Xã Hải Phú (Hải Lăng, Quảng Trị) là vùng đất có địa hình mang đậm triết lý phong thủy phương Đông. Người xưa quan niệm: "Nhà hướng nam, không làm cũng có ăn". Đất hai làng Long Hưng và Phú Hưng của xã Hải Phú vốn được hình thành chủ yếu do phù sa của dòng Thạch Hãn lắng đọng, bồi tụ nên, lại định vị theo hướng chính nam, thuận cả ba tiêu chí: "Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ".
Địa linh sinh nhân kiệt, đất Hải Phú vốn đã thuận thiên, lòng người lại khoáng đạt nên con cháu muôn đời được hưởng phúc, ấy là nhân hòa vậy.
Xưa Lang Liêu nghe lời mách bảo của một vị thần, làm bánh chưng bánh giầy dâng vua cha mà được truyền ngôi, là bởi trong bánh đã gói gọn cả đất trời, cả lòng người, nhân đức muôn đời đủ cả. Người Hải Phú cũng lấy đó mà sáng tạo ra món cháo đúc, chủ yếu dùng trong các ngày giỗ chạp của gia đình, dòng họ.
Cháo đúc, khác với món bánh đúc hay cháo đặc các nơi khác thường làm. Không ngâm hay xay gạo, hoàn toàn không hàn the, vị lại đậm đà, màu tự nhiên của rau mùi bắt mắt, ăn chỉ tính no, tính đã thèm, không tính ngán.
Thế nhưng, người Hải Phú đi xa đã đành, người ở quê cũng chưa hề bỏ quên món ăn truyền thống này. Mỗi lần gia đình có việc, nhà nào cũng cố nấu cho được một nồi cháo đúc để con cháu về ăn.
Sẵn lúa gạo và gia cầm tại địa phương tự trồng và chăn nuôi, cháo đúc được bà con ở đây chọn lựa kĩ ngay từ khâu lấy nguyên liệu. Gạo phải là thứ gạo tẻ dẻo, được gạo mới là tuyệt nhất, đem vo sạch, để ráo nước. Chọn vịt hoặc chim thật béo, nhiều thịt, làm sạch, lọc xương ống chân, xương cánh rồi chặt miếng, văm nhỏ mịn cho đến lúc bóp ở tay không thấy có dằm xương đâm vào mới đạt. Thịt vịt vằm càng mịn, nồi cháo càng ngọt, vị béo càng thấm. Sau khi vằm thịt xong, ướp gia vị gồm tiêu, hành, nước mắm, ít hạt nêm và bột ngọt, để khoảng năm phút cho thấm rồi đem xào vừa chín tới, nghe đủ thơm là được.
Đậu phụng ngâm nước lột bỏ vỏ lụa, giã giập nhỏ nhưng không mịn nát. Thịt mỡ lợn cắt nhỏ, rán tráng qua đáy nồi cho khỏi sít cháy cháo. Chọn thịt vịt để nấu chứ không chọn thịt lợn là vì thịt lợn dễ gây ớn ngấy. Và nồi nấu cũng phải là loại nồi đồng xưa, hoặc nồi gang phải dày thì cháo mới không dễ bị khê cháy. Sau khi rán tráng nồi bằng mỡ lợn, cho lượng nước vừa phải, đổ gạo vào nấu cho đến lúc sôi, đổ tiếp thịt vịt vằm và đậu phụng đã giã nát vào, cho sôi lại và bắt đầu công đoạn quấy cháo. Vì là thường nấu trong các dịp giỗ chạp nên cháo đúc được nấu trong các nồi lớn, theo đó, đũa quấy cháo cũng phải là đôi đũa "đặc chủng": Đầu hơi dẹt và to vừa phải, dài khoảng 70 đến 80 phân
Cháo có ngon đều không, hạt gạo có chín mềm không là nhờ vào tay người quấy cháo, và đặc biệt, lửa cũng phải đỏ liu riu, không để tắt bếp gây mùi khói hay lửa quá đỏ làm khê cháo. Phải quấy đều tay, quấy liên tục cho đến khi cháo rền sệt, múc lên không chảy là được, rồi nêm nếm gia vị một lần nữa cho vừa ăn mới bắc xuống.
Sự đa công trong chế biến còn có thêm ở phần đổ cháo ra nong. Những tàu lá chuối xanh mát đã được lau rửa sạch sẽ, trải đều trên mặt nong. Cháo đổ ra được dàn đều dày cỡ ba đến bốn xăng ti mét rồi dùng chiếc đũa chuyên biệt nén chặt xuống. Nén càng chặt cháo càng có độ dai ngon. Rau ngò mùi, ngò gai, ném lá cắt thật nhỏ, cùng với ít tiêu rắc đều lên trên, tùy mức độ ăn cay mà thái mỏng thêm ít ớt đỏ cho tươi màu sắc nong cháo. Để nguội, cắt cháo thành hình thoi hay chữ nhật theo sở thích rồi bày ra đĩa, vậy là đã hoàn thành món cháo đúc đặc sản Hải Phú.
Thành công của cháo đúc là khi miếng cháo cắt ra không rời vỡ, hạt gạo không nát bấn mà mềm tan, được trộn đều với thịt vịt và gia vị, không có chỗ đậm thịt, chỗ trắng cháo. Mùi thơm của ngò ném cùng với chất ngậy vừa phải của thịt vịt, vị béo bùi của đậu phụng tan đều trong miệng, tuyệt không có vị khê hay nhão.
Chẳng mấy món ăn trong giới ẩm thực lại chú ý đến phần cháy. Riêng cháo đúc Hải Phú, cháy cháo, các mệ các o vẫn gọi là "kháo" được xem là một phần "tinh túy" của món ăn. Với tất cả hương vị của nồi cháo, cháy cháo còn có thêm sắc vàng đều, giòn rụm. Nhà bếp và bọn trẻ con luôn chờ đợi cái khoảnh khắc gỡ ra miếng cháy cháo từ đáy nồi, để nghe vị béo ngậy, thơm lừng, giòn tan, nhai nghe rau ráu trong miệng.
Người Hải Phú dẫu có ăn đến sơn hào hải vị, nem rồng chả phượng tận muôn phương vẫn day dứt một nỗi ghiền cháo đúc. Cháo đúc là giọt mồ hôi chị tảo tần chăm chút nồi cháo đúc cho mấy đứa ở xa lâu ngày mới trở về nhà. Hơn tất cả, là hương vị của sum vầy, đoàn tụ.