Khai thác giá trị di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch

Tú Linh |

Tỉnh Quảng Trị là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nguồn tài nguyên vô giá để bảo tồn, tôn tạo, phục vụ khai thác phát triển du lịch đúng tầm vóc nhằm thu hút ngày thêm nhiều du khách. Đây là hướng đi rất thuyết phục đang được tỉnh triển khai và quyết tâm thực hiện thắng lợi.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị Lê Minh Tuấn cho biết, để đất nước hòa bình, thống nhất, non sông thu về một mối, lớp lớp người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 72 nghĩa trang liệt sĩ với hơn 55.300 mộ liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia. Chưa kể có những “nghĩa trang không nấm mộ”, nơi hình hài người lính đã hóa thành đất, thành sông.

Du khách tham quan tại Khu Di tích quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải -Ảnh: TÚ LINH
Du khách tham quan tại Khu Di tích quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải -Ảnh: TÚ LINH

Lịch sử để lại trên đất Quảng Trị hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa các cấp đã được quy hoạch, bảo tồn, phát triển với nhiều địa danh là điểm đến nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn làm lay động lương tri nhân loại yêu chuộng hòa bình như Thành Cổ Quảng Trị, Dốc Miếu, Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, Vịnh Mốc, Đường 9, Khe Sanh, Tà Cơn...

Tại Di tích quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền LươngBến Hải, chúng tôi gặp du khách Nguyễn Thị Trang Thu đến từ Hà Nội. Chị cho biết, đã đến trải nghiệm nhiều địa phương nhưng chưa có nơi nào chị có nhiều cảm xúc như khi tìm hiểu về câu chuyện hòa bình của người dân Quảng Trị mà biểu tượng độc đáo nhất là cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Lần này chị vào Quảng Trị để dự Lễ hội Vì Hòa bình 2024, chứng kiến di tích cầu Hiền Lương lịch sử, chị đi qua cầu từ bờ Bắc sang bờ Nam trong lòng trào dâng nỗi niềm thành kính.

Trưởng Ban Quản lý Khu di tích quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải Lê Thị Tố Hoài cho biết: Những ngày này rất đông du khách trong và ngoài nước đến thăm di tích. Những câu chuyện lịch sử của cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, những hình ảnh của Lễ hội Vì Hòa bình đã làm cho du khách thêm ngưỡng mộ, kính phục lòng bất khuất, kiên trung của người dân Quảng Trị, cũng như Nhân dân cả nước trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và hiểu sâu hơn giá trị của hòa bình.

Cùng với Khu Di tích quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, các di tích lớn khác trên địa bàn như: Di tích quốc gia Đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, Di tích quốc gia Sân bay Tà Cơn, Di tích quốc gia Đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc, Di tích quốc gia hệ thống dẫn thủy cổ Gio An... không chỉ đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống, văn hóa cho Nhân dân, mà còn tạo nên điểm đến độc đáo, phục vụ khách du lịch.

Với những giá trị quan trọng như vậy của những di tích, tỉnh xác định rõ việc xây dựng các điểm đến trên trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt, đó là trải nghiệm di tích lịch sử, văn hóa. Công tác phát triển du lịch tại di tích lịch sử, văn hóa gắn với các tour, tuyến được tỉnh luôn quan tâm.

Đặc biệt với Lễ hội Vì Hòa bình 2024 có chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hoà bình” được tỉnh tổ chức lần đầu tiên, là chương trình có quy mô quốc gia, vươn tầm quốc tế, góp phần lan tỏa hình ảnh Quảng Trị; đồng thời nâng tầm lễ hội tri ân tháng 7 hằng năm. Mục tiêu lớn nhất của lễ hội là quảng bá hình ảnh Quảng Trị lên bản đồ du lịch trong và ngoài nước, tạo ra sức hút lớn cho du lịch Quảng Trị phát triển với nhiều dòng du khách khác nhau.

