Vì dân, dân lập đền thờ ghi công

Đan Tâm |

Xã Hải Thượng là vùng đất cách mạng kiên trung nổi tiếng của huyện Hải Lăng và tỉnh Quảng Trị.

Là một trong những địa bàn đứng nơi “đầu sóng ngọn gió” trong các cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm, Đảng bộ, quân và dân xã Hải Thượng đã lập nên rất nhiều kỳ tích về sự tận trung, tận hiến trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước. Hải Thượng đã được Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng đầu tiên của tỉnh Quảng Trị vào năm 1969. Hải Thượng còn là nơi có liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất tỉnh; có nghĩa trang liệt sĩ xã lớn nhất nước với hơn 2.000 ngôi mộ. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới hôm nay, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được địa phương quan tâm đặc biệt, chăm lo chu đáo, mà điểm sáng rất đáng ghi nhận là việc xây dựng Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng của xã bằng nguồn vốn từ sức dân, từ xã hội hóa. Cho đến nay, không mấy địa phương cấp xã trong cả nước xây dựng được Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng bề thế, trang nghiêm từ sức dân như ở xã Hải Thượng.
Đất nghèo nuôi những anh hùng

Một ngày cuối tháng 4/2022, chúng tôi theo những đoàn cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa xuôi về xã Hải Thượng. Theo con đường “đẹp nhất Quảng Trị” như cách bình chọn của các bạn trẻ trên mạng xã hội, chúng tôi đi trong miên man hương lúa, hương đất, hương trời một ngày nắng đẹp trên quê hương Hải Thượng anh hùng.

Bí thư Đảng ủy xã Hải Thượng Phan Khắc Xứ không giấu được niềm tự hào khi điểm lại những sự tích anh hùng trên quê hương mình: Từ bao đời nay, người dân Hải Thượng luôn gắn bó bên nhau trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Suốt chiều dài lịch sử, con người Hải Thượng luôn cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó, bền bỉ vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên và kiên cường, anh dũng trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.

Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hải Thượng là địa bàn hết sức quan trọng; là nơi trú quân của các lực lượng cách mạng lên về hoạt động vùng đồng bằng Triệu Hải; là vành đai bảo vệ thị xã Quảng Trị và cũng là bàn đạp tấn công vào thị xã Quảng Trị, huyện lỵ Hải Lăng… Do đó, địch tập trung mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để ráo riết lùng sục, xăm tìm, bắt bớ cán bộ cách mạng nằm hầm bí mật, đàn áp dã man các cuộc đấu tranh, gom dân lập ấp chiến lược, xây dựng căn cứ quân sự, chặn đường tiếp lương, gài mìn, phục kích để tiêu diệt lực lượng cách mạng.

Mặt khác, địch xây dựng hệ thống mật báo viên, cộng tác viên dày đặc, phân lọc các gia đình có con em tập kết ra miền Bắc, nghi vấn có liên hệ với cách mạng để thanh trừng, đàn áp. Vì vậy, phong trào cách mạng ở địa phương gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều cơ sở bị lộ, nhiều tổ chức đảng bị địch phát hiện, nhiều cán bộ, du kích, Nhân dân trung kiên bị địch bắt, hành hạ, giết hại...

Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng xã Hải Thượng, Hải Lăng - Ảnh: Đ.T
Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng xã Hải Thượng, Hải Lăng - Ảnh: Đ.T

Trước những thử thách khắc nghiệt đó, cán bộ, đảng viên, du kích xã Hải Thượng vẫn kiên cường bám đất, bám dân “một tấc không đi, một ly không rời” để tuyên truyền, giáo dục Nhân dân nêu cao tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, kiên cường đấu tranh làm thất bại âm mưu “tố cộng”, “diệt cộng” và thủ đoạn “tát nước bắt cá” của địch.

