Chèo cạn làng Tùng Luật có nguy cơ mai một

Trần Tuyền |

Làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), là cái nôi sinh ra điệu chèo cạn, một sinh hoạt văn hóa dân gian để cầu mong trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, mô phỏng lại những chuyến đi biển đánh bắt thủy sản của ngư dân... Mặc dù thời gian qua một số nghệ sĩ, nghệ nhân tâm huyết đã cố gắng bảo tồn, phục dựng, song hiện nay chèo cạn làng Tùng Luật đang đứng trước nguy cơ bị mai một vì không có lớp người kế cận.


Theo nguồn tài liệu hiện có, được địa chí làng Tùng Luật ghi nhận thì người khởi đầu cho mạch nguồn ca hát và thành lập đội Chèo cạn ở làng Tùng Luật là ông Nguyễn Hữu Như Bá (sinh năm 1840), ông nội của nghệ sĩ Nguyễn Ái Chủng.

Sau này, 12 dòng họ trong xã Vĩnh Giang đã thống nhất lập nên đội Chèo cạn làng Tùng Luật, trên cơ sở gánh hát của cụ Nguyễn Hữu Như Bá. Đội Chèo cạn tồn tại cho đến năm 1947, lúc thực dân Pháp tấn công dữ dội vào Vĩnh Linh mới tạm ngưng.

Giải thích nguồn gốc của điệu chèo cạn ở đây, nhiều bậc cao niên cho rằng xưa kia, Tùng Luật là một cảng thị sầm uất, nằm ngay mé biển nên xác cá Voi, cá Ông chết ngoài đại dương thường trôi dạt vào bờ. Là những cư dân vùng biển, họ tôn thờ những loài vật này theo truyền thống tín ngưỡng.

Làng Tùng Luật là cái nôi sinh ra điệu chèo cạn nổi tiếng khắp vùng - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Làng Tùng Luật là cái nôi sinh ra điệu chèo cạn nổi tiếng khắp vùng - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Vì vậy, mỗi khi thấy xác cá trôi dạt vào bờ, người dân trong làng thường thết những mâm lễ rất trang trọng để đưa tiễn linh hồn của các thần ngư về trời. Những lúc như thế, họ thường quy tụ những đội “hát đưa linh”.

Sau này, đội “hát đưa linh” còn biểu diễn tiết mục chèo cạn trong những lễ cầu mùa của làng nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, trời êm biển lặng, tôm cá đầy khoang, con cháu trong làng có nhiều sức khỏe để làm ăn sinh sống.

Chèo cạn làng Tùng Luật có hai vế, gồm chèo cạn cầu ngư chuyên phục vụ trong lễ cầu ngư (ngư dân tổ chức lễ để cầu mưa thuận, gió hoà, tôm cá đầy thuyền) và chèo cạn đưa linh (tiễn đưa người cao tuổi đã chết về thế giới cực lạc).

Đội hình trong chèo cạn làng Tùng Luật có 21 người, gồm một người làm động tác tát nước; một người làm động tác chèo lái; một người làm động tác chèo mũi và 10 bá trạo (người chèo); một đội 8 người múa hoa đăng (múa bông).

Điệu hò sử dụng trong chèo cạn làng Tùng Luật gồm hò mái nhì, hò mái đẩy, hò mái xắp, hò đưa linh (chủ yếu là dân ca Quảng Trị), nói vè và số ít điệu nam, điệu khách trong hát bội.

Năm 1993, làng Tùng Luật xây dựng lăng thờ ngài khai canh Hoàng Quý Công và ngài hậu khai canh Lê Quý Công, nghệ sĩ Nguyễn Ái Chủng nhiều lần ra thăm nơi xây dựng lăng.

Khi chuyện trò với các cụ cao niên trong làng và được kể lại Tùng Luật xưa có đội chèo cạn phục vụ lễ cầu ngư hay đám tang trong làng, nay có nguy cơ thất truyền do nhiều cụ trong đội Chèo cạn của làng năm xưa lần lượt qua đời, ông đã nung nấu quyết tâm lập lại đội Chèo cạn của làng.

Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu, phục dựng, ông đã làm sống lại chèo cạn làng Tùng Luật. Sau này, chèo cạn được đưa vào biểu diễn thường xuyên trong các lễ hội, các đám tang của làng. Chèo cạn làng Tùng Luật cũng đã vượt ra khỏi lũy tre làng để đến với các lễ hội lớn của tỉnh Quảng Trị. Từ năm 2014, sức khỏe của nghệ sĩ Nguyễn Ái Chủng suy yếu, đội Chèo cạn làng Tùng Luật cũng ngừng hoạt động.

Sau vài năm bị gián đoạn, người dân và ban điều hành làng Tùng Luật đã đặt vấn đề nhờ ông Nguyễn Xuân Nhật (80 tuổi), em ruột của nghệ sĩ Nguyễn Ái Chủng tiếp tục phục hồi đội Chèo cạn.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống văn hóa văn nghệ, đặc biệt ông, cha và anh trai là những người có công lao to lớn trong việc thành lập, phục dựng đội chèo cạn làng Tùng Luật nên ông Nhật - một giáo viên về hưu không khỏi trăn trở khi biết rằng nay mai chèo cạn sẽ bị mai một nếu không có biện pháp cứu vãn kịp thời.

