 20, người sống chung với thú dữ. Thế mà cây cà phê được người Pháp đưa vào trồng từ rất sớm ở đây, cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Nhưng, mọi thứ như đều có… duyên của nó.


Trăm năm trước đã tới Paris

Sau khi con đường thuộc địa số 9 dài 297km nối từ Đông Hà (Quảng Trị) đến Savannakhet (Lào) xây dựng hoàn thành cuối năm 1922, nhà thực vật học người Pháp Eugene Poilane (1888 - 1964) từng là lính công binh tham gia mở đường qua Khe Sanh, nhận thấy vùng đất này màu mỡ và khí hậu mát mẻ đã quay trở lại đưa cây cà phê Chiari (người dân quen gọi cà phê mít vì lá giống lá mít) đến trồng từ năm 1926. Chỉ 5 năm sau, ở Khe Sanh có 3 đồn điền trồng cà phê mọc lên với tổng diện tích chừng 500ha.

Bên trong mỗi đồn điền cà phê có khoảng 200 - 300 nông phu bị bắt làm nô lệ cho người Pháp. Đồng bào Vân Kiều huyện Hướng Hóa sinh sống dọc hai bên Quốc lộ 9 ngày nay vẫn kể cho con cháu nghe câu chuyện bà đầm tên Camerom (mà người dân quen gọi mụ Rôm), sau khi đến Khe Sanh đã ly hôn với ông chồng người Pháp Eugene Poilane để lấy một công nhân kéo xe người Vân Kiều khỏe mạnh, hiền lành làm chồng, biến người vợ của phu xe này thành nô lệ cho chính chồng, con của mình.

Người dân Khe Sanh thu hoạch cà phê.
Người dân Khe Sanh thu hoạch cà phê.

Người con trai của phu xe đó thì được mụ Rôm cho sang “nước mẹ Pháp” học quân sự để về cai trị đồng bào Vân Kiều ở Hướng Hóa. Phong trào cu li đấu tranh chống lại ách bóc lột hà khắc nhuốm màu thực dân tại đồn điền mụ Rôm nổ ra lan đến các đồn điền khác, máu của đồng bào Vân Kiều đã đổ và nhiều công nhân phản kháng bị trói dưới gốc cây cà phê phơi nắng cho đến chết khô.

Khi Pháp thua cuộc rời khỏi Việt Nam, mụ Rôm theo chân Mỹ đưa con trai của người chồng phu xe sang Mỹ học rồi trở về Khe Sanh chỉ huy đơn vị lính bảo an, lập hàng rào chống cộng bao quanh các đồn điền cà phê ở Hướng Hóa. Năm 1968, Khe Sanh được giải phóng, mụ Rôm rời đi và các đồn điền cà phê của người Pháp bị phá để trồng các loại cây lương thực như khoai, sắn, lúa rẫy…

Lần mò số phận của cây cà phê chốn biên ải mà chiến tranh hai cuộc không một lần quên trút đạn bom xuống, tôi may mắn gặp Hồ Mết (người dân tộc Bru – Vân Kiều), một lão nông năm nay đã trên 90 tuổi. Ông là một trong những cu li cuối cùng của các đồn điền cà phê ở Khe Sanh còn sống. Ký ức chưa phai một thời cay đắng còn nguyên trong bộ nhớ của rừng, rằng thuở mới bén duyên với Khe Sanh, cây cà phê bị người dân nơi đây xem là kẻ thù. Chính thứ cây trồng cho quả ăn không được, nhai vào đắng nghét nhưng quan Tây rất thích này đã làm khổ biết bao thế hệ đồng bào Bru - Vân Kiều huyện Hướng Hóa. Thế là ngấm ngầm lẫn công khai, sự chống đối của người bản địa nổi lên, khiến các ông chủ gặp không ít phiền toái.

Ông Mết ừ à: “Cũng phải thôi, đồng bào người Bru – Vân Kiều xưa nay vốn chỉ quen với săn bắt hái lượm, nay bị buộc vào làm công cho các đồn điền cà phê. Phương thức sản xuất khác biệt, kỹ thuật trồng trọt mới lạ… là những nguyên nhân khiến bà con không mặn mà với cây cà phê”.

