Du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên trong các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đang là xu hướng mới được giới trẻ quan tâm, trải nghiệm. Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, nhiều cánh rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có hệ sinh thái đa dạng phong phú, cảnh sắc hoang sơ, Quảng Trị đã và đang tích cực xây dựng, gọi mời thu hút đầu tư để các nơi này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông có diện tích hơn 37.600 ha nằm trên địa bàn 7 xã gồm Đakrông, Triệu Nguyên, Ba Lòng, Húc Nghì, Ba Nang, Tà Long và A Bung, huyện Đakrông với nhiều loại động, thực vật đặc hữu quý hiếm. Cùng với sự đa dạng hệ sinh thái, đa dạng sinh học, Khu BTTN Đakrông được ghi nhận là một trong những nơi có nhiều cảnh quan để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thám hiểm rừng.
Qua khảo sát của Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông cho thấy hiện có rất nhiều khe, suối đóng vai trò quan trọng trong cân bằng hệ sinh thái trong khu rừng đặc dụng, tạo nên các thác đẹp như thác Đỗ Quyên 1, thác Đỗ Quyên 2, thác ApaCha, hang động đẹp như động Dơi, động Sơn Thủy, động Nước... Bên cạnh đó, người dân địa phương còn lưu giữ những bản sắc văn hoá, những nét sinh hoạt truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô rất có tiềm năng trong phát triển du lịch cộng đồng cùng nhiều loại đặc sản đặc trưng của địa phương.
Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông Trương Quang Trung cho biết, ban đã lập kế hoạch phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó định hướng phát triển dạng du lịch nghỉ mát, khám phá phong cảnh rừng tự nhiên với hệ thống thác, khe, suối, du lịch khám phá, mạo hiểm, nghiên cứu khoa học bằng các chuyến đi xuyên rừng trong nhiều ngày, du lịch cộng đồng trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều.
“Du lịch sinh thái phát triển sẽ tạo cơ hội tăng thêm nguồn thu cho Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông và cộng đồng dân cư trong khu vực. Từ đó giúp nâng cao đời sống của người dân, giảm thiểu các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên trong vùng lõi của khu bảo tồn, đồng thời góp phần giới thiệu các giá trị đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, lịch sử, văn hóa, tới người dân trong và ngoài nước”, ông Trung chia sẻ.
Không chỉ ở khu vực Khu BTTN Đakrông, về du lịch sinh thái, Quảng Trị có cảnh quan sông suối, hồ nước, núi rừng đẹp, hệ động, thực vật đa dạng, phong phú và quý hiếm. Nổi bật là rừng nguyên sinh Rú Lịnh (huyện Vĩnh Linh), được mệnh danh là “lá phổi xanh” của vùng Đông Vĩnh Linh có diện tích 170 ha, trong đó khoảng 100 ha còn rừng.
Đây là khu rừng tự nhiên còn sót lại giữa đồng bằng với hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng. Khu BTTN Bắc Hướng Hóa có động Brai, núi Voi Mẹp, đèo Sa Mù, thác Chênh Vênh, thác Tà Puồng (huyện Hướng Hóa), rừng trằm Trà Lộc (huyện Hải Lăng)... là những địa điểm có cảnh quan thiên nhiên thu hút sự quan tâm của du khách hiện nay.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án quy hoạch khu du lịch sinh thái thác Ba Vòi, thuộc xã Hướng Hiệp, Đakrông có quy mô 120 ha, xác định đây là khu du lịch sinh thái mạo hiểm, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên và du lịch cộng đồng. Tỉnh cũng đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng ở huyện Hướng Hóa có quy mô 170 ha.
Mục tiêu nhằm kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng đạt quy mô cấp tỉnh kết hợp nghỉ dưỡng, phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái mạo hiểm nhằm sớm hình thành không gian văn hóa - du lịch với các loại hình và sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo. Cùng với đó là bảo tồn, quảng bá, phát triển các giá trị cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, nhân văn bản địa.
Năm 2024, Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đề án). Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, một trong những mục tiêu mà Quảng Trị đặt ra là phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững, tập trung tại các địa bàn có rừng, có tài nguyên và tiềm năng du lịch.
Phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa, mở rộng các loại hình du lịch, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử... của cộng đồng địa phương.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu này, tỉnh khuyến khích các chủ rừng có tiềm năng tổ chức triển khai xây dựng và thực hiện đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch sinh thái gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi và người dân sống trong và gần rừng.
Phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc gắn với giá trị cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng thể hiện được tính kết nối vùng, liên vùng tạo nên các sản phẩm, hoạt động, thương hiệu du lịch gắn với văn hóa truyền thống địa phương, vùng địa lý.
Đồng thời tăng cường quảng bá, tiếp thị, triển khai các kênh truyền thông giới thiệu và phản hồi về các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nông thôn; sử dụng mạng xã hội, trang thông tin điện tử và tổ chức các sự kiện để đưa thông tin đến với du khách trong nước và quốc tế.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)