Nhiều hoạt động nghiên cứu về Dinh Chúa Nguyễn Hoàng ở Triệu Phong

Tuấn Việt |

Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Quảng Trị- Đất dựng nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng”; UBND huyện Triệu Phong tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích quốc gia các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626) ở xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong cùng nhiều hoạt động của các ngành chuyên môn liên quan đến nghiên cứu, khảo sát di tích này.


Sau hội thảo do UBND tỉnh và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức đã tập hợp nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu để xuất bản cuốn kỷ yếu với tựa đề “Quảng Trị- Đất dựng nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng”.

Cuốn sách này là những tư liệu quý để cán bộ, Nhân dân, các nhà nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử quê hương, về sự đóng góp lớn lao của Chúa Nguyễn Hoàng và các bậc tiền nhân thời đó đã có công mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước thái bình, thịnh vượng.

Năm 2019, Di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Việc công nhận di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến Chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong là cơ sở khoa học cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo tồn, đầu tư tôn tạo và đặc biệt phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, xứng tầm vai trò, vị thế trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, qua đó tri ân các thế hệ tiền nhân đã cống hiến cho sự phát triển của dân tộc.

Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ là nhân vật lịch sử gắn liền với sự nghiệp mở cõi về phía Nam của Chúa Nguyễn Hoàng được khánh thành vào ngày 11/10/2022 tại xã Triệu Giang, Triệu Phong - Ảnh: T.V
Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ là nhân vật lịch sử gắn liền với sự nghiệp mở cõi về phía Nam của Chúa Nguyễn Hoàng được khánh thành vào ngày 11/10/2022 tại xã Triệu Giang, Triệu Phong - Ảnh: T.V

PGS, KTS Hàn Tất Ngạn, Giám đốc Công ty Cổ phần Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan Hà Nội cho biết, việc xây dựng hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn có 2 mục tiêu chính, đó là bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và phát huy giá trị di tích vào phát triển KT-XH của huyện, nhất là phát triển du lịch.

Phạm vi nghiên cứu và quy mô nghiên cứu lập quy hoạch tại hai xã Triệu Ái, Triệu Giang và thị trấn Ái Tử với diện tích 513 ha, phạm vi lập quy hoạch 33,34 ha. Ý tưởng lập quy hoạch được chia làm 3 không gian, gồm không gian lễ hội, không gian tưởng niệm và không gian kết nối.

Đây là cơ sở khoa học nhằm quản lý tốt công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn gắn với phát triển du lịch bền vững. Qua đó không chỉ thúc đẩy KT-XH phát triển mà còn giáo dục truyền thống yêu nước, phục vụ nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của Nhân dân.

Theo tư liệu lịch sử, tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558) Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông cử vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Từ đây, ông bắt đầu đứng chân trên vùng đất Ái Tử- Trà Bát thuộc huyện Vũ Xương, châu Thuận (nay là xã Triệu Ái và Triệu Giang, huyện Triệu Phong).

Trong thời gian 68 năm (từ năm 1558 đến 1626) Chúa Nguyễn Hoàng đã có 3 lần dựng đặt thủ phủ/dinh thự/dinh trấn của mình tại 3 địa điểm trên đất Ái Tử- Trà Bát: Ái Tử (1558- 1570), Trà Bát (1570- 1600) và Cát Dinh (1600 - 1626). Những sự kiện trong giai đoạn lịch sử này đã đánh một dấu mốc hết sức quan trọng trong quá trình Nam tiến và khai phá xứ Đàng Trong của người Việt.

Nguyễn Hoàng và các thế hệ Chúa Nguyễn tiếp nối đã hoàn thành công cuộc khai phá, mở mang bờ cõi, hình thành nên một nước Việt Nam rộng lớn, bao gồm cả đất liền, hải đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, một Việt Nam hoàn chỉnh như ngày hôm nay.

Tuy nhiên, do trải qua một thời gian dài của lịch sử với gần 500 năm trên một vùng đất vốn chịu nhiều biến động do các cuộc chiến tranh vệ quốc, sự khắc nghiệt của thời tiết... đã xoá nhòa những dấu tích, những di sản văn hoá một thời từng là “thủ phủ”, là “kinh đô” của một triều đại vốn đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc trên mảnh đất này.

Vì thế, những vấn đề cốt lõi về thực chất của mục đích, ý đồ các lần di dời thủ phủ/ dinh trấn/dinh cơ trên một địa thế chưa đầy 2 km2 thuộc vùng cát Ái Tử- Trà Bát vẫn còn là những ẩn số chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Vị trí, diện mạo, quy mô, vị thế, vai trò của ba dinh trấn Ái Tử, Trà Bát và Cát Dinh trên thực tế không chỉ là những đồn binh nặng về bố phòng quân sự mà còn là những trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, xã hội sôi động một thời vẫn chưa được làm sáng tỏ…

Mong muốn có được một khu di tích xứng với tầm vóc của Chúa Nguyễn Hoàng, UBND tỉnh, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, UBND huyện Triệu Phong và các ngành liên quan tổ chức hội thảo khoa học, hội nghị lấy ý kiến của các cấp, ngành, tổ chức các hoạt động nghiên cứu để làm sáng tỏ một số nội dung cơ bản như đánh giá công lao sự nghiệp của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng; vị thế, vai trò ba thủ phủ/dinh trấn/dinh cơ đầu tiên trong hành trình mở cõi của dân tộc, hay việc đề xuất các giải pháp trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích.

Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Nguyễn Thành Vũ cho biết, di tích quốc gia các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn là một trong những di tích tiêu biểu của Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn; là di sản văn hóa có giá trị nổi bật không chỉ của tỉnh Quảng Trị mà còn của cả đất nước.

Với tầm vóc và giá trị to lớn như vậy, các địa điểm liên quan đến di tích quốc gia các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn có một vị trí, vai trò to lớn trong việc phát triển du lịch, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ - công trình khởi phát cho việc tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Chúa Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị

C.N |

Ông Nguyễn Thành Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, công trình Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ khởi phát cho các chuỗi sự kiện diễn ra trong năm 2023...

Khánh thành đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ

Kăn Sương |

Hướng tới sự kiện kỷ niệm 465 năm Đoan quận công Nguyễn Hoàng dựng sự nghiệp trên đất Triệu Phong, Quảng Trị (1558-2023) và tưởng niệm 410 năm ngày mất của chúa Nguyễn Hoàng 20/7 (1613 – 2023), 420 năm ngày mất của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ (1602 – 2022), sáng nay 11/10, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Triệu Giang long trọng tổ chức lễ khánh thành đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ.  

Vì dân, dân lập đền thờ ghi công

Đan Tâm |

Xã Hải Thượng là vùng đất cách mạng kiên trung nổi tiếng của huyện Hải Lăng và tỉnh Quảng Trị.

Suối Đá Bàn sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn kết nối với di tích Đền thờ Vua Hàm Nghi

Anh Vũ |

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) Trần Anh Tuấn trong chuyến khảo sát các điểm có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn huyện mới đây.