Cao nguyên đá mùa xuân

Trang Đào |

Mùa này, trong những bản làng H’Mông đầm ấm, những ngôi nhà trình tường chuyển màu vàng sậm trong mưa xuân lất phất.

Cao nguyên đá Hà Giang mùa nào cũng đẹp, nhưng cuối xuân, đầu hạ thì đặc biệt đẹp và tình hơn cả. Vào cái tiết trời giao mùa xốn xang ấy, những cây gạo cổ thụ lừng lững mọc bên vách đá tai mèo bỗng bung nở những bông hoa đỏ rực như thắp lửa lên bầu trời. Sắc đỏ kiệt cùng ấm áp của hoa như xua đi cái xám lạnh buồn tẻ của đá núi, để những thiếu nữ người Mông xúng xính váy xoè đi xuống chợ.

 
Ảnh: Điếu Cày 

Vào những ngày này, cả miền cao nguyên đá như đắm chìm trong nem rượu ngô nồng đượm, như ngây ngất trong tiếng kèn môi, kèn lá réo dắt, dìu dặt. Trên những mỏm đá tai mèo, lẫn giữa màu xanh của rừng, màu xám của đá, màu vàng của những rực của những ruộng hoa cải dầu, người ta thấy xập xèo những tấm váy thổ cẩm, hoa văn sặc sỡ như bầy bươm bướm đủ mầu, đem sức sống phồn thực, tươi vui đến cho mảnh đất vốn quanh năm cỗi cằn, rặt những đá và đá.

Mùa này, người ta cũng thấy những cô vợ người Mông khoẻ khoắn, làn da au đỏ như đồng, bắp chân chắc nịch, tròn lẳn như cây gỗ rừng, đủng đỉnh dắt theo con ngựa lùn giống bản địa béo tốt, trên ấy nằm vắt vẻo một anh chồng say mèm, mềm như sợi bún, ngược dốc trở về ngôi nhà trình trường mãi bên kia ngọn núi. Họ cứ đi như thế, thong dong, từ tốn như thể thời gian mới là thứ phải chờ đợi họ.

Và mùa này, trong những bản làng H’Mông đầm ấm, những ngôi nhà trình tường chuyển màu vàng sậm trong mưa xuân lất phất. Trước cửa nhà nào cũng được troang hoàng bằng những tấm giấy đỏ mang đầy không khí hội hè. Trên những mái ngói xanh rêu lúc nào cũng vấn vít, bảng lảng một sợi khói lam rất mảnh. Ấy là khói nấu rượu. Những mẻ rượu ngô men lá cay nồng, ấm sực, chứa chan lòng mến khách và tình cảm thật thà, bộc trực của người miền ngược, đủ khiến người ta chỉ nghe hơi thôi mà cũng lảo đảo, say sưa quên lối về.

Trên những khoảng đất trống rộng rãi, những đám thanh niên trai gái túm năm tụm ba quanh những con cù quay tít, những điệu múa khèn thiết tha… rồi cười khúc khích, trao nhau những ánh mắt điệu đàng, những nụ cười tình tứ như là tín hiệu của một buổi hò hẹn, yêu đương.

Ảnh: Điếu Cày
Ảnh: Điếu Cày

Trên những con đường trải nhựa quanh co ôm lấy những sườn núi, chênh vênh giữa lưng chừng trời, người ta thấy những người dân tộc vận áo quần đẹp đẽ, hối hả đeo gùi xuống chợ. Trong chiếc gùi nâu bóng màu thời gian ấy, có khi chỉ là mấy quả bí xanh, mấy túm ngô nếp… nhưng không bao giờ thiếu một cái gương và một chiếc lược để làm duyên trước khi vào chợ.

