Đình làng Quảng Trị

Phạm Xuân Dũng |

Trong quá trình hình thành và phát triển của các làng quê Việt Nam thì hầu như một thiết chế tâm linh, tín ngưỡng không thể thiếu được từ Bắc chí Nam, đó chính là đình làng. Từ xưa đến nay, ở nông thôn, trong các công trình tâm linh của làng Việt thì đình làng là đứng đầu, có vị trí đặc biệt quan trọng không thể thay thế được trong đời sống tinh thần và văn hóa của cư dân nước ta.

Bởi đình làng có một vai trò quan trọng nên nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về đình làng. Trong đó có người đã viết hẳn một cuốn sách có tên gọi “Triết lý cái đình” như học giả Kim Định xuất bản cách đây tròn nửa thế kỷ. Ông đã có ý kiến xác đáng khi tôn vinh giá trị và ý nghĩa của đình làng: “Cái đình có thể coi là đỉnh chót vót của nền văn minh Việt. Nền văn minh này đặt trên nền tảng gia đình, nhiều gia đình họp thành khu, xóm, ấp và đặt đến cùng là làng. Nhà của làng là đình. Đấy là nền văn hóa xây trên đất tha nhân, trời hòa, đất hòa. Nói cụ thể là hòa đạo với đời, hòa siêu nhiên với tự nhiên”.

Đình làng là nơi cất giấu ký ức tập thể chốn hương thôn của người dân bao đời nên nó vừa thiêng liêng lại vừa gần gũi. Nhắc đến làng quê người ta thường nói đến mẫu số chung cũng gồm 3 điều vô cùng thân thuộc và đáng nhớ trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, đó là: Cây đa, bến nước, sân đình.

Đình làng Nghĩa An -Ảnh: PXD
Đình làng Nghĩa An -Ảnh: PXD

Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Quảng Trị Hồ Huy cho biết: “Đình làng có một ý nghĩa vô cùng quan trọng với các làng quê. Vị trí đình làng thường chọn tọa lạc ở những nơi cao, rộng và thoáng. Về mặt phong thủy, đình làng thường tựa lưng vào núi đồi, mặt hướng ra sông, hồ. Đình làng thường chọn nhìn ra hướng nam. Đình làng Quảng Trị có thừa kế kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ nhưng cũng có những thay đổi cho phù hợp với đặc thù của đất này”.

Kiến trúc đình làng Quảng Trị xưa nay được bố trí một vài ba cách khác nhau như: Chỉ một tòa đại đình như chữ nhất theo chiều dọc như đình Bích La, mặt đình mở ra từ chái có tuổi đời ba bốn trăm năm nhưng nay đã đổi thay ít giữ được nguyên bản như đình làng Nghĩa An, Hà Thượng; hai là một nếp nhà ngang như đình làng Trung Chỉ, hoặc giống chữ nhị gồm hai nhà song song như đình Lập Thạch.

Đình làng Lập Thạch thuộc phường Đông Lễ mặt chính hướng ra phía Đông đối diện sông Thạch Hãn. Kiến trúc ngôi đình ngoài nghi môn chỉ được tạo bởi hai nếp nhà song ngang theo lối chữ “nhị” với lối kiến trúc bình thường như một nhà dân, quy mô nhỏ bé. Đình làng Lập Thạch là công trình có giá trị về văn hóa, nghệ thuật, nhất là công trình nghi môn. Đình tọa lạc ở vị trí đắc địa về phong thủy và có sơn thủy hữu tình, quay mặt về hướng Đông Nam. Dòng sông Thạch Hãn trong xanh, hiền hòa đóng vai trò như một minh đường; hậu chẩm dựa lưng vào xóm làng, ruộng đồng trù phú. Đình làng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nơi đây gắn liền với việc thành lập chi bộ cộng sản khi Đảng vừa mới thành lập và những sự kiện cách mạng ở vùng đất này.

