“Địa chỉ đỏ” - Lịch sử mãi trường tồn

Bảo Bình |

Cam Lộ (Quảng Trị) là một vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Đây là nơi đã hai lần được chọn đặt “kinh đô kháng chiến”, đó là Thành Tân Sở ở xã Cam Chính-nơi vua Hàm Nghi dựng cờ, ban chiếu Cần Vương chống Pháp và thị trấn Cam Lộ - nơi đặt trụ sở làm việc và đón tiếp ngoại giao của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam thời chống Mỹ. Cùng với di tích Nhà Tằm Tân Tường có tầm vóc bề dày lịch sử cận đại và mang nét đặc thù như một bản doanh của cả hai thời kỳ trước và sau ngày có Đảng đã tạo nên chuỗi kết nối di tích: Nhà Tằm Tân Tường -Thành Tân Sở - Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam.

Từ sau lễ rước Long vị vua Hàm Nghi từ Thế Miếu-Đại nội Huế về an vị tại Đền thờ ở Di tích quốc gia Thành Tân Sở được tổ chức vào năm 2020, di tích Thành Tân Sở được nhiều du khách gần xa đặc biệt quan tâm khi đến Cam Lộ. Thành Tân Sở được khởi công xây dựng từ năm 1883- 1885. Sau sự kiện Kinh thành Huế thất thủ đêm 4, rạng sáng 5/7/1885 (23/5 âm lịch), hai đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã quyết định đưa vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành Huế tìm đường cứu nước. Tân Sở được vua Hàm Nghi cùng các sĩ phu chọn làm nơi xây dựng căn cứ kháng chiến. Tại đây, ngày 13/7/1885, vua Hàm Nghi đã ban chiếu Cần Vương, kêu gọi Nhân dân đấu tranh giành lại giang sơn.

Đoàn đại biểu cấp cao Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Cuba thăm Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam năm 2018 - Ảnh: T.T
Đoàn đại biểu cấp cao Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Cuba thăm Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam năm 2018 - Ảnh: T.T

Để tri ân vua Hàm Nghi và các tướng sĩ phong trào Cần Vương, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, huyện Cam Lộ cùng với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị và Thành Tân Sở được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1995. Năm 2019, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt đầu tư xây dựng công trình Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương. Năm 2020, UBND huyện Cam Lộ phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) tổ chức lễ rước Long vị vua Hàm Nghi từ Thế Miếu-Đại nội Huế, về an vị tại đền thờ ở Di tích quốc gia Thành Tân Sở, xã Cam Chính.

Đây trở thành địa chỉ đỏ cho du khách gần xa tìm về tham quan. Nhiều trường học trong tỉnh cũng chọn điểm đến đền thờ vua Hàm Nghi, Khu di tích Thành Tân Sở làm nơi dã ngoại, tham quan cho học sinh. “Thành Tân Sở được phục dựng và đưa vào phục vụ du khách tham quan, dâng hương, tìm hiểu truyền thống lịch sử. Người dân đến đây rất thích thú khi chiêm ngưỡng kiến trúc được phục dựng mang phong cách kinh thành Huế, được hiểu hơn về những dấu mốc lịch sử trong cuộc đời vua Hàm Nghi”, anh Nguyễn Văn Hiếu, hướng dẫn viên tại Đền thờ vua Hàm Nghi, Khu di tích thành Tân Sở cho biết như thế.

Thành Tân Sở kết nối với di tích Nhà Tằm Tân Tường bằng mối liên kết đặc biệt. Sau khi phong trào Cần Vương phò vua đánh giặc cứu nước tan rã, trên hành trình từ kinh đô kháng chiến Tân Sở trở về quê, cụ Lê Thế Vỹ người làng Tường Vân, xã Triệu An, huyện Triệu Phong nhận thấy vùng đất Cam Lộ là nơi thuận lợi để phát triển phong trào cách mạng lâu dài nên đã lập ra làng Tân Tường, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ ngày nay để trồng dâu, nuôi tằm, bí mật gây dựng cơ sở hoạt động cách mạng. Trải qua hai giai đoạn lịch sử 1914-1918 đến 1928-1945, địa danh Nhà Tằm Tân Tường đã gắn liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động của các bậc tiền bối trong phong trào Cần Vương trước đây, là nơi luyện tập nghĩa quân, rèn đúc vũ khí, tích lũy lương thực giúp vua Duy Tân khởi nghĩa.

Từ Nhà Tằm, những “hạt giống đỏ” phong trào cách mạng lớn dần theo năm tháng. Con trai cụ Lê Thế Vỹ là Lê Thế Tiết trở thành Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đầu tiên. Nơi đây, Chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Cam Lộ ra đời-một trong các chi bộ sớm nhất của tỉnh Quảng Trị do cụ Lê Thế Tiết làm Bí thư, cũng là nơi thành lập Tỉnh ủy Quảng Trị, lãnh đạo Nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng quê hương, đất nước ngày một ấm no, giàu mạnh. Cũng tại nơi đây, các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng thường ra vào hội họp chỉ đạo phong trào, với nhiều sự kiện trọng đại.