Chợ phiên họp vào mỗi cuối tuần, đặc biệt rộn ràng vào tiết xuân với sắc váy áo xập xoè, rực rỡ; đặc biệt huyên náo với tiếng xủng xoẻng vui tai của những đồng khoen bạc trang trí trên áo quần, tiếng lộc cộc trầm ấm của mõ trâu, tiếng leng keng lảnh lót của chuông đồng trên cổ những chú chó con.

Đây đó trong khu chợ, trong khi những chú chó con rụt rè rúc đầu vào chân chủ thì đám lợn cắp nách, con nào con nấy béo tròn như quả dưa hấu lại lăng xăng sục xạo tìm đồ ăn; còn đám gà trống choai thì vỗ cánh phành phạch, cất tiếng gáy le te khoe bộ mã mới trổ. Những con trâu lực lưỡng, sừng cong vút như cánh cung thì uể oải nằm nhai cỏ, chờ người ta đến xem, thì thào trả giá… Chợ phiên vùng cao dường như chẳng phải nơi hội hè của riêng loài người.

Người ta mang hàng đến chợ, buôn bán có lẽ chỉ là cái cớ, vì dẫu không mua được gì, không bán được gì thì cũng rất vui, rất hỉ hả. Nơi đông vui nhất trong chợ là hàng bán rượu và thắng cổ. Bên những dãy bàn, những băng ghế dài đóng tạm bằng mấy súc gỗ thô, mấy anh Mông la đà cạn những bát rượu sành to như trong phim Thuỷ Hử, xì xụp múc những bát thắng cố nóng hổi bốc hơi nghi ngút, thơm lựng mùi thảo quả pha lẫn chút ngai ngái đặc trưng của lòng trâu, lòng ngựa. Mặt ai nấy đều phừng phừng đỏ lựng, tiếng nói cười rổn rảng, vang cả một khoảng núi rừng. Đám trẻ con cũng theo chân người lớn đi chợ, rồi túm tụm quanh những chảo bánh ngô, bánh mật đang lăn tăn sôi, ánh mắt thèm thuồng, háo hức.

Ảnh: Điếu Cày
Ảnh: Điếu Cày

Mùa xuân cứ thế dông dài, nối nhau bằng những lễ hội, tập tục và kết thúc khi người ta bắt đầu lên nương trỉa ngô, lên núi cắt cỏ. Song có lẽ dư âm của những ngày lễ tết xốn xang vẫn lẩn quất đó đây, như hơi rượu lâng lâng, như khói bếp oi nồng ướp trong vạt áo, khiến cho những công việc đồng áng chăn nuôi thường nhật dường như có chút gì khác lạ, nhanh nhẹn và nhẹ nhõm hơn, với niềm tin vào một vụ mùa mới sung túc, ấm no hơn.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

TAGS

Lời chúc 8.3 cho phái đẹp hay và ý nghĩa nhất

Hạ Mây |

Nhân ngày quốc tế Phụ nữ, hãy dành tặng những lời chúc 8.3 thật hay và ý nghĩa đến với những người phụ nữ thân yêu của bạn.

Phụ nữ Quảng Trị chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn

Trúc Phương |

Năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành các nội dung đã ký cam kết trách nhiệm với BTV Tỉnh uỷ và người đứng đầu Hội LHPN tỉnh. Đó là kết quả sự nỗ lực của Hội LHPN tỉnh nhằm xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho chị em hội viên và góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tự nhiên của cô bé người Pa Kô

Thiên Sơn - Họa My |

Cô bé người Pa Kô Hồ Thị Khánh Huyền sinh ra và lớn lên tại xã A Bung (Đakrông, Quảng Trị) sở hữu vẻ đẹp tự nhiên, rạng ngời đã khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.

Vẻ đẹp của những cung đường đèo, dốc trên Cao nguyên đá

Ngô Hải |

Vẻ đẹp của cao nguyên đá Hà Giang không chỉ có những mùa hoa nở lãng mạn, mộng mơ, mà còn ở những cung đường hùng vĩ, gập ghềnh, hiểm trở.