Đồng thời tích cực vận động Nhân dân đẩy mạnh việc đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, hăng hái tham gia tiếp lương, tải đạn, chăm sóc thương binh, dẫn đường cho bộ đội đánh đồn, tổ chức đánh địch trên toàn địa bàn, phá hủy hệ thống giao thông nhằm ngăn chặn các cuộc hành quân, cản trở các cuộc lùng sục, bắt bớ của địch để củng cố cơ sở và tạo lập niềm tin vững chắc về thắng lợi cuối cùng của cách mạng trong Nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, sự đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng của Nhân dân, lực lượng du kích xã Hải Thượng đã tổ chức và phối hợp đánh hàng trăm trận, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều xe quân sự, thu được hàng trăm vũ khí các loại. Có một nguyên nhân buộc chính quyền miền Nam cũ vào năm 1967 - 1968 phải nắn lại đoạn Quốc lộ 1 không đi qua xã Hải Thượng mà vòng lên phía Tây như hiện tại chính là do địch rất sợ giáp mặt với lực lượng du kích địa phương, bởi suốt một thời gian dài, đây chính là “đoạn đường không vui” của Mỹ - ngụy. Đã có không biết bao nhiêu lính địch đã phải bỏ mạng, vùi thây, bao nhiêu xe, pháo bị phá tan tành trên đoạn đường này bởi mìn, lựu đạn tấn công, đạn bắn tỉa từ những tay súng du kích quân Hải Thượng lừng danh.

Trải qua những năm tháng kháng chiến bảo vệ quê hương, đất nước, xã Hải Thượng có đến 438 liệt sĩ, có hai anh hùng liệt sĩ, đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đào Thanh Mai và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thanh Chung. Rất nhiều mẹ có ba con, hai con hy sinh và có mẹ có một con duy nhất hy sinh nên xã Hải Thượng có số lượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng đông nhất tỉnh Quảng Trị (92 mẹ), trong đó có 4 mẹ Việt Nam anh hùng hiện còn sống.

Để tiếp thêm niềm tin và dũng khí trong chặng đường mới

Để truyền lại cho mai sau những sự tích anh hùng của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, để các thế hệ mai sau không bao giờ lãng quên quá khứ hào hùng của dân tộc, để được tiếp thêm niềm tin và dũng khí ngay trên chính mảnh đất anh hùng với những chiến công đã đi vào huyền thoại, trong những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, huyện và các nhà tài trợ, xã Hải Thượng đã xây dựng đài tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thanh Chung và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đào Thanh Mai cùng với việc xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng, nơi có hơn 2.000 liệt sĩ trong cả nước, trong đó có 438 liệt sĩ là con em của Hải Thượng đang yên nghỉ. Đây đều là những công trình “Đền ơn đáp nghĩa” tiêu biểu, là nơi để giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau về lòng yêu nước, truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương.

Đặc biệt, trong số 92 Bà mẹ Việt Nam anh hùng của xã Hải Thượng, có nhiều mẹ con cháu hy sinh hết, không có thân nhân chủ yếu, chỉ còn con cháu trong dòng tộc thờ tự. Để tri ân tất cả Bà mẹ Việt Nam anh hùng của địa phương, xã Hải Thượng đã xin chủ trương và được Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Hải Lăng đồng ý cho xây dựng Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng từ nguồn xã hội hóa.

Bí thư Đảng ủy xã Hải Thượng Phan Khắc Xứ cho biết, mục đích xây dựng công trình Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng là nơi cán bộ, Nhân dân lập bàn thờ, tưởng niệm, trưng bày, lưu giữ tên tuổi, di ảnh, năm sinh, năm mất của các mẹ Việt Nam anh hùng xã Hải Thượng, nhân lên đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong các tầng lớp nhân dân.

Tôi đã nhiều lần đến đây, Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng xã Hải Thượng, nhưng lần nào cũng có một cảm giác thiêng liêng, gần gũi, sâu lắng bao bọc trong từng ý nghĩ. Khu tưởng niệm nhìn ra một quãng đồng rộng, cứ đến mùa là sen hồng lại nở miên man. Trên diện tích chừng 500 m2 , những công trình nhà tưởng niệm, nhà chuông, phù điêu, nhà vọng cảnh, bia ghi danh… được bố trí hài hòa với không gian của một vùng quê thuần hậu.