Một địa chỉ đỏ khác nằm ngay trên thị trấn Cam Lộ thu hút du khách khi đến thăm vùng đất này, đó là di tích Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam được khánh thành ngày 30/5/1973. Từ năm 1973-1975, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đã có nhiều hoạt động trên trường quốc tế như đón tiếp các đại sứ đến đặt quan hệ ngoại giao, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc. Cũng tại nơi này, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đã đưa ra những chiến lược, sách lược nhạy bén lãnh đạo Nhân dân miền Nam đấu tranh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.

Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt ngày 25/1/1991. Sau năm 1975, khi Chính phủ cách mạng lâm thời kết thúc vai trò lịch sử của mình thì toàn bộ khu trụ sở được chuyển giao cho cơ quan dân sự quản lý.

Với giá trị to lớn của di tích, vào đầu năm 2007, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã đầu tư tôn tạo nhiều hạng mục quan trọng, trong đó phải kể đến nhà làm việc của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam được phục dựng theo nguyên gốc. Nhưng để sử dụng và phát huy lâu dài, công trình được kiên cố hóa trên nguyên tắc bảo vệ yếu tố gốc của di tích về mặt kiến trúc và không gian lịch sử, không gian nội thất ngôi nhà được phục dựng như trước đây.

Nhà Chính phủ được chia làm 3 phòng: Phòng chính giữa là phòng giao tế, nơi tổ chức các đại lễ ngoại giao, nơi đại sứ các nước đến trình Quốc thư đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam. Đặc biệt, tại đây ngày 6/6/1973, Chính phủ cách mạng lâm thời đã làm lễ ra mắt Nhân dân trong buổi lễ mít tinh long trọng, trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên, báo chí, trong và ngoài nước. Đại biểu của 19 nước anh em bầu bạn khắp năm châu đã tới dự, làm lễ trình Quốc thư.

Gian trưng bày hình ảnh các đại sứ đến trình Quốc thư đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam - Ảnh: T.T
Gian trưng bày hình ảnh các đại sứ đến trình Quốc thư đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam - Ảnh: T.T

Cũng tại nơi đây, vào cuối năm 1973, các đồng chí lãnh đạo của các nước anh em, trong đó có đồng chí Fidel Castro-Chủ tịch Đảng Cộng sản Cuba, đồng chí Jorger Marsel-Bí thư Đảng Cộng sản Pháp đã đến thăm và cổ vũ nhiệt tình cuộc đấu tranh gian khổ của Nhân dân miền Nam. Phòng chính giữa bài trí hết sức đơn giản. Lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được gắn trên tường. Tất cả những chi tiết còn lại như bục gỗ, lọ hoa, các chậu cây, thảm hoa cùng với các loại thảm đỏ, thảm cói đều được bố trí gần như nguyên trạng.

Phòng bên phải là nơi tiếp khách của Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Nguyễn Hữu Thọ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình: Mảng tường chính treo hình ảnh Bác Hồ, giữa phòng đặt bộ ghế mây, quạt điện… Phòng bên trái là nơi nghỉ của Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Nguyễn Hữu Thọ. Phòng có giường ngủ, bàn uống nước và một công trình phụ riêng. Khu di tích Trụ sở Chính Phủ CMLTCHMN Việt Nam tại Cam Lộ là một trong những minh chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh gian khổ nhưng oanh liệt, hào hùng của nhân dân miền Nam.

Từ thành Tân Sở đến Nhà Tằm Tân Tường, Khu di tích Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam, mỗi địa danh đều mang trên mình một câu chuyện lịch sử gắn với công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương của bao lớp người đi trước đã trở thành “địa chỉ đỏ”, nơi về nguồn không chỉ thế hệ trẻ mà cho những ai biết yêu chuộng hòa bình trên thế giới đến đây chiêm ngưỡng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Người Cam Lộ

Thuận An |

Trong các làng cổ Quảng Trị được thành lập vào giai đoạn 1307-1553 có ba hương thôn thuộc huyện Cam Lộ (Quảng Trị) ngày nay, đó là Trúc Kinh, Kim Đâu và Trương Xá. Điều này cho thấy việc hình thành các làng quê từ xưa và cho đến hôm nay vẫn theo hướng gần như quy luật từ Bắc vào Nam và từ Đông sang Tây và Cam Lộ cũng vậy.

Xây dựng Làng văn hóa thành "địa chỉ đỏ" của 54 dân tộc anh em

Minh Thu |

Với sự tái hiện sinh động và đa dạng văn hóa vùng miền của đồng bào các dân tộc, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam thực sự là trung tâm văn hóa-du lịch hấp dẫn, ý nghĩa và đáng đến.

Tổ chức "Mô hình sáng tạo" tại địa chỉ đỏ

Hải Thanh |

Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) vừa tổ chức hoạt động trải nghiệm tại địa chỉ đỏ Khu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 

Đội viên hát Quốc ca tại các địa chỉ đỏ

Quang Hiệp |

Hưởng ứng cuộc thi “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”, đông đảo đội viên đến từ các liên đội trên địa bàn tỉnh đã có mặt tại các địa chỉ đỏ để chào cờ, hát Quốc ca, tìm hiểu lịch sử truyền thống mảnh đất, con người Quảng Trị. Sau khi được đăng tải trên website Truyền hình thanh niên, các video clip ghi lại những hoạt động trên đã nhận được sự ủng hộ, bình chọn cao.