Cải tạo không gian nhà cổ tại Làng Đường Lâm

PV |

Từ những dãy ki-ốt nhếch nhác, những ngôi nhà bỏ hoang nhiều năm ở Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) gây lãng phí tài nguyên văn hóa, mất mỹ quan làng cổ, người dân với sự hỗ trợ của Ban quản lý Di tích đã cải tạo thành những không gian sáng tạo ý nghĩa nhằm phục vụ hiệu quả nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách.

Qua đó, góp phần thúc đẩy các hoạt động sáng tạo của Hà Nội khi địa phương đang hiện thực hóa cam kết gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

 
 
Ngày 8/4, không gian trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo Đoài Creative - không gian sáng tạo đầu tiên của Làng cổ Đường Lâm chính thức ra mắt tại thôn Mông Phụ (vùng lõi của di sản). Trước đó, đây là một dãy ki-ốt 7 gian lợp ngói với diện tích khoảng 100 m2, được xây dựng làm nơi bán hàng, chỗ rửa xe đã xuống cấp từ nhiều năm qua.

Trước thực trạng đó, với sự hỗ trợ của Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm, một người dân đã thuê lại, cải tạo thành không gian sáng tạo phục vụ trẻ em làng cổ và du khách đến tham quan. Kiến trúc được cải tạo mang đậm nét văn hóa truyền thống xứ Đoài, hài hòa với không gian chung của làng cổ.

Nhà thiết kế Khuất Văn Thắng, chủ của không gian sáng tạo, đồng thời cũng là một người dân đang sinh sống tại Làng cổ Đường Lâm cho biết, khi thấy dãy ki-ốt không sử dụng hiệu quả, anh đã thuê lại để tổ chức các hoạt động sáng tạo và dịch vụ phục vụ khách du lịch. Việc cải tạo dãy nhà dựa trên nền tảng cơ bản vốn có, vẫn giữ kết cấu cũ và chỉ quy hoạch kiến trúc tối thiểu.

Nhà thiết kế đã đưa thêm ý tưởng sáng tạo, khai thác những vật liệu cũ tận dụng được, sử dụng nguyên liệu thân thiện, gần gũi của Đường Lâm và sắp đặt, tổ chức lại cho đúng công năng hoạt động. Bức tường gạch xây trát vữa cũ được đắp lại bằng đất trộn rơm theo phương thức truyền thống của nhà nông thôn vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Đoài Creative là nơi trình diễn nghệ thuật, workshop, phát triển sáng tạo và một số dịch vụ phục vụ du khách khi đến thăm làng cổ. Các hoạt động sáng tạo đều dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của Làng cổ Đường Lâm. Cụ thể, khách được nặn đất và vẽ trên ngói mũi hài (ngói cũ của Đường Lâm).

 
 
Trong những ngày đầu ra mắt không gian sáng tạo, du khách, đặc biệt là các em nhỏ đã được tham gia hai hoạt động trải nghiệm gồm: tìm hiểu về ngói mũi hài và nặn tạo hình, vẽ trên nền ngói cũ; tham quan, trải nghiệm văn hóa Đường Lâm.

Ngoài ra, khách du lịch còn được trải nghiệm không gian làng cổ với các nghề thủ công, ẩm thực truyền thống, chụp ảnh lưu niệm… Trẻ em và khách nước ngoài đều hào hứng khi tham gia trải nghiệm, thậm chí có du khách nước ngoài sau khi hoàn thành sáng tạo vẽ trên ngói đã đề nghị được mang về nước làm kỷ niệm.

Không gian sáng tạo Đoài Creative hoạt động cả tuần nhưng tập trung vào ngày thứ 7 với trung bình 2 - 3 ca trải nghiệm sáng tạo. Các ngày khác trong tuần, không gian vẫn mở cửa phục vụ du khách đến sử dụng dịch vụ du lịch khác nếu có nhu cầu trải nghiệm hoạt động sáng tạo sẽ được hỗ trợ. Thời gian tới, Đoài Creative sẽ tổ chức thêm hoạt động tập trung cả ngày Chủ nhật. Nhà thiết kế Khuất Văn Thắng đang có ý tưởng phát triển thêm mô hình trải nghiệm cho trẻ em sinh hoạt ngoại khóa vào hai ngày cuối tuần tại Làng cổ Đường Lâm nhưng hiện chưa có quỹ đất.

Theo Trưởng Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo, không gian trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo Đoài Creative là điểm giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống làng cổ đến du khách, để khách trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn. Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm luôn đồng hành với các hoạt động trên và định hướng cho người dân phát triển các mô hình sáng tạo, giúp giới thiệu, đưa khách đến địa phương tham quan, trải nghiệm.

Trưởng Ban Quản lý Di tích Làng cổ khẳng định, Ban Quản lý có thể vận động cải tạo những ngôi nhà cũ để trống hoặc có kiến trúc không phù hợp thành không gian sáng tạo với các chủ đề đặc sắc và đa dạng gắn kết với đời sống, văn hóa, lịch sử làng cổ… phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách, góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến di sản, tăng thu nhập cho người dân.

(Nguồn: Ngày nay)

 

TAGS

Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới gợi ý 5 trải nghiệm tuyệt vời khi du lịch Việt Nam

Thanh Mai |

Brekke Fletcher, một cây bút chuyên về du lịch, đã nói về 5 trải nghiệm mà cô đã chọn lọc trong suốt hành trình du lịch Việt Nam.

Diễn đàn kết nối thúc đẩy đầu tư, thương mại du lịch Lào - Việt Nam - Thái Lan

Phạm Mỹ Hạnh |

Ngày 10/4, tại thành phố Pakse, tỉnh Champasak (Lào), Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phối hợp với chính quyền tỉnh Champasak tổ chức Diễn đàn kết nối thúc đẩy đầu tư, thương mại du lịch Lào - Việt Nam - Thái Lan. Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Champasak Vi lay vông Bút đa khăm; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng; Tổng lãnh sự Việt Nam tại Pakse Nguyễn Văn Trung cùng lãnh đạo, doanh nghiệp, nhà đầu tư của 3 nước Lào - Việt Nam - Thái Lan tham dự diễn đàn.

Các doanh nghiệp du lịch sẵn sàng cho mùa cao điểm

Thu Hạ |

Để đón mùa cao điểm du lịch năm 2023, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang khẩn trương hoàn tất các điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, nhân lực nhằm thu hút du khách đến tham quan, khám phá và trải nghiệm.

Giá vé máy bay "leo thang" trước dịp nghỉ lễ khiến du lịch nội địa gặp khó

Thanh Mai |

Giá vé máy bay chặng nội địa quá cao khiến du khách chuyển sang đi du lịch nước ngoài, du lịch nội địa càng gặp khó hơn.