Nhà tưởng niệm được xây dựng kiên cố, được làm bằng gỗ nhóm 1, ngói lợp 2 lớp, nền lát gạch Hạ Long, trên nóc nhà có bức hoành phi với dòng chữ “Tổ quốc mãi vinh danh”. Bên trong nhà lập 3 bàn thờ, gian giữa trang trọng nhất là nơi thờ Bác Hồ kính yêu, hai gian bên thờ mẹ Việt Nam anh hùng, có di ảnh được tráng men, có tên và năm sinh, năm mất của các mẹ Việt Nam anh hùng trong khám của bàn thờ. Hai bên trụ phía trước bàn thờ có câu đối của GS. TS Lê Văn Tự: “Mãi mãi ghi lòng, ơn sâu các liệt sĩ. Đời đời tạc dạ, công đức mẹ anh hùng”.

Bức phù điêu hai mặt thay cho việc xây dựng bình phong của nhà tưởng niệm. Mặt trước là hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng đoàn quân giải phóng, mặt sau ghi dòng chữ: “Tri ân Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Khu vực nhà chuông có cổ lầu, quả chuông nặng đến 400 kg. Nhà vọng cảnh có bậc tam cấp xuống bến nước và khuôn viên cây cảnh tựa như một công viên nhỏ. Về hệ thống cây xanh, bên trong trồng 2 cây vú sữa với ý nghĩa ngọt ngào như dòng sữa mẹ; 2 cây đại nhắc nhớ về sự vĩ đại của người mẹ Việt Nam anh hùng; 2 cây vạn tuế biểu thị sự vững chãi, trường tồn...

Chung tay “của ít lòng nhiều”

Trong sổ tay công tác của Bí thư Đảng ủy xã Hải Thượng Phan Khắc Xứ vẫn còn ghi rõ, thời gian triển khai vận động bắt đầu từ tháng 9/2018; thời gian khởi công san nền tháng vào tháng 11/2018; thời gian hoàn thành công trình vào tháng 11/2019. Để công việc triển khai thuận lợi, Đảng ủy xã đã thành lập ban chỉ đạo, ban vận động, ban quản lý công trình và tổ giúp việc, trong đó ban chỉ đạo, ban vận động do Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã làm Phó ban; mời ông Lê Hữu Thăng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh là con em quê hương làm cố vấn.

Danh sách ủng hộ được ghi vào sổ vàng, số tiền có giá trị 1 triệu đồng trở lên được khắc ghi vào bảng công đức làm bằng đá và gắn trong khuôn viên nhà tưởng niệm, số còn lại ghi vào sổ vàng công đức. Quá trình thi công và vận động luôn được cập nhật và công khai trên facebook xã Hải Thượng. Đặc biệt, việc vận động các hộ dân đang sinh sống trên địa bàn xã, mỗi hộ đóng góp tối thiểu 200.000 đồng (trừ các hộ nghèo, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn) đã diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Những đồng tiền tiết kiệm được từ làm lụng, vén khéo, từ bán mớ rau, cân lúa, cây trái vườn nhà, người dân Hải Thượng chắt chiu gói ghém cả sự tri ân trong đó, góp phần mình vào công trình tâm linh cao cả này như năm xưa họ đã mang từng mo cơm độn khoai sắn, bầu nước ngọt băng mình qua những trảng cát rát bỏng Hải Lăng nuôi chồng, nuôi con, nuôi cách mạng trong các cuộc kháng chiến trường kỳ... Nhiều gia đình nghèo, neo đơn, khó khăn, dù không thuộc đối tượng vận động nhưng vẫn thiết tha “của ít lòng nhiều” góp vào việc nghĩa.

Xác định đây là công trình có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc và là công trình tâm linh, thể hiện sinh động sự tri ân của Đảng bộ và Nhân dân xã nhà đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chính quyền địa phương đã bắt tay thực hiện kế hoạch vận động, ban vận động lên danh sách, địa chỉ, liên hệ các hội đồng hương con em Hải Thượng trên mọi miền Tổ quốc để tổ chức gặp mặt triển khai công tác vận động; soạn thư ngõ gửi đến từng gia đình, thông qua gia đình gửi cho con em đang sinh sống khắp mọi miền đất nước và nước ngoài, qua các mạng xã hội như facebook, zalo, các website cá nhân.