Vì thế, ông đã miệt mài nghiên cứu, nỗ lực phục hồi đội Chèo cạn làng Tùng Luật sau khi anh trai của ông mất (nghệ sĩ Ái Chủng mất vào năm 2016).

Từ năm 2017 đến nay, ông Nhật đã mở nhiều lớp truyền dạy cho con em trong làng những điệu hò, điệu nam, điệu khách; động tác tát nước, chèo lái, chèo mũi của các bá trạo; cách thể hiện múa hoa đăng (múa bông) trong chèo cạn làng Tùng Luật. Những người khác như Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Minh Thai (79 tuổi) thì đứng lớp truyền dạy cách chơi các loại nhạc cụ như: đàn nguyệt, đàn nhị, đàn bầu và trống.

Tuy nhiên, cách đây mấy năm do tuổi cao, bệnh tật nên ông Thai không còn dạy cho lớp trẻ chơi các loại nhạc cụ được nữa.

Hiện nay, trong làng không có người biết chơi đàn nhị, đàn bầu, đàn nguyệt. “Lớp người già hiểu rõ và tâm huyết với chèo cạn như chúng tôi đã gần đất xa trời, nhiều người đã về với ông bà tổ tiên. Số người biết về chèo cạn còn lại rất ít. Mai này, khi chúng tôi nằm xuống thì có lẽ chèo cạn sẽ mất đi”, ông Nhật trăn trở.

Thực tế, từ nhiều năm qua, mỗi khi làng Tùng Luật tổ chức lễ cúng cầu mùa, đưa linh trong các đám tang hoặc biểu diễn chèo cạn tại các lễ hội trong và ngoài địa phương đều phải đi thuê nhạc công chơi đàn nhị, đàn bầu từ xã khác.

Làng Tùng Luật đã từng triển khai mở lớp đào tạo con em trong làng về chèo cạn nhưng lớp người trẻ ở làng không còn đam mê, mặn mà với chèo cạn. “Các kỹ năng về hát, múa thì dễ truyền dạy và dễ tiếp thu.

Còn muốn chơi giỏi nhạc cụ thì cần phải có năng khiếu và thời gian dài luyện tập. Vì vậy, hiện nay không có người đủ tâm huyết, đam mê để theo đuổi. Vấn đề thiếu nhạc công chơi trong đội chèo cạn chúng tôi đã nhiều lần đề cập với chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Nhật thở dài. Đây cũng là nỗi trăn trở chung của người dân làng Tùng Luật trong những năm qua.

Trao đổi với chúng tôi về giải pháp bảo tồn, phục hồi chèo cạn làng Tùng Luật, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang Phan Thị Liên cho hay: “Khoảng 3 - 4 năm gần đây, địa phương đã tìm những người trẻ để đào tạo chơi đàn nhị, đàn bầu, bổ sung vào đội Chèo cạn nhưng chưa có ai.

Khả năng của xã có hạn nên chúng tôi mong muốn cấp trên tạo điều kiện, hỗ trợ về kinh phí, tổ chức những chương trình đào tạo nhạc công cho con em địa phương tham gia.

Từ đó có cơ sở để phục hồi chèo cạn làng Tùng Luật, góp phần bảo tồn một nét đẹp văn hóa phi vật thể của địa phương”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cần nhiều hơn nữa không gian văn hóa vui xuân

Tuệ Linh |

Thường Tết là dịp người dân gác lại sau lưng mọi lo toan, bận rộn để dành thời gian cho việc vui chơi, giải trí. Nhằm đáp ứng nhu cầu đó của người dân, ngày càng có nhiều không gian văn hóa được các địa phương, đơn vị tổ chức để tô điểm thêm cho không khí rộn ràng của ngày xuân. Tuy nhiên, không gian này trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá đơn điệu.

Thư viện thân thiện, lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường

Lê Sơn |

Sáng 9/2/2023, Trường TH & THCS Trần Hữu Dực (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đã phối hợp với Sách hoá Nông thôn Quảng Trị tổ chức Lễ ra mắt thư viện thân thiện và trao tặng 25 tủ sách lớp em.

Chèo chống nuôi cả gia đình

Trần Tuyền |

Ngày 27/5/2022, người dân thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) không khỏi xót xa, thương tiếc khi hay tin anh Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1983) trong lúc làm việc tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh thì không may bị điện giật, rơi từ trên cao xuống. Mặc dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng anh Tuấn không qua khỏi. Anh Tuấn ra đi, bỏ lại người vợ trẻ và 2 con gái nhỏ.

Đà Nẵng đẹp say lòng người từ những khoảnh khắc kỳ thú của bộ môn chèo SUP

Châu Galaxy |

Những khoảnh khắc kỳ thú về bộ môn chèo SUP được Team #5PM ghi lại trong mùa du lịch biển 2022 sẽ khiến ai nấy cũng đều đắm say bởi cảnh đẹp tuyệt mỹ của thành phố Đà Nẵng – thành phố du lịch đáng sống nhất Việt Nam.