Nhưng, như lịch sử còn đó, bao nhiêu cây lạ xứ người có khai sinh hơn thế kỷ ở xứ này, thảy đi theo chân người Pháp rồi ngự trị đàng hoàng xứ An Nam cho đến tận bây giờ. Người Pháp, bằng trình độ không cần phải khen, chỉ ít năm sau, đã đưa cà phê đến từ Khe Sanh lên tàu viễn dương, có mặt trong thực đơn ẩm thực mỗi buổi sáng của người dân Paris.

Vì sao và vì sao?

Người Pháp rời đi, cây cà phê không còn chủ rồi Mỹ tới “chăm” nó bằng bom đạn hủy diệt. Kẻ trải đời như ông Hồ Mết đã từng nghĩ rằng, cà phê Khe Sanh đã xong sứ mệnh lịch sử của nó. Nhưng, đời lắm chữ ngờ…

Dân kinh tế vùng đồng bằng Triệu Phong di cư lên đây khai hoang lập nghiệp sau tháng 4/1975. Cây cà phê có cơ hội mọc mầm, nhưng có lẽ thời khắc đổi đời của nó là vào năm 1978.

Thời điểm đó, Nông trường cà phê Khe Sanh, một trong những mô hình hợp tác xã đầu tiên ở vùng đất biên ải này bắt đầu cho trồng thử nghiệm các giống cây cà phê mới, sau khi các nhà khoa học phát hiện nhiều loại đất ở đây có nguồn dinh dưỡng rất tốt cho sự sinh tồn và phát triển của cây cà phê. Quá trình chọn lọc tự nhiên, giống cà phê Arabica (người dân quen gọi là cà phê chè vì lá giống lá chè) rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây. Và một lần nữa, có ai ngờ…

Cách đây ba năm, “con chiên” của cà phê ngỡ ngàng nghe xướng danh cà phê Khe Sanh ngôi vị quán quân Cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam” năm 2021 do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức và Giải Bạc của Cuộc thi “Coffees Roasted at the Origin” năm 2022, dành cho những nhà sản xuất và chế biến nhỏ trên thế giới do Tổ chức phi chính phủ AVPA (The Agency for the Valorization of Agricultural Products) tổ chức tại Paris, Pháp, sau khi vượt qua gần 200 loại cà phê đặc sản đến từ 25 quốc gia trên thế giới.

Tôi ngồi với Phan Hồng Phong, ông chủ của thương hiệu có tuổi đời ba mùa cà phê “Pun coffee” (Công ty TNHH Pun coffee) ở Km 27, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Đích thân pha cho tôi ly cà phê Arabica tỏa hương thơm quyến rũ của vùng đất Khe Sanh, anh cười tự tin: “Anh uống thử xem. Đây là thứ cà phê đặc sản ngon nhất Việt Nam được trồng ở độ cao kiêu hãnh 600m từ mặt nước biển, nhé!”.

Trâm - vợ của Phong, như đọc được suy nghĩ của tôi, tiếp lời: “Trên thế giới, cà phê Arabica chỉ thực sự phù hợp khi trồng ở độ cao 1.000m trở lên so với mặt nước biển. Lâu nay, nói đến cà phê đặc sản Việt Nam người ta thường nghĩ đó là cà phê Arabica đến từ Cầu Đất của tỉnh Lâm Đồng hoặc cà phê Arabica của Sơn La được trồng ở độ cao lý tưởng trên 1.000m, ít ai biết cà phê Arabica thơm ngon nhất nằm ở Khe Sanh - Quảng Trị”.

Phong là thế hệ thứ ba làm cà phê ở Hướng Hóa, sau người Pháp và những di dân đi kinh tế mới đầu tiên. Anh sinh ra, lớn lên ở thủ phủ cà phê Hướng Phùng, chứng kiến hết thăng trầm sướng khổ của người làm cà phê Khe Sanh.

Năm 2017, doanh nghiệp cà phê lớn nhất Hướng Phùng do cha anh tích cóp gây dựng hơn 20 năm bị phá sản theo giá cà phê lên xuống trên sàn chứng khoán New York (Hoa Kỳ). Niềm tin về kinh doanh và làm giàu với cây cà phê vỡ vụn, Phong lầm lũi bỏ về… nuôi dê trên đồi Pun. Còn Trâm, một người con xứ Quảng, vợ Phong cũng vì mê hương cà phê Khe Sanh mà bỏ phố phường hoa lệ Sài Gòn về làm dâu nơi vùng đất mới Hướng Phùng.

