Để du lịch Hướng Hóa “cất cánh”

Trúc Phương |

Sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng và phong phú, Hướng Hóa (Quảng Trị) là một trong những địa phương hội tụ đầy đủ yếu tố để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái cộng đồng.


Khai thác tiềm năng du lịch

Là huyện miền núi nằm ở phía Tây Quảng Trị, Hướng Hóa có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng khi được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp, hùng vĩ với rừng núi, hệ thống thác, động, sông, suối, hồ nước đa dạng, nguyên sơ; hệ sinh thái, động, thực vật phong phú. Thời tiết khí hậu nơi đây mát mẻ quanh năm, nền nông nghiệp phát triển bền vững với nhiều nông sản mang tính đặc trưng, tạo ấn tượng cho du khách đến tham quan...

Thôn Chênh Vênh nhìn từ trên cao xuống - Ảnh: T.P
Thôn Chênh Vênh nhìn từ trên cao xuống - Ảnh: T.P

Thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng là nơi hội đủ các điều kiện để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng với hệ thống nhà sàn truyền thống đủ điều kiện lưu trú; hệ thống thác nước, sông suối đẹp gắn liền với núi rừng hoang sơ; đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều phong phú, đặc sắc…Nhằm khai thác lợi thế có sẵn, hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch, Tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam đã phối hợp với huyện Hướng Hóa và xã Hướng Phùng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng homestay tại đây.

Để thực hiện mô hình này, Tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam đã đầu tư trên 650 triệu đồng tập trung cải tạo 5 ngôi nhà sàn, xây mới 1 nhà sàn truyền thống, hệ thống công trình vệ sinh, điện mặt trời, giếng nước, khu vực vườn hoa…

Huyện Hướng Hóa hỗ trợ 35 triệu đồng để mua sắm thêm quạt điện, chăn, ga, gối, màn… tại các nhà lưu trú; trang phục truyền thống của người Vân Kiều trưng bày tại nhà truyền thống và hỗ trợ tập huấn kỹ năng thực hiện mô hình du lịch cộng đồng cho đội ngũ tham gia làm du lịch tại đây.

Mô hình du lịch cộng đồng Chênh Vênh có nhiều lợi thế như không khí trong lành, nằm cạnh danh thắng thác Chênh Vênh, có nhiều nông sản đặc trưng như cà phê, măng rừng, chanh leo…, đặc biệt là bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Vân Kiều.

Không chỉ có thiên nhiên, Hướng Hóa cũng là vùng đất có lịch sử lâu đời với truyền thống cách mạng hào hùng và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. So với các địa phương khác, Hướng Hóa sở hữu không gian văn hóa mang đậm bản sắc của đồng dân tộc Vân Kiều, Pa Kô với hệ thống các lễ hội, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian; văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, ngôn ngữ, chữ viết, trang phục..

Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, nhằm mang lại lợi ích thiết thực về vật chất và tinh thần cho người dân, cộng đồng xã hội, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Có thể khẳng định, Hướng Hóa đang có được nguồn lực nội sinh để phát triển KT-XH, đồng thời đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Giải pháp đưa du lịch Hướng Hóa “cất cánh”

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin (VH&TT) huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Huyền cho biết, với những tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện đã đề ra các nội dung cụ thể trong khai thác du lịch cộng đồng.

Thác Tà Puồng là một điểm khó thể bỏ qua khi đặt chân đến huyện miền núi Hướng Hóa - Ảnh: T.P
Thác Tà Puồng là một điểm khó thể bỏ qua khi đặt chân đến huyện miền núi Hướng Hóa - Ảnh: T.P

