Cảng quân sự Đông Hà - Di tích quốc gia đặc biệt bên bờ sông Hiếu

Nhơn Bốn |

Nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cảng quân sự Đông Hà được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 934/QĐ-TTg ngày 14/6/2021. Rồi mai đây, nơi này sẽ trở thành điểm giới thiệu và giáo dục cho các thế hệ mai sau về lịch sử đấu tranh giữ nước vẻ vang của dân tộc, đồng thời góp phần tạo cảnh quan sinh thái bờ Nam sông Hiếu cũng như cảnh quan kiến trúc đô thị của thành phố Đông Hà và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh Quảng Trị.

Cảng quân sự Đông Hà nằm ở bờ Nam sông Hiếu, thuộc địa phận Phường 2, thành phố Đông Hà. Di tích này được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 236/QĐ-VH ngày 12/12/1986. Năm 2013, theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Cảng quân sự Đông Hà được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích đặc biệt thuộc hệ thống di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg.

Một góc Cảng quân sự Đông Hà - Ảnh: N.B
Một góc Cảng quân sự Đông Hà - Ảnh: N.B

Trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, sau khi cụm cứ điểm Đông Hà bị tiêu diệt, Cảng quân sự Đông Hà nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền cách mạng và trở thành một trong những nơi tập kết, giao nhận hàng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, trước khi vận chuyển vào phía Nam. Trước nhu cầu ngày càng cao của việc vận chuyển hàng hóa cho chiến trường miền Nam và phát huy vị trí chiến lược của một cảng sông, ngày 1/3/1973, Hội đồng Chính phủ ra lệnh thành lập Ban lãnh đạo cảng Đông Hà nhằm chỉ đạo việc xây dựng cảng thành nơi trung chuyển hàng hóa giữa tuyến vận tải thủy theo đường Hồ Chí Minh trên biển với tuyến vận tải bộ bằng cơ giới theo đường Trường Sơn.

Lực lượng vận chuyển theo đường thủy do đoàn tàu Hồng Hà dùng tàu VSSO của Cục Vận tải đường biển chuyển hàng hóa, vũ khí từ Hải Phòng vào Cửa Việt rồi cập bến và giao hàng tại cảng Đông Hà. Lực lượng bốc xếp là Tiểu đoàn 160, Binh đoàn 559 làm nhiệm vụ bốc chuyển hàng ở cảng đưa đến nơi tập kết tại các kho nằm dọc Đường 9 từ Đông Hà lên Cam Lộ. Từ đó, hàng hóa tiếp tục được vận chuyển bằng ô tô theo Đường 9 đến cầu Đakrông rồi nhập vào Đường 14 đi A Lưới vào miền Nam trên hệ thống đường Trường Sơn. Một lượng lớn vũ khí, đạn dược, thuốc men, nhu yếu phẩm từ hậu phương miền Bắc đã qua cảng Đông Hà để vào chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cho biết: “Di tích quốc gia đặc biệt Cảng quân sự Đông Hà thuộc hệ thống di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Di tích này sẽ trở thành điểm giới thiệu và giáo dục cho các thế hệ mai sau về lịch sử đấu tranh giữ nước vẻ vang của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng; góp phần tạo cảnh quan sinh thái bờ Nam sông Hiếu cũng như cảnh quan kiến trúc đô thị của thành phố Đông Hà, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh”.

Sau năm 1975, Cảng quân sự Đông Hà vẫn còn được sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế nhưng ở quy mô nhỏ và chủ yếu là phục vụ về mặt thương mại. Hiện nay, Cảng quân sự Đông Hà đã xuống cấp trầm trọng, không phát huy được giá trị lịch sử, văn hóa, thương mại vốn có. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cảng quân sự Đông Hà nhằm phát huy những thế mạnh của cảng này. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích khoảng 8,2 ha, thuộc địa phận Phường 2, thành phố Đông Hà. Ranh giới lập quy hoạch phía Bắc giáp sông Hiếu, phía Nam giáp đường Bùi Thị Xuân, phía Đông giáp Hải đội 2 - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, phía Tây giáp khách sạn Sài Gòn - Đông Hà.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam khảo sát thực tế tại Cảng quân sự Đông Hà - Ảnh: N.B
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam khảo sát thực tế tại Cảng quân sự Đông Hà - Ảnh: N.B

Khu vực nghiên cứu nằm ngay sông Hiếu - là trục trung tâm để phát triển đô thị Đông Hà. Vị trí Cảng quân sự Đông Hà có chức năng là địa điểm đánh dấu di tích, bảo tồn hiện vật gốc, xây dựng công viên cây xanh và bến thuyền phục vụ du lịch. Vị trí này sẽ trở thành không gian văn hóa, cảnh quan bên bờ sông, đồng thời là nơi đầu mối giao thông phục vụ cho du lịch. Trên cơ sở đó, tính chất phát triển của nghiên cứu được xác định gồm: Trục cảnh quan bên bờ sông Hiếu, bố trí đường dạo ven sông; khu vực cây xanh; khu vực bảo tồn một số hiện vật gốc, bia đài di tích; khu vực bến thuyền phục vụ du lịch. Phương án cơ cấu quy hoạch đó là đáp ứng bảo tồn một số hiện vật gốc Cảng quân sự Đông Hà, đồng thời xây dựng công viên cây xanh kết hợp với bia đài di tích và bến thuyền tạo thành một quần thể di tích văn hóa, du lịch hiện đại. Giải pháp cơ cấu tổ chức quy hoạch bao gồm: Tháo dỡ nhà kho đã có; giữ nguyên các di tích lô cốt, một phần bến nghiêng và phục dựng một đoạn kè. Từ đường Bùi Thị Xuân mở một số đường đi dạo nội bộ; xây dựng hệ thống vườn hoa, các khu chức năng mang tính thẩm mỹ cao...

Anh Nguyễn Thanh Nắng (33 tuổi), một người dân ở Phường 2, TP. Đông Hà cho biết: “Từ thuở nhỏ, tôi thường đến Cảng quân sự Đông Hà chơi đùa cùng chúng bạn và được nghe người lớn tuổi kể về những chiến công hào hùng của quân, dân ta trong quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc tại địa điểm này. Nhưng hiện nay, cơ sở vật chất nơi đây quá xuống cấp, hoang tàn, hầu như không có hoạt động buôn bán, giao thương gì. Hay tin Cảng quân sự Đông Hà sẽ được xây dựng, tôn tạo, tôi rất vui và hy vọng nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng của nhiều người yêu chuộng cái đẹp và hòa bình”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Công bố thông tin dự án Cảng hàng không Quảng Trị

B.A |

Ngày 27/12, UBND tỉnh Quảng Trị có Thông báo số 214/TB-UBND về việc công bố thông tin dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Việt Nam có "siêu cảng" thông minh đầu tiên mang tầm quốc tế ở Vĩnh Phúc

Thanh Mai |

Siêu cảng này nằm trong quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn và trung tâm logistics Việt Nam giai đoạn 2020, định hướng tới năm 2030.

Thủ tướng đồng ý xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức PPP

T.L |

Ngày 20/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2148/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP).​

Đề xuất huy động 90.000 tỷ làm đường sắt kết nối cảng biển

Thanh Mai |

Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất kêu gọi đầu tư nước ngoài theo hình thức tài trợ vốn, hợp tác hoặc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật....