Cách đây ít lâu tại chùa Sắc Tứ (Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang) thuộc thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã có một cuộc tọa đàm khoa học do Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức với chủ đề: “Bước đầu tiếp cận di sản Phật giáo Quảng Trị”. Thành phần tham dự có các nhà khoa học trong và ngoài nước như Tiến sĩ sử học Nguyễn Hữu Thông, TS văn hóa Trần Đình Hằng-Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế, nhà giáo Phan Đăng, nguyên Trưởng Khoa Ngữ văn-Trường Đại học Tổng hợp Huế; GS.TS, cư sĩ Lê Mạnh Thát, TS triết học Thái Kim Lan (Việt kiều từ Đức)…
Hơn 460 năm Chúa Tiên Nguyễn Hoàng mở cõi, nhìn lại đại nghiệp của tiền nhân thật lớn lao, không chỉ là võ trị, văn công mà còn là tôn giáo và văn hóa. Cư sĩ Lê Mạnh Thát (quê gốc Quảng Trị) đặt vấn đề cần lưu ý rằng bởi chính Nguyễn Hoàng là một phật tử, được lớn lên trong một gia đình phật tử trụ cột của miền Bắc cho nên chuyện Phật giáo được chăm lo từ ngay buổi đầu nhà Nguyễn khởi nghiệp xứ Đàng Trong cũng là có căn duyên.

Theo ông: “Vấn đề truyền thừa của Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang, do thế cần được nghiên cứu thêm để làm rõ vị thế của ngôi Tổ đình này trong lịch sử Phật giáo Nam Hà nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung, vào thời kỳ mở rộng biên cương Tổ quốc về phía Nam của dân tộc ta”.
Thạc sĩ sử học Lê Đức Thọ dưới góc nhìn thiên về khảo cổ đã tiếp cận Phật giáo qua nhiều ngôi cổ tự như ở Quảng Trị như chùa Trung Đơn (Hải Thành, Hải Lăng), chùa Hoan Sơn, chùa Thôn Đông (Hải Thiện, Hải Lăng), chùa Linh Quang (Triệu Giang, Triệu Phong), chùa Long Phúc (Gio An, Gio Linh), chùa Cổ Trai (Vĩnh Giang, Vĩnh Linh)…
Diễn giả tha thiết: “Thời gian dâu bể, lịch sử thăng trầm và biến thiên thời cuộc đã làm thay đổi, biến dạng, mất mát rất nhiều chùa chiền trên vùng đất Quảng Trị. Tuy nhiên, với người dân Quảng Trị xưa nay, hình ảnh ngôi chùa không chỉ là những không gian thiêng liêng, hướng thiện của dân làng, mà trong tâm thức của họ, “mái chùa” còn là nơi “che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tiên”…

Như vậy, có thể hiểu rằng có sự tiếp biến rất tự nhiên trong tôn giáo và văn hóa giữa dân tộc Việt và dân tộc Chăm khi khảo sát những ngôi chùa cổ, những di tích như chùa Bình Trung (Bão Đông) ở Gio Châu (Gio Linh), chùa bụt Moọc ở Liêm Công Đông, xã Hiền Thành (Vĩnh Linh) hay Nghè Phương Sơn còn gọi là Miếu Bà ở Triệu Sơn (Triệu Phong), miếu Bà Yang/Dang còn gọi là Miếu Bà ở Trà Lộc (Hải Hưng, Hải Lăng) khi mà chùa Việt mọc lên trên nền tháp cổ người Chăm…
Diễn giả có một nhận định học thuật khá quan trọng: “Trong suốt lịch sử vương quốc Chămpa, chưa có lúc nào mà Phật giáo lại được xiển dương rực rỡ và được giới quyền lực tín mộ như triều đại Indapura. Và khi đến triều đại này, thì không thể không nhắc đến địa bàn Quảng Trị, nơi minh chứng sống động cho hiện tượng đó”.
Nhà giáo Phan Đăng (quê gốc Quảng Trị) tìm hiểu cụ thể chùa và đình làng Hà Trung (Gio Châu, Gio Linh) qua bia ký Trùng tu Thần Phật từ vũ bi. Ông cho hay: “Tư liệu về đình và chùa làng Hà Trung từ đoàn khảo sát của Trung tâm Phật giáo Liễu Quán gần đây cho thấy, ngôi làng này được hình thành rất sớm, có thể từ nửa cuối thế kỷ XV. Nét đặc biệt của làng Hà Trung là chùa và đình được lập cùng một nơi theo quan điểm “Tiền Thần hậu Phật (đình ở phía trước, chùa nằm phía sau)”.
Qua tọa đàm, chùa làng Quảng Trị cũng phát lộ nhiều điều thú vị và bổ ích, đó cũng là một nét tôn giáo và văn hóa có thể coi là đặc hữu của vùng quê Quảng Trị cần được tiếp tục tìm hiểu và khám phá, điều đó không chỉ có ích cho hôm qua mà còn có ý nghĩa cho cả hôm nay. Phật giáo đúng nghĩa dù là xưa hay nay vẫn luôn hướng thượng và hướng thiện, luôn yêu thương và giúp đỡ con người, với ước nguyện muôn đời: thế giới hòa bình, nước nhà an lạc!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)