Nếu đình làng Lập Thạch có quy mô tương đối nhỏ thì đình làng Điếu Ngao thuộc Phường 2, thành phố Đông Hà lại bề thế hơn bởi có khuôn viên rộng hơn nhiều, mặt hướng ra sông Hiếu. Tổng diện tích khuôn viên đình làng lên đến 7.000 m2 , còn riêng diện tích gần 560 m2 , sân đình có cây đa cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm. Tòa đại đình hình chữ nhất, được cấu trúc bởi một bộ khung gỗ chịu lực theo mô thức của một ngôi nhà rường 3 gian, 2 chái như thường thấy ở vùng đất Quảng Trị. Bộ khung gỗ được kết cấu theo kiểu vài luôn; phân bố cột 4 hàng chân. Tức là chỉ có hệ thống cột hàng nhất và cột hàng 2 tiền và hậu; hệ thống cột hàng 3 tiền và hậu đều được cắt ngắn để gác lên tường. Hệ thống cột đấm, cột quyết, kèo đấm, kèo quyết được tạo bởi dạng đấm/ quyết thiệt (đấm/quyết kép) để mở rộng lòng nhà từ 5 gian thành 7 gian nhưng những cột đấm, quyết hàng hai cũng đều đã bị cắt ngắn để gác lên tường. Vì thế tường gạch bao quanh các phía có tác dụng chịu lực. Kèo hiên được tạo dáng kiểu kèo cù; cột hiên xây bằng gạch, xi măng. Ngoài các giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đình làng Điếu Ngao còn được ghi nhận là một di tích lịch sử cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân thành phố Đông Hà.

Có một ngôi đình làng quan trọng không thể bỏ qua, đó là đình làng Nghĩa An thuộc phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà nằm gần chiếc cầu tàu bắc ngang qua sông Hiếu cũng ghi dấu chiến công trong kháng chiến chống Pháp. Đình làng Nghĩa An mặt quay ra sông, lưng dựa vào ruộng đồng, tọa lạc ở một nơi cao ráo, đối diện hướng Nam, được người xưa cho là đắc địa trong phong thủy. Đình làng Nghĩa An cùng với hệ thống giếng Chăm nơi đây được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia. Ngôi đình hiện còn xây dựng theo quy cách của lần trùng tu vào năm 1959, tức là đình trung gồm ngôi nhà rường bằng gỗ 3 gian 2 chái, kết cấu theo cách thức kiểu vài luôn, mái lợp ngói móc, bên trên có gắn các chi tiết trang trí. Tiền đường là một ngôi nhà đổ mái bằng 5 gian. Mặt trước khuôn viên của đình được giới hạn bởi hệ thống cổng, ngõ, trụ biểu và tường thành được làm mới lại theo kiểu tân trang, chuộng màu sắc hơn là ý nghĩa đích thực.

Người Việt dù ở một nơi hay di cư vì một lý do nào đó thì khi có làng là phải có đình trước tiên và dù ở gần hay đi xa thì trong không gian tâm tưởng, đình làng và nơi chôn nhau cắt rốn luôn hiện hữu trong tình cảm nặng sâu với cội rễ, mạch nguồn. Bởi vậy đình làng không chỉ là hiện thân đẹp đẽ của quá khứ mà còn vững vàng trong đời sống tinh thần hiện tại và chắc hẳn sẽ vẫn tồn tại dài lâu cùng với vị lai.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bình Định xin đón khách quốc tế từ tháng 11

Minh Trang |

Mong muốn sớm phục hồi kinh tế, tỉnh Bình Định xin Thủ tướng Chính phủ cho đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11.

Số lượng voi ở Savannakhet tăng

Tổng hợp |

Số lượng voi châu Á trong Khu bảo tồn quốc gia Phou Xang Hae ở tỉnh Savannakhet đã tăng 12%.

Sớm mở lại du lịch quốc tế, bảo đảm an toàn, khoa học

Đình Nam |

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, lộ trình mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch quốc tế khẩn trương, nhưng phải bảo đảm đầy đủ các quy định, triển khai khoa học, an toàn.

Đình làng quê tôi

Ngô Nguyên Phước |

Hồi còn nhỏ, nhiều lần tôi hỏi bà nội tôi về ngôi làng của mình. Bà tôi kể khi bà về làm dâu thì làng được gọi là Tân Trại Hạ, thuộc tổng Hiền Lương, phủ Vĩnh Linh.