Độc đáo trang phục cưới của người Pa Kô

Kô Kăn Sương |

Cũng như bao dân tộc khác ở Việt Nam, lễ cưới là dịp đại hỷ nên người Pa Kô ở đại ngàn Trường Sơn chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đặc biệt là trang phục của cô dâu, chú rể. Với trai gái người Pa Kô, được khoác lên mình những bộ áo, váy đẹp, trang sức quý trong lễ cưới cũng thể hiện kỳ vọng về một cuộc hôn nhân hạnh phúc, gia đình ấm no, con cháu đề huề.

Sau những buổi “đi sim” dưới ánh trăng sáng giữa núi rừng thơ mộng, trao cho nhau những câu hát giao duyên, tình ái đầy lãng mạn qua các làn điệu dân ca như tà-oái, xà-nớt..., trai gái người Pa Kô hứa hẹn cùng nhau sống đến bạc đầu. Được sự đồng ý của bố mẹ hai bên, nghi lễ pố xé (đám hỏi) sẽ được tiến hành. Gia đình nhà trai đến nhà gái để hỏi vợ.

Ở nghi lễ này, lễ vật bên nhà trai chuẩn bị gồm vàng, bạc, hạt mã não... làm sính lễ do bên nhà gái thách cưới. Khi đồng ý gả con, nhà gái sẽ trao cho nhà trai một tấm zèng (vải thổ cẩm) để nhận lời và báo cho nhà trai chuẩn bị lễ vật cũng như ấn định thời gian tổ chức lễ cưới. Nghi lễ cheang akay hay còn gọi là axear akay (lễ cưới) được bắt đầu bằng thủ tục pai giàng (Pai a ngôh - lễ xuất gia) để báo cho tổ tiên, xin phép tổ chức đám cưới và cho phép cô dâu được nhập Giàng (bổn mạng của cô dâu) qua nhà trai. Lễ đón dâu, bên nhà trai chỉ cần đại diện vài người đủ thành phần là được, tất nhiên chú rể phải có mặt.

 

Chú rể đi trước với tấm zèng vắt chéo ngang người, trên đầu cuốn tấm zèng màu đỏ thắt kiểu đuôi gà phía sau đầu, cô dâu theo sau cùng với người phù dâu gọi là Aneang từ nhà gái tới nhà trai để làm lễ với trang phục rực rỡ, trên đầu cô dâu đội một tấm zèng chưa may thành váy. Mẹ chồng đợi dưới chân cầu thang nhà sàn để đón nhận con dâu.

Trong lễ pârxool hay ârvôi (đón chào và trao lễ), nhà gái sẽ trao một số lễ vật cho nhà trai như: Zèng, gà luộc, gói xôi, bánh a koát (một loại bánh làm bằng gạo nếp, hình tam giác, gói trong lá đót hoặc lá sa nhân, tượng trưng cho cặp sừng trâu, vợ chồng đẹp đôi), bánh achŏih (làm bằng gạo nếp, bánh không có nhân được gói bằng lá cây đót), trong đó zèng là nhiều nhất. Sau lễ chào hỏi, mẹ chồng sẽ cởi bỏ tấm khăn đội đầu cô dâu, rồi đeo cho cô con dâu những trang sức như vòng tay bằng bạc, chuỗi cườm đeo cổ bằng hạt mã não. Đối với người Pa Kô, trang phục cô dâu, chú rể và các thành viên dự lễ nhà trai là trách nhiệm của nhà gái chuẩn bị. Nhà trai không đòi hỏi nhưng việc chuẩn bị đầy đủ khăn, váy, áo, khố cho đôi bên của nhà gái thể hiện sự tôn trọng, gắn kết nghĩa tình với nhà trai.