Hiệu ứng mang lại của lễ hội cho du lịch rất lớn. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong nửa đầu tháng 7/2024 có khoảng hơn 712 nghìn du khách đến Quảng Trị, tăng hơn 105% so với cùng kỳ năm trước. Khách lưu trú chuyên ngành hơn 273 nghìn lượt, doanh thu xã hội ước đạt hơn 577 tỉ đồng. Đêm khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình thu hút hơn 45 nghìn người đến xem; tại Lễ hội ẩm thực “Hương vị miền hoa nắng” có hơn 32 nghìn lượt khách tham gia.

Sáu tháng đầu năm 2024 lượng du khách đến Quảng Trị ước đạt hơn 1,4 triệu lượt người, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 110 nghìn người. Doanh thu xã hội ước đạt hơn 1.062 tỉ đồng, trong đó doanh thu chuyên ngành ước đạt 471 tỉ đồng. Rõ ràng, chủ trương khai thác tốt tiềm năng, lợi thế các di tích lich sử, văn hóa để phát triển du lịch mà tỉnh đang triển khai là hướng đi đúng đắn, thuyết phục.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nguyễn Đức Tân cho biết, nhằm khai thác thế mạnh các di tích lịch sử, văn hóa để thúc đẩy du lịch phát triển phục vụ tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 167/ NQ-HĐND ngày 9/12/2021 về đầu tư bảo tồn, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022- 2025 gắn đầu tư, tôn tạo với bảo vệ, quản lý, khai thác phát huy giá trị để hình ảnh di tích ngày càng lan tỏa hơn nữa đối với du khách.

Theo ông Nguyễn Đức Tân, tuy thời gian qua tỉnh Quảng Trị có nhiều chủ trương đầu tư, khai thác phát triển các sản phẩm du lịch từ các di tích lịch sử, văn hóa, nhưng ngoài những tour, tuyến đang triển khai thì vẫn thiếu những sản phẩm mới xứng với tiềm năng.

Để khai thác tốt hơn nữa những gia trị di tích lịch sử, văn hóa cần có cách làm mới, độc đáo để thu hút du khách ngày càng nhiều. Cần có các cơ chế chính sách tốt và đội ngũ làm du lịch tương xứng với tiềm năng để liên kết với các tỉnh, thành trong nước phát huy các giá trị hiện có.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đầu tư 41 tỉ đồng xây dựng Khu lưu niệm di tích lịch sử - văn hóa Chiến khu Ba Lòng

Thanh Hải |

Ngày 25/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam chủ trì cuộc họp nghe UBND huyện Đakrông báo cáo phương án xây dựng Khu lưu niệm di tích lịch sử - văn hóa Chiến khu Ba Lòng, huyện Đakrông.

Đổi thay đôi bờ Bến Hải

Nguyễn Vinh |

Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, giới tuyến quân sự tạm thời được lựa chọn trùng với sông Bến Hải thuộc địa phận huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Khu phi quân sự là khu vực được thiết lập hai bên bờ sông Bến Hải, là kết quả thỏa hiệp của các cường quốc trong Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954.

Khó khăn trong công tác quản lý, tôn tạo, phát huy giá trị di tích ở Gio Linh

Hiếu Giang |

Gio Linh là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa nghệ thuật, khảo cổ của tỉnh Quảng Trị. Thời gian qua, huyện đã quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo chống xuống cấp các di tích. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, việc phân cấp quản lý còn nhiều bất cập và vướng mắc đã khiến cho công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích gặp nhiều khó khăn.

Chỉnh trang các di tích, thiết chế văn hóa phục vụ Lễ hội Vì Hòa bình

Lệ Như |

Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 là sự kiện văn hóa lớn của quốc gia nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng cho quê hương, đất nước và nhân loại. Lễ hội còn để tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ, các nạn nhân chiến tranh và quảng bá mảnh đất, con người Quảng Trị. Để tổ chức lễ hội thành công, công tác chỉnh trang các di tích lịch sử, thiết chế văn hóa phục vụ lễ hội được tỉnh Quảng Trị quan tâm thực hiện.