Trong đó, chú trọng quảng bá tiềm năng lợi thế về du lịch của huyện trên các kênh truyền thông; đề xuất tỉnh đưa vào quy hoạch các điểm du lịch có tiềm năng. Đồng thời tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư; phát triển cơ sở hạ tầng; tổ chức hội nghị, hội thảo tìm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hướng Hóa cũng đã xây dựng Chương trình hành động với mục tiêu: Tập trung phát triển du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đến năm 2025 đưa Hướng Hóa trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn ở tỉnh Quảng Trị; đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, tạo bước đột phá trong phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Điều đáng mừng là hiện nay, ý thức tham gia làm du lịch cộng đồng của người dân được nâng lên rõ rệt. Một số hộ gia đình trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã bắt đầu bắt tay vào xây dựng mô hình thí điểm. Các mô hình homestay, farmstay được hình thành thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Bình quân hằng năm Hướng Hóa đón 120 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Tuy nhiên, hầu hết các mô hình này đều phát triển tự phát, xây dựng trên đất nông nghiệp, chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định pháp luật. Ngoài ra, thực tế các di tích lịch sử một số nơi đã xuống cấp, chưa được đầu tư tôn tạo.

Văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn đã có sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền trong cuộc sống đương đại, nhiều nét văn hóa truyền thống đã có sự thay đổi, có nguy cơ bị mai một dần.

Mô hình du lịch tại Hướng Hóa thu hút lượng khách lớn đến tham quan - Ảnh: T.P
Mô hình du lịch tại Hướng Hóa thu hút lượng khách lớn đến tham quan - Ảnh: T.P

Nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch còn khó khăn. Mặc dù ý thức làm du lịch của người dân đã được nâng lên, nhưng còn ở mức sơ khai ban đầu.

Chất lượng các dịch vụ du lịch nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách, chưa có sự liên kết với các địa phương lân cận để xây dựng các tour, tuyến du lịch liên tỉnh. Đây là những tồn tại gây khó khăn trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng tại Hướng Hóa.

“Hướng Hóa có địa chính trị, địa tự nhiên rất độc đáo trong lịch sử. Theo chiều Đông-Tây, đây là một huyết mạch trên con đường giao thương giữa miền núi và miền biển từ ải Ai Lao (Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo bây giờ). Theo chiều Nam-Bắc, thì đây cũng là một điểm then chốt, có một cộng đồng chủ thể người Bru-Vân Kiều rất độc đáo trong lịch sử Việt Nam”.

T.S Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế

Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân khẳng định: “Hướng Hóa có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Để khắc phục khó khăn, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hành động về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, của huyện và đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa”. Đồng thời, chú trọng quảng bá hình ảnh, cơ cấu lại sản phẩm du lịch, xây dựng mô hình và sản phẩm đặc thù, gắn với những tiềm năng, lợi thế tự nhiên, cũng như nét đặc sắc, riêng có về văn hóa, con người của từng địa phương trên địa bàn huyện”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nghệ thuật quần chúng vẫn hấp dẫn khán giả

PV-Danh |

Hàng ngàn lượt người xem và đánh giá cao Liên hoan nghệ thuật quần chúng “Rừng xanh vang tiếng Ta Lư tỉnh Quảng Trị” lần thứ V - năm 2023 cho thấy sức hấp dẫn của nghệ thuật quần chúng. Liên hoan lần này với chủ đề "Những bài ca đi cùng năm tháng" đã tổng kết, bế mạc và công diễn tại Sân vận động thị trấn Khe Sanh tối ngày 5/7/2023.

Đầu tư, tôn tạo di tích lịch sử lưu niệm danh nhân mộ Tiến sĩ Bùi Dục Tài

Kăn Sương |

Ngày 5/7, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Quảng Trị Hồ Thị Thu Hằng chủ trì buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về tờ trình của UBND tỉnh đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Đầu tư, tôn tạo di tích lịch sử lưu niệm danh nhân mộ Tiến sĩ Bùi Dục Tài”.

Sa Mù, bông trời bay trắng cả rừng cây

Hoàng Công Danh |

Một ngày mùa hạ, chúng tôi lên Sa Mù (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị). Cung đường đèo ngoằn ngoèo ấy tôi cũng đã từng qua mấy lần, và lần nào cũng có cảm giác mới mẻ. 

Chuỗi lễ hội tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2023

PV |

Diễn ra từ ngày 28/7 đến 1/8, Đà Nẵng sẽ sôi động hơn với 11 hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2023 - Wow Đà Nẵng.