Đau lòng khi thấy những chủ vườn cà phê, vốn nổi tiếng giàu có một thời nay dần bỏ cây cà phê, nhiều đêm, vợ chồng Trâm lặng lẽ ngồi viết mọi thứ ra trên giấy: “Vì sao chúng ta thất bại?”, “Vì sao người làm cà phê Hướng Hóa không thể sống tốt và an nhàn với cây cà phê?”, “Cà phê Khe Sanh rồi sẽ đi về đâu?”… 

Họ nhận ra câu trả lời duy nhất, là chính mình phải là người quyết định thị trường bằng sản phẩm cà phê chất lượng cao, đánh vào “thị trường ngách” thông qua nhu cầu, sở thích hoặc bản sắc riêng biệt của khách hàng. Những thị trường này đem về nguồn lợi cao hơn so với bán hàng đại trà và không phụ thuộc vào giá cà phê lên xuống trên sàn chứng khoán New York.

Muốn hạt cà phê Khe Sanh đứng vững ở phân khúc thị trường khó tính này, điều đầu tiên là phải thay đổi tư duy về cách làm cà phê từ lựa chọn cây giống, trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến trên nền cà phê đặc sản thơm ngon nhất. 

Trong dòng chảy cà phê đặc sản (Specialty coffee), cà phê Arabica luôn được đánh giá cao với hơn 70% lượng tiêu thụ cà phê trên thế giới là Arabica. Việt Nam đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu cà phê, sau Brazil, nhưng cà phê Arabica chỉ chiếm thiểu số với sản lượng 5%. Quảng Trị là một trong 8 tỉnh được Bộ NN&PTNT chọn để xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam với diện tích khoảng 60ha cà phê Arabica ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, nhằm tăng khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Lại một lần nữa đi… Tây

Cà phê Khe Sanh có tuổi 100 năm, nhưng đến khi Pun coffee được xướng tên ngôi vị quán quân ở cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam” năm 2021 thì vùng trồng cà phê nổi tiếng này mới được chú ý. Nó chưa có tên trên thị trường cà phê Việt Nam, phải chăng “bụt nhà không thiêng”?

Ít ai biết cà phê Arabica thơm ngon nhất nằm ở Khe Sanh.

Đó là câu hỏi tôi “quẳng” cho Phong. Đáp lại, giọng anh buồn buồn, rằng anh lên Khe Sanh vào mùa cà phê sẽ thấy bà con nông dân thu hái cà phê nhanh như một cơn lốc. Phần lớn doanh nghiệp thu mua cà phê ở đây cũng sẵn sàng thu mua cà phê quả còn xanh được bà con tuốt về, nếu giá cà phê lên cao. Cách thu hái và kinh doanh cà phê đó làm cho chất lượng cà phê thấp, khó bán ra thị trường. Dần dần, cà phê Khe Sanh được doanh nghiệp cà phê của địa phương khác thu mua lại để phối trộn làm tăng sản lượng và đánh mất thương hiệu.

Không thể chấp nhận kiểu làm ăn đó, như thể được trời thương, họ may mắn kết nối với chuyên gia Lê Trung Hưng - Trưởng đại diện Công ty Inter-Kom S.p.a tại TP.HCM và chuyên gia Nguyễn Tấn Vinh - Giám đốc Công ty Kpan, những người tâm huyết xây dựng cà phê đặc sản Việt Nam. Pun coffee mời các chuyên gia này về đào tạo chế biến cà phê chất lượng cao cho cho bà con nông dân.

Từ những kiến thức thu lượm được, Pun coffee và Nhóm cà phê đặc sản Quảng Trị do Pun coffee đứng ra thành lập đã mang các mẫu cà phê Arabica chế biến Natural và chế biến Honey tham gia cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam” 2021 và chiến thắng như đã nói.

Giám khảo “chẻ” ra coi, thì bất ngờ đặc biệt, qua text mẫu cho ra kết quả cà phê Arabica Quảng Trị có dải hương phong phú, với 12 nốt hương, gồm: Sô-cô-la, ca-ra-men và nhóm trái cây nhiệt đới như xoài, chanh leo, điều, ổi hồng, mít, dứa, dâu tây, rượu nho, đinh hương, hồng trà. Đây là nét đặc sắc làm cho hậu vị của cà phê Arabica Khe Sanh tỏa hương thơm quyến rũ không nơi nào có được.

