Nhiều điểm du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống và điểm vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện đã hoạt động trở lại sau thời gian tạm nghỉ để phòng, chống COVID-19.
Nhất là thời điểm này đang bắt đầu mùa du lịch của năm, vì vậy việc kiểm soát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc là vấn đề cần được quan tâm đúng mức.
Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh vừa phối hợp với UBND TP. Đông Hà tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022 với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”. Tháng hành động hướng tới mục tiêu tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm về ATVSTP nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATVSTP. Đẩy mạnh công tác kiểm tra về ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các huyện có đường biên giới, cửa khẩu nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATVSTP; kịp thời xử lý các sự cố vi phạm nếu xảy ra trên địa bàn quản lý.
Thực tế đã có không ít vụ ngộ độc thực phẩm mà nguyên nhân do chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh không thực hiện đúng quy định về đảm bảo ATVSTP xảy ra trong thời gian qua. Trong năm 2021, cơ quan chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra nhiều lần đối với các ngành, nhóm sản phẩm, khâu chế biến có nguy cơ cao về mất ATVSTP, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời những cơ sở vi phạm. Riêng từ cuối tháng 12/2021 đến tháng 3/2022, có 7 cơ sở trên địa bàn tỉnh bị xử lý vi phạm hành chính về ATVSTP chủ yếu với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay chưa đảm bảo ATVSTP. Đặc biệt, trong hai tháng 4 và 5/2022, tỉnh Quảng Trị diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn nên lượng du khách đến rất nhiều. Để đảm bảo ATVSTP, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã đề nghị các trung tâm y tế ở huyện, thị xã, thành phố chú trọng công tác giám sát đảm bảo ATVSTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, phấn đấu đạt kết quả cao nhất nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và cộng đồng.
Tại TP. Đông Hà, Chi cục đã triển khai giám sát, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm; nguy cơ ô nhiễm thực phẩm góp phần giảm thiểu tác hại do thực phẩm không đảm bảo an toàn gây ra tại 5 cơ sở: Khách sạn Sài Gòn - Đông Hà; Mường Thanh; Mê Kông; Hữu nghị và Nhà khách Tỉnh ủy. Kết quả 5/5 cơ sở có đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống; 3/5 cơ sở có đầy đủ giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở, người trực tiếp chế biến thực phẩm và người phục vụ. 3/5 cơ sở có điều kiện vật chất và trang thiết bị dụng cụ theo quy định (dụng cụ chứa thực phẩm đảm bảo, bảo quản tốt thực phẩm tránh côn trùng và động vật gây hại xâm nhập; các thùng chứa rác để xa khu vực chế biến, đều có nắp đậy; công tác vệ sinh đạt yêu cầu...). Có 2 cơ sở công tác vệ sinh khu vực bếp chưa tốt (Khu chế biến thực phẩm còn động nước; tường khu vực bếp, bàn chế biến, cửa kính và bồn rửa còn bám bẩn, thùng rác không có nắp đậy); 2 cơ sở chưa ghi chép vào sổ kiểm thực đầy đủ 3 bước, lượng mẫu thực phẩm lưu ít hơn so với quy định. Trước tình hình này, chi cục đã tiến hành lập biên bản những tồn tại và yêu cầu các cơ sở vi phạm sớm khắc phục. Nhờ chủ động nên trong đợt lễ vừa qua, tình hình ATVSTP trên địa bàn của tỉnh cũng như các cơ sở được giám sát đảm bảo yêu cầu.
Tuy nhiên, vấn đề ATVSTP luôn là mối lo của rất nhiều người, cơ quan chức năng, vì vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan khắp thị trường, từ các chợ dân sinh cho đến các điểm bán hàng trực tuyến. Tình trạng mất ATVSTP ngày càng tăng, chưa có cách giải quyết triệt để. Phần lớn các thực phẩm này không đảm bảo về chất lượng, không rõ nguồn gốc, khiến người tiêu dùng khó lựa chọn được các sản phẩm tốt. Quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm bị nhiễm độc từ môi trường, nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi… làm tăng nguy cơ rau, quả nhiễm hàm lượng kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Quảng Trị Hoàng Đình Ấn cho biết, thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Trị cùng nhiều địa phương trên cả nước đã chuyển sang trạng thái bình thường mới. Cùng với tiếp tục phòng, chống COVID-19, đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, thì công tác đảm bảo ATVSTP cần được chú trọng hơn nữa. Nhất là hiện nay nhiều điểm du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn đã hoạt động trở lại. Vì vậy, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cần lưu ý đảm bảo vệ sinh môi trường cho cả khu vực liên quan; khu vực đón tiếp khách, người phục vụ không mắc các bệnh truyền nhiễm, chú ý bảo hộ lao động; cung cấp hải sản cho khách tránh các loại tẩm ướp, hóa chất bảo quản... để góp phần giảm thiểu tác hại do thực phẩm không an toàn gây ra.
Theo ông Ấn, các cơ quan và ngành chức năng, chính quyền địa phương cần đổi mới, đa dạng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục về ATVSTP. Nêu cao vai trò của chính quyền cơ sở, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng trong việc tuân thủ pháp luật về ATVSTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần nâng cao đạo đức kinh doanh, thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong kinh doanh, chế biến thực phẩm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)