Khoảng vài tháng nay, dọc các tuyến phố, góc đường từ thành phố đến các huyện, thị xã trong tỉnh, dễ dàng bắt gặp những xe cà phê lưu động mà người mua, bán hầu hết là giới trẻ. Với quy mô nhỏ, hình thức kinh doanh ưu tiên sự tiện lợi, giá cả phải chăng dành cho nhiều đối tượng khách hàng, mô hình cà phê mang đi (cà phê take away) đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn để khởi nghiệp, tạo dựng thương hiệu riêng.
Sáng thứ 2 đầu tuần tại một góc nhỏ trên vỉa hè đường Hàm Nghi, TP. Đông Hà (Quảng Trị) chiếc xe đẩy của Nguyễn Thị Hồng Thủy (sinh năm 1995) khá tấp nập người ghé mua cà phê mang đi. Chiếc xe được bài trí đơn giản, chỉ có menu dán quanh xe và trang trí vài chậu cây treo nhỏ xinh, bán đầy đủ các loại cà phê: bạc xỉu, muối, sữa... Các loại thức uống với giá chỉ từ 10- 30 ngàn đồng được đựng trong cốc giấy hoặc cốc nhựa cho khách hàng mang đi một cách nhanh gọn nhất.
Hồng Thủy cho biết, ban đầu xe cà phê của mình có tên gọi Dimori Coffee. Chiếc xe này do bạn Lý Thanh Nga sáng tạo nên từ cách pha chế đến việc đầu tư đóng xe đẩy cùng các dụng cụ, thiết bị và nguyên liệu cần thiết khác để bán hàng với số vốn chỉ tầm 7 triệu đồng.
Đến nay, Thủy là người trực tiếp bán hàng tại TP. Đông Hà, còn bạn cô tiếp tục phát triển thương hiệu, giao hàng ở các tỉnh, thành khác. Mô hình kinh doanh này có ưu điểm lớn là người bán có thể chủ động về thời gian, linh hoạt trong giao, nhận hàng. Vì thế Thủy và những người bạn của mình đã lựa chọn thử sức với việc kinh doanh cà phê lưu động.
“Mình chọn địa điểm đặt xe cà phê là vỉa hè góc ngã tư đường gần nhiều quán ăn sáng, dễ dừng đỗ xe để khách hàng có thể ghé mua thuận tiện hơn. Vì không có không gian rộng rãi nên ưu tiên khách mua mang đi chứ không ngồi tại chỗ.
Khách hàng của mình chủ yếu là giới trẻ, học sinh, giáo viên, nhân viên văn phòng. Trung bình mỗi buổi sáng, mình bán được từ 50-60 ly cà phê đủ loại và bán thêm bánh que chấm kem trứng - một món ăn vặt khá hấp dẫn.
Hiện nay, trên địa bàn TP. Đông Hà xuất hiện ngày càng nhiều xe cà phê mang đi nên tính cạnh tranh khá cao, tuy nhiên mình nghĩ nếu đồ uống, dịch vụ của mình có sự đặc biệt, tiếp cận kịp thời các loại cà phê “hot” trong giới trẻ thì sẽ là bí quyết giữ chân được khách hàng”, “cô chủ 9x” chia sẻ.
Cũng lựa chọn mô hình cà phê take away để kinh doanh, Nguyễn Mai Lan (sinh năm 1987) tại TP. Đông Hà đã thành công khi phát triển được chuỗi xe cà phê lưu động trên nhiều tỉnh, thành của miền Trung. Mai Lan cho biết: Xuất phát từ nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay là luôn lấy sự tiện lợi, nhanh gọn đặt lên hàng đầu, mình đã thực hiện ý tưởng kinh doanh chuỗi xe cà phê lưu động với thương hiệu “Cà phê muối LA”.
Mỗi điểm bán chỉ đơn giản, gọn nhẹ với 1 xe đẩy và một nhân viên, đến nay trên khắp các tỉnh, thành từ Hà Tĩnh tới TP. Đà Nẵng, Mai Lan sở hữu tầm 200 xe cà phê mang đi. Tại Quảng Trị, cà phê muối LA có khoảng 40 điểm bán ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, riêng TP. Đông Hà có 10 xe cà phê đặt tại các góc vỉa hè những tuyến đường lớn như Hùng Vương, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt...
Ngoài mặt hàng chính là cà phê muối, Mai Lan còn bán sữa bắp, sữa gạo, cà phê đóng chai giá cả phải chăng được nhiều bạn trẻ yêu thích.
Những ngày lễ, cao điểm tại TP. Đông Hà, các địa điểm bán cà phê của cô “cháy” mặt hàng cà phê muối. Mai Lan cũng chia sẻ thêm, nếu đam mê và thực sự chịu khó trong khởi nghiệp, các bạn trẻ nên thử sức với mô hình này vì không cần quá nhiều máy móc hiện đại, không thuê mặt bằng và không cần nhiều nhân công.
Đồng thời hình thức bán hàng này dễ quản lý và thu hồi vốn so với kinh doanh cà phê truyền thống. Tuy nhiên, cần phải đặc biệt lưu ý đến những khó khăn có thể gặp phải như ảnh hưởng doanh thu nếu thời tiết xấu, việc kinh doanh không được lấn chiếm lòng lề đường và phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
Việc kinh doanh chuỗi cà phê take away của Mai Lan cũng từng gặp rất nhiều ngày bán chậm, thời tiết mưa nắng thất thường ảnh hưởng, thế nhưng theo cô, điều hạnh phúc nhất của một người trẻ khởi nghiệp là mang được những ly cà phê gọn nhẹ, chất lượng đến tay nhiều đối tượng khách hàng, ở khắp các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh và nhận được phản hồi tích cực.
Anh Duy Ánh, giáo viên ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, chia sẻ: “Công việc của tôi những ngày trong tuần khá bận rộn, vì vậy tôi thấy việc mua cà phê mang đi tại những xe cà phê lưu động rất tiện lợi, tiết kiệm công sức, chi phí. Ban đầu thấy mô hình này do các bạn trẻ kinh doanh, tôi ghé vào ủng hộ, sau vài lần uống thấy hương vị khá ngon. Những chiếc xe gọn nhẹ, trang trí bắt mắt đem đến cho khách một trải nghiệm hoàn toàn mới khi có thể trực tiếp nhìn thấy người bán pha chế hoặc xay cà phê, được cảm nhận hương thơm từ ly cà phê mới xay. Dần dần cũng thành quen và tôi thích ghé góc đường mua một sản phẩm mang đi, trò chuyện vài câu trước khi bắt đầu ngày làm việc mới. Đó cũng là một cách tạo nguồn năng lượng tích cực”.
Câu chuyện khởi nghiệp với “cà phê take away” của nhiều bạn trẻ cũng gặp không ít khó khăn, đòi hỏi các bạn trẻ phải thật sự kiên trì và quyết tâm với lựa chọn của mình.
Sẽ không đơn giản từ việc học cách pha một ly cà phê đến cách quản lý nguồn thu, lợi nhuận hay chi phí, cách chọn địa điểm sao cho hợp lý, thuận đường, thu hút khách và đảm bảo an toàn giao thông cho khách dừng mua hàng...
Vì thế sự ủng hộ của khách hàng sẽ là nguồn động viên, khích lệ để những bạn trẻ kiên trì theo đuổi ước mơ khởi nghiệp của mình.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)