Hiện nay, tỉnh Quảng Trị có 3 khu công nghiệp (KCN) và 2 khu kinh tế (KKT) nằm trong quy hoạch phát triển các KCN, KKT ở Việt Nam, bao gồm: KCN Nam Đông Hà, KCN Quán Ngang, KCN Tây Bắc Hồ Xá, Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Trong đó, KCN Tây Bắc Hồ Xá là khu công nghiệp mới, có nhiều yếu tố và điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngày 28/12/2012, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 2809/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng KCN Tây Bắc Hồ Xá, tỉ lệ 1/2.000. Theo đó, KCN Tây Bắc Hồ Xá có tổng diện tích 339 ha nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, được phân thành hai khu: Khu A có quy mô 200,95 ha và Khu B có quy mô 138,41 ha. Tính chất của KCN Tây Bắc Hồ Xá là khu công nghiệp đa ngành tập trung với các loại hình công nghiệp: Cơ khí sửa chữa máy, lắp ráp điện tử, giày da, may mặc và hàng thủ công mỹ nghệ, công nghiệp chế biến nông lâm sản, kho hàng trung chuyển. Đến nay, tại KCN Tây Bắc Hồ Xá đã hoàn thành công tác rà phá bom mìn và xây dựng một số hạng mục chính.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tây Bắc Hồ Xá. Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN; cho thuê văn phòng, nhà xưởng. Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Quang Anh Quảng Trị. Địa điểm thực hiện dự án tại 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh. Dự án có quy mô sử dụng đất 214,77 ha; tổng vốn đầu tư của dự án 925 tỉ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 200 tỉ đồng. Giao UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng; cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó có chuyển mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật. UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh yêu cầu nhà đầu tư thực hiện trồng rừng thay thế hoặc hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác theo quy định; tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, vận hành các công trình, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ môi trường trong từng giai đoạn phát triển của khu công nghiệp.
Cùng với đó, Tổng Công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam CTCP đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho khảo sát, nghiên cứu và lập hồ sơ đề xuất dự án Nhà máy xử lý nước sạch phục vụ KCN Tây Bắc Hồ Xá và vùng phụ cận huyện Vĩnh Linh. Hiện tại, tuy cơ sở hạ tầng tại KCN Tây Bắc Hồ Xá chưa được đầu tư hoàn thiện nhưng đã thu hút được 8 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.341 tỉ đồng, diện tích đất là 233,7 ha, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động, thu nhập bình quân của người lao động đạt 5 triệu đồng/ người/tháng.
Theo phân tích của ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, so với các KCN khác trên cả nước và các KCN trên địa bàn tỉnh, KCN Tây Bắc Hồ Xá có nhiều lợi thế thu hút đầu tư. Trước hết, KCN Tây Bắc Hồ Xá ở vị trí rất thuận lợi về giao thông đường bộ, nằm cận kề Quốc lộ 1 hướng từ Bắc vào Nam, cách trung tâm thành phố Đông Hà 35 km về phía Bắc, cách cảng Cửa Việt 35 km, cảng Chân Mây 170 km, cảng Đà Nẵng 203 km, tiếp giáp với huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Do vậy, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, phương tiện phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh sẽ dễ dàng, chịu ít chi phí. Địa hình mặt bằng tại KCN Tây Bắc Hồ Xá hiện nay tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đất rừng trồng, do đó kinh phí san lấp, bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ rất thuận lợi. Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, KCN Tây Bắc Hồ Xá thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế đất theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động tại KCN Tây Bắc Hồ Xá sẽ được hưởng các chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định của UBND tỉnh tại Quyết định số 39/2016/QĐUBND ngày 21/9/2016 về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Về nguồn lao động, chi phí lao động, KCN Tây Bắc Hồ Xá nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, tiếp giáp với huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị và huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đây là những địa phương có nguồn lao động trẻ, dồi dào, tích cực, chịu khó, chi phí nhân công phải chăng, do đó việc tuyển dụng và sử dụng nguồn lao động này cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ thuận lợi, chi phí đào tạo, đào tạo lại do doanh nghiệp chi trả sẽ tốn ít thời gian và kinh phí. Về nguồn tài nguyên, địa bàn huyện Vĩnh Linh có nguồn tài nguyên khá dồi dào và phong phú từ tài nguyên rừng, khoáng sản, đất đỏ ba dan, thủy, hải sản, hồ tiêu, cao su…Vì vậy, các dự án đầu tư trong lĩnh vực chế biến gỗ, khai thác khoáng sản, chế biến thủy, hải sản, cao su…dễ dàng tiếp cận nguồn nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, những năm qua, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, UBND huyện rất chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi, sức hấp dẫn hơn nữa cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh thu hút các nguồn lực đầu tư để khai thác các tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương. Để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, huyện Vĩnh Linh đề ra nhiều nội dung và giải pháp, bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch hành động số 09 đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động biết và thực hiện. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo tính công khai minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan thực hiện. Nghiêm túc thực hiện cơ chế một cửa trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục cho doanh nghiệp trong thời gian nhanh nhất. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò quản lý, điều hành của các phòng, ban, đơn vị nhằm giải quyết ý kiến, kiến nghị của các thành phần kinh tế. Tiến hành rà soát quy hoạch xây dựng, công khai quy hoạch, kế hoạch quỹ đất chưa sử dụng một cách minh bạch. Tập trung công tác giải phóng mặt bằng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sớm triển khai các dự án đầu tư. Huyện Vĩnh Linh đặt ra mục tiêu cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính phục vụ doanh nghiệp của huyện nằm trong nhóm đầu của tỉnh. Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp như đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục về thuế, bảo hiểm... Huyện quyết tâm tạo thuận lợi về mặt pháp lý để có thêm nhiều doanh nghiệp, các nhà đầu tư có chiến lược làm ăn lâu dài tại Vĩnh Linh.
Hiện ở Vĩnh Linh có 3 cụm công nghiệp (CCN) đó là CCN Cửa Tùng (9 ha), CCN Bến Quan (15 ha), CCN vùng Đông Vĩnh Linh (15 ha). Những CCN này sẽ kết nối với KCN Tây Bắc Hồ Xá để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của huyện Vĩnh Linh, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh từ kinh tế biển, vùng đồng bằng và vùng gò đồi, miền núi của huyện. Trong đó, KCN Tây Bắc Hồ Xá là khu công nghiệp mới, có nhiều triển vọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Bên cạnh các chính sách hỗ trợ và phát triển đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc về chính sách thuế của Nhà nước, tỉnh Quảng Trị và huyện Vĩnh Linh cũng đã đề ra những chính sách, kế hoạch để đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, CCN trên địa bàn, để nơi đây thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong tương lai gần”, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)