Đường qua xã Hải Thượng, Hải Lăng hôm nay - Ảnh: Đ.T
Đường qua xã Hải Thượng, Hải Lăng hôm nay - Ảnh: Đ.T

Tổ chức gặp mặt 3 lần đối với con, em, dâu, rể xã Hải Thượng đang học tập, công tác và sinh sống tại thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, thị trấn Hải Lăng để báo cáo dự kiến xây dựng công trình và vận động chung tay xây dựng. Xã cũng đã gửi hàng trăm thư ngõ đến các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Tổ chức cho các chi bộ, đảng bộ, các xóm, khu vực trên địa bàn xã quán triệt và hưởng ứng cuộc vận động. Quá trình triển khai, xã nhận được sự phản hồi tích cực của hầu hết Nhân dân, con em xã Hải Thượng khắp mọi miền đất nước và nước ngoài, nhất là thân nhân các mẹ Việt Nam anh hùng đã nhiệt tâm ủng hộ chủ trương và đóng góp ý tưởng xây dựng công trình mang tính văn hóa - lịch sử tâm linh và tri ân đầy ý nghĩa này.

Sau hơn 11 tháng vận động, tổng số tiền xã Hải Thượng nhận được trên 1,6 tỉ đồng (chưa kể đến các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ bằng vật chất). Đặc biệt, ông Lê Hữu Thăng đã tham gia từ ý tưởng đến quá trình tổ chức thực hiện và là người vận động bạn bè, đồng nghiệp, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tích cực, hiệu quả nhất. Nguồn kinh phí xây dựng khu tưởng niệm là nguồn xã hội hóa, vừa vận động, vừa tổ chức thi công công trình nên đã phải chia thành nhiều hạng mục, có kinh phí đến đâu làm đến đó và chỉ sau 1 năm thi công, các hạng mục công trình đã hoàn thành, khánh thành đúng tiến độ.

Bây giờ, từ khu tưởng niệm nhìn về hướng Đông, trên con đường thẳng tắp qua làng quê Hải Thượng hôm nay, màu xanh đang khỏa lấp những ngày đạn bom bời bời ngót 50 năm về trước.

Mảnh đất anh hùng này đang phát triển mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới với nội lực mới, sức vươn mới, như cảm nhận của nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Thăng, một người con của xã Hải Thượng: “Có lẽ nhiều máu đã đổ ra để bảo vệ quê nhà, cho nên sắc màu bức tranh quê tôi trở nên sâu thẳm hơn, da diết hơn, và chính vì thế với bất cứ người Hải Thượng nào, dù xa quê hay ở ngay trên những ngõ làng, lối xóm thân thuộc, khi nghĩ về quê hương đều dậy lên một tình yêu mến khôn nguôi. Những yêu mến và tự hào đã trải qua hàng trăm năm lịch sử…”.

Riêng tôi, tôi biết từ nay, trong muôn vàn tình yêu quê hương luôn gửi gắm, trao truyền qua các thế hệ, chắc chắn có thêm sự hiện hữu của Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng mà con dân Hải Thượng đã chung tay xây dựng và luôn nhắc nhớ, tìm về với tất cả sự tôn trọng, yêu thương, ngưỡng vọng, tự hào…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Giám sát công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường và tái định cư tại UBND huyện Hải Lăng

Lê An |

Ngày 20/5, đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh có buổi làm việc với UBND huyện Hải Lăng về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bồi thường và tái định cư các dự án trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2021; tình hình triển khai và kết quả thực hiện việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) theo các dự án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy GCNQSĐ cho các hộ gia đình, cá nhân; tình hình quản lý, sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích theo Luật Đất đai 2013.

Hải Lăng chú trọng công tác cán bộ

Ngọc Trang |

Thời gian qua, Đảng bộ huyện Hải Lăng (Quảng Trị) triển khai nhiều giải pháp trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội đảng các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở địa phương.

Đưa vào sử dụng công trình Nhà tránh lũ tại huyện Hải Lăng

Tiến Nhất |

Ngày 8/5/2022, Báo Tiền Phong, Tập đoàn Phúc Sơn và UBND xã Hải Phú (huyện Hải Lăng) tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng công trình Nhà tránh lũ Đội 1, thôn Long Hưng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự lễ khánh thành.

Hải Lăng tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển

Thanh Lê |

Với sự chỉ đạo quyết liệt cũng như ban hành nhiều chính sách hỗ trợ của địa phương, nhờ vậy thời gian qua, kinh tế tư nhân trên địa bàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị)  đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Số lượng và chất lượng đội ngũ doanh nhân từng bước được nâng lên. Nền kinh tế tư nhân đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.