Nhưng nhóm thành lập ba mùa thì có bốn đợt Covid-19 hoành hành, thách thức những nỗ lực của người nhà Pun coffee. Hàng hóa không xuất được theo con đường truyền thống vì dịch bệnh, Pun xoay qua tiếp cận nhờ giới thiệu bán hàng kênh đại sứ quán, và kết quả vượt ngoài mong đợi. Đơn hàng các nước tới tấp gửi về.

Cũng vào cuối năm 2021, sau hơn 2 năm đàm phán, Công ty TL Group LLC của Hoa Kỳ đã ký kết hợp đồng độc quyền phân phối 2 tấn cà phê Arabica Khe Sanh do Công ty TNHH Pun coffee cung cấp, mở ra cơ hội đưa cà phê Khe Sanh tiếp cận thị trường khó tính của Hoa Kỳ.

Chuyện dài, và họ không làm cho riêng nhà mình. Đi cùng họ qua bao nổi nênh của ly cà phê Pun là hàng trăm hộ dân Hướng Phùng. Nói không quá lời, nhìn ly cà phê Khe Sanh, thấy cả mồ hôi của bà con Vân Kiều chốn này. Khách về đây sẽ được trải nghiệm sản phẩm cà phê đặc sản mang sắc màu văn hóa đồng bào Vân Kiều, cùng tham gia trồng và chế biến với Pun coffee theo đúng nghĩa “Farm to cup” - từ nông trại đến ly cà phê.

Vợ chồng anh còn cho hay, Pun coffee hướng đến kinh doanh theo tiêu chuẩn “Fair trade” (thương mại công bằng) trên cà phê nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân cùng làm với Pun coffee. Đồng thời, Pun coffee tiến hành xây dựng điểm trải nghiệm cà phê đặc sản Khe Sanh trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây gắn với mô hình trồng cà phê hữu cơ để quảng bá du lịch và kể về hành trình cà phê đặc sản Quảng Trị.

Tôi nhìn phin cà phê kiên nhẫn rơi từng giọt, ôi trăm năm ngó lại như vòng quay đời người, không dứt…

TAGS

Năm 2024 toàn tỉnh sẽ tái canh 130 ha cà phê

Lê An |

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương cho biết, theo kế hoạch, năm 2024 toàn tỉnh sẽ tiếp tục tái canh 130 ha cà phê. Trong đó, tái canh trồng mới 110 ha; thực hiện cải tạo, phục hồi trồng xen ghép cây ăn quả 20 ha.

Góp phần thực hiện đề án tái canh cây cà phê ở Hướng Hóa

Phan Việt Toàn |

Nhằm góp phần thực hiện đề án tái canh cây cà phê của tỉnh, từ năm 2020 -2022 Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã xây dựng mô hình “Tái canh cây cà phê chè trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị)”. Đến nay, kết quả cho thấy các giống cà phê mới thích nghi tốt, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Cà phê công nghệ, xu hướng độc đáo của giới trẻ

Nguyễn Minh Đức |

Ngày nay, người ta đến một quán cà phê không đơn giản chỉ để gọi một thức uống, một tách cà phê mà còn để trải nghiệm những điều thú vị hơn. Tại Quảng Trị đã xuất hiện xu hướng cà phê công nghệ mang tên LocaCafe với đầy đủ công cụ trải nghiệm dịch vụ chuyển đổi số, kết hợp giữa công nghệ thực tế ảo VR/AR với những đồ uống thế hệ mới hấp dẫn vị giác, thu hút nhiều người yêu thích cà phê và đam mê công nghệ...

Giới trẻ khởi nghiệp với xe cà phê mang đi

Hoài Nhung |

Khoảng vài tháng nay, dọc các tuyến phố, góc đường từ thành phố đến các huyện, thị xã trong tỉnh, dễ dàng bắt gặp những xe cà phê lưu động mà người mua, bán hầu hết là giới trẻ. Với quy mô nhỏ, hình thức kinh doanh ưu tiên sự tiện lợi, giá cả phải chăng dành cho nhiều đối tượng khách hàng, mô hình cà phê mang đi (cà phê take away) đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn để khởi nghiệp, tạo dựng thương hiệu riêng.