Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ - công trình khởi phát cho việc tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Chúa Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị

C.N |

Ông Nguyễn Thành Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, công trình Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ khởi phát cho các chuỗi sự kiện diễn ra trong năm 2023...

Xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị vừa long trọng tổ chức Lễ khánh thành Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ.

Thái phó Nguyễn Ư Dĩ - tước Uy Quốc công, là cậu ruột của Chúa Nguyễn Hoàng, người đã nuôi dạy Nguyễn Hoàng từ khi mới 2 tuổi. Chính Thái phó Nguyễn Ư Dĩ cũng là người đã thay mặt Nguyễn Hoàng đi lĩnh ý Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, rồi sau đó theo phò tá Chúa Nguyễn Hoàng trong buổi đầu dựng nghiệp ở vùng đất Ái Tử - Trà Bát (Triệu Phong). Trong hàng khai quốc công thần của Chúa Nguyễn Hoàng, ông là người đứng đầu. Dưới thời vua Thiệu Trị năm thứ 5 (1845), xét công lao Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, vua đã truy tặng Khai quốc công thần đặc tiến Tráng Vũ tướng quân, Trung quân đô thống phủ chưởng phủ sự, thái sư, phong Uy quốc công, cho thờ vào bàn thứ nhất ở Hữu vu nhà Thái miếu (Hoàng thành Huế).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dự lễ cắt băng khánh thành đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dự lễ cắt băng khánh thành đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ

Nhiều tư liệu lịch sử ghi chép lại vào năm Mậu ngọ (1558), Thái phó Nguyễn Ư Dĩ theo Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng Thuận Hoá. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn Nam tiến ấy là vùng đất Ái Tử - Trà Bát, huyện Đăng Xương (nay là huyện Triệu Phong). Dân trong vùng nghe tin Chúa ngự đã đến bái kiến và dâng tặng Chúa 7 vò nước. Thái phó Uy quận công Nguyễn Ư Dĩ đã nói rằng đó là điềm được “nước”, khởi đầu tốt đẹp cho quốc sự dài lâu. Chúa Nguyễn Hoàng mừng vui và quyết định chọn nơi này đặt dinh trấn, chiêu dân lập ấp, mở mang lãnh thổ, mở cửa giao thương. Chẳng bao lâu, dinh trấn trở thành một nơi đô hội, dân cư đông đúc, trên bến dưới thuyền. Bây giờ vẫn còn nhiều dấu vết thời Chúa Nguyễn Hoàng nơi làng Trà Liên, xã Triệu Giang, trong đó có pho tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dâng hương tại đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dâng hương tại đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ

Tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được dân làng Trà Liên phụng thờ và ngành văn hóa tỉnh Quảng Trị cũng đã làm hồ sơ đề nghị công nhận pho tượng quý này là "bảo vật quốc gia".

Ban đầu, Tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được thờ trong một ngôi chùa có tên là Liễu Bông (hay còn gọi là Liễu Ba). Ngôi chùa này được người dân làng Trà Liên dựng lên trong khu vực có các vòng thành của Dinh Trà Bát. Những năm chiến tranh ác liệt, chùa Liễu Bông bị bom đạn đánh phá nhưng pho tượng thì vẫn còn nguyên vẹn. Sau ngày hòa bình (1975), trên nền của ngôi chùa Liễu Bông đã bị hư hại không có điều kiện tạo dựng lại, người dân Trà Liên vẫn trân trọng thờ cúng pho tượng ngay tại vị trí của chùa. Năm 1989, pho tượng bị kẻ gian đánh cắp và di chuyển pho tượng ra khỏi khu vực của chùa Liễu Bông. Sau khi pho tượng bị mất, nhân dân làng Trà Liên đã tổ chức truy tìm và phát hiện pho tượng đang được cất dấu ở bờ cát ven sông Thạch Hãn. Để giữ gìn tượng Ngài Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, người dân địa phương đã đưa pho tượng về khu vực bên cạnh đình làng Trà Liên để lập am thờ và bao năm qua vẫn hết lòng chăm lo hương khói.

Hoạt cảnh tái hiện công lao của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ phò tá Chúa Nguyễn Hoàng trong buổi đầu dựng nghiệp tại buổi lễ khánh thành đền thờ
Hoạt cảnh tái hiện công lao của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ phò tá Chúa Nguyễn Hoàng trong buổi đầu dựng nghiệp tại buổi lễ khánh thành đền thờ

Từ năm 2021, bằng nguồn đóng góp của những tấm lòng nặng nghĩa tri ân công lao mở cõi của tiền nhân, đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được xây dựng mới trong khuôn viên di tích lịch sử quốc gia các Dinh Chúa Nguyễn, gần vị trí ngôi chùa Liễu Bông ngày xưa. Tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được rước từ am thờ ở đình làng Trà Liên về an vị và thờ cúng tại ngôi đền mới dựng.

Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ vừa mới xây dựng ở làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong - xưa kia đây chính là dinh trấn Trà Bát của Chúa Nguyễn Hoàng
Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ vừa mới xây dựng ở làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong - xưa kia đây chính là dinh trấn Trà Bát của Chúa Nguyễn Hoàng

Ông Nguyễn Thành Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, công trình Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ khởi phát cho các chuỗi sự kiện diễn ra trong năm 2023: Kỷ niệm 465 năm Đoan quận công Nguyễn Hoàng dựng nghiệp trên đất Triệu Phong, Quảng Trị (1558 - 2023) và tưởng niệm 410 năm Ngày mất của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (20/7/1613 - 20/7/2023), 420 năm Ngày mất của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ (1602 - 2022), cũng là công trình khởi phát cho việc tôn tạo, phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Chúa Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị.

Tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được rước từ Đình làng Trà Liên về an vị tại đền thờ mới dựng
Tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được rước từ Đình làng Trà Liên về an vị tại đền thờ mới dựng

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

Khánh thành đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ

Kăn Sương |

Hướng tới sự kiện kỷ niệm 465 năm Đoan quận công Nguyễn Hoàng dựng sự nghiệp trên đất Triệu Phong, Quảng Trị (1558-2023) và tưởng niệm 410 năm ngày mất của chúa Nguyễn Hoàng 20/7 (1613 – 2023), 420 năm ngày mất của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ (1602 – 2022), sáng nay 11/10, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Triệu Giang long trọng tổ chức lễ khánh thành đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ.  

Thị trấn Lao Bảo luôn thực hiện tốt phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”

Xuân Thế |

Lao Bảo thuộc huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị được biết đến là vùng phên dậu của đất nước, có đường biên giới trên bộ tiếp giáp với Lào. Ngay từ đầu thế kỷ thứ XIX, triều Nguyễn đã xây dựng trấn Ai Lao, về sau thực dân Pháp biến nơi đây thành nhà tù Lao Bảo, từng nổi tiếng là “Địa ngục trần gian” để giam cầm, đày ải các sỹ phu yêu nước, các chiến sỹ cách mạng.

Tỉnh Quảng Trị luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác đền ơn đáp nghĩa

PV |

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Đây là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Nhiều năm qua, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế-xã hội, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công (NCC) với nước trong các cuộc kháng chiến bảo vệ và giải phóng dân tộc, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của Đảng và Nhà nước ta.

Xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa

Thanh Hải |

Nhiều năm qua, cùng với việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước ưu đãi đối với người có công, tỉnh Quảng Trị đã huy động thêm nhiều nguồn lực, phát huy sức mạnh cộng đồng cùng chung sức chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa.