Năm nay dù diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, lễ hội dân gian “phá Trằm” ở tỉnh Quảng Trị vẫn thu hút hàng ngàn người tham dự.
Ngày 13/9, tại xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), người dân làng Trà Lộc tổ chức lễ hội dân gian “phá Trằm”. Đây là một trong số ít lễ hội ngư nghiệp truyền thống ở tỉnh Quảng Trị còn lưu giữ đến ngày nay. Trằm Trà Lộc là một khu đầm lầy rộng khoảng 10ha ở xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, hiện nay nằm trong khuôn viên Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc. “Trằm” theo cách gọi của người địa phương nghĩa là vùng đầm lầy có nhiều cá tôm. “Phá Trằm” nghĩa là xả nước ở đầm để cùng bắt cá tôm. Với vị trí nằm giữa vùng đồng bằng thấp trũng, xung quanh là những đồi cát với cánh rừng tràm nguyên sinh phủ bóng, Trằm Trà Lộc được ví như “lá phổi xanh” của xã Hải Xuân. Đây cũng là nguồn dự trữ nước tưới không bao giờ cạn cho sản xuất nông nghiệp của người dân trong vùng. Dù có nguồn lợi thủy sản dồi dào với rất nhiều cá tôm mà không dễ nơi nào có được nhưng để tránh việc đánh bắt quá mức làm cạn kiệt, theo quy ước của làng, người dân chỉ được bắt cá tôm vào một ngày nhất định trong năm, tức là ngày “phá Trằm” hàng năm. Vào ngày hội làng, từ tinh mơ, dân làng mang theo các loại ngư cụ như nơm, vó, lưới, vợt, rớ… kéo về khu vực Trằm Trà Lộc. Sau phần nghi lễ đơn giản, hàng trăm người cùng với các loại ngư cụ chạy ào xuống đầm đua nhau bắt cá. Không chỉ các cụ cao niên, thanh niên trai tráng mà còn có cả phụ nữ, trẻ em đều thích thú lội xuống đầm với cuộc đua bắt cá. Trên bờ, hàng nghìn người thích thú dõi theo, hò reo cổ vũ mỗi khi có người bắt được cá lớn. Theo lời kể từ các cụ cao niên ở làng Trà Lộc, lễ hội “phá Trằm” có từ hơn 300 năm nay. Lễ hội được tổ chức đều đặn hàng năm với tinh thần khuyến nông, khuyến ngư, đồng thời giúp thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng cư dân làng xã. Theo quy định của bất thành văn của làng Trà Lộc, người tham dự “phá Trằm” chỉ được dùng nơm, lưới hoặc vợt để bắt cá và chỉ bắt cá lớn, còn cá nhỏ để dành cho mùa sau. Khi bắt được cá lớn, người bắt cá phải hô lên thật to để tạo không khí vui vẻ. Anh Cáp Xuân Hòa, người dân làng Trà Lộc (Hải Xuân, huyện Hải Lăng) cho biết: “Từ hàng trăm năm nay, Trằm Trà Lộc được xem như “báu vật” của dân làng và mỗi người ai cũng phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ. Lễ hội “phá Trằm” hàng năm cũng là cách thể hiện sự đoàn kết, sẻ chia nguồn lợi chung của người dân trong làng một cách công bằng“. Theo ông Cáp Hữu Hanh, Trưởng Ban quản lý Khu sinh thái Trằm Trà Lộc cho biết, trải qua thời gian, mặc dù không còn vẹn nguyên như xưa nhưng người dân vẫn luôn ý thức giữ gìn, duy trì, bảo tồn những nét đẹp căn bản của lễ hội “phá Trằm“. Những năm gần đây, lễ hội thường được tổ chức những vào ngày cuối tuần để con em trong làng ở xa có dịp tham dự, và cũng là để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút khách du lịch gần xa đến với Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc. “Trước đây, lễ hội “phá Trằm” thường chỉ tổ chức với quy mô nhỏ, chủ yếu là ngày hội để con em trong làng có dịp tề tựu, đoàn viên sau những ngày bộn bề lo toan với cuộc sống. Ngày nay, lễ hội được tổ chức với quy mô lớn hơn và gắn với việc phát triển du lịch của địa phương”, ông Cáp Hữu Hanh cho hay. Để đánh thức tiềm năng du lịch tại Trằm Trà Lộc, mới đây, một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất với UBND tỉnh Quảng Trị cho phép triển khai dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Trằm Trà Lộc. Dự án mong muốn biến nơi đây thành một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp, tạo thêm một điểm đến cho du khách khám phá khi đến du lịch tại địa phương.