Hàng trăm năm về trước, khi chưa có vải thổ cẩm, mỗi khi đến dịp cưới, hỏi, người Pa Kô phải vào rừng lấy vỏ cây a mưng đập mềm, ngâm nước cho hết chất độc, phơi khô, vo mềm lại thành sợi để chế tác thành áo, thân váy cho cô dâu; khố của chú rể làm đơn giản hơn, dùng sợi vỏ cây đã khô kết thành một tấm dài khi mang quấn lại... Sợi chỉ dùng để khâu được lấy từ cây mây. Sau này có vải thổ cẩm, việc chuẩn bị trang phục cưới thuận lợi hơn, tuy vẫn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình.

Cô dâu người Pa Kô trong trang phục cưới truyền thống - Ảnh: K.S
Cô dâu người Pa Kô trong trang phục cưới truyền thống - Ảnh: K.S

Những gia đình có con gái sẽ chủ động tích góp của cải, vật nuôi trước vài năm để gả chồng cho con. Những nhà khá giả sẽ sắm tấm zèng làm áo, váy cưới, khăn đội đầu cô dâu rất đẹp như ârtŏŏng (loại thổ cẩm dày đặc họa tiết, hoa văn nổi bật được kết bởi các hạt cườm nhỏ màu trắng, đen, đỏ, phối rất tinh xảo); gia đình khó khăn hơn thì sắm ârpoong (họa tiết ít hơn) hoặc Atěng, A Păk (màu đen ít hoặc màu đen nhiều, thường rất ít hoa văn).

Trang phục cưới của chú rể đơn giản nhưng nổi bật nhiều màu đỏ thể hiện sự mạnh mẽ, khát khao hạnh phúc và may mắn, gồm 1 chiếc áo may sát nách hoặc tấm zèng vắt chéo ngang ngực và lưng, khố, khăn quấn đầu. Từng chi tiết trên bộ trang phục cưới thể hiện sự độc đáo, khác biệt và ấn tượng. Sau các nghi thức quan trọng của lễ cưới, họ hàng hai bên quây quần ăn uống, cất lên lời ca, tiếng hát qua những làn điệu tăng-y và k-lơi rộn ràng, cầu chúc cho đôi vợ chồng trẻ luôn gắn bó bên nhau trọn đời.

Ngày nay, khi xã hội phát triển, việc mang trang phục truyền thống khi làm lễ vẫn được người Pa Kô duy trì và phát triển phù hợp. Đặc biệt, sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em ở miền Tây Quảng Trị còn được thể hiện ở sự kết hợp tình yêu giữa các đôi nam nữ người Pa Kô và Vân Kiều, tạo nên những đám cưới có màu sắc rất đặc trưng.

Có những gia đình khi thực hiện các nghi lễ chính, cô dâu, chú rể mang trang phục truyền thống của dân tộc mình nhưng khi mở tiệc cưới mời họ hàng, quan khách thì được phép khoác trên mình những bộ váy áo cưới, veston theo phong cách hiện đại. Trang phục đó vừa giữ gìn nét văn hóa truyền thống trong cưới, hỏi, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết, giao thoa văn hóa giữa đồng bào dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày cũng như trong lễ cưới.

Mới đây, anh Hồ Ram Ma, dân tộc Pa Kô ở thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông tổ chức lễ cưới với chị Hồ Thị Kim Dung, người dân tộc Vân Kiều ở xã Húc, huyện Hướng Hóa. Trong lễ cưới, anh Ram Ma và chị Dung vừa mang những bộ trang phục cưới truyền thống của người Pa Kô (đối với chú rể) và Vân Kiều (cô dâu) vừa mang trang phục cách tân với váy dạ hội, veston, áo dài truyền thống của Việt Nam... phối những hoa văn, họa tiết đặc trưng thường trang trí trên trang phục cưới truyền thống.

Bản làng bình yên -Ảnh: K.S
Bản làng bình yên -Ảnh: K.S

Không những trang phục của cô dâu, chú rể mà trang phục của bố mẹ hai bên cũng được gia đình chuẩn bị rất công phu, đẹp mắt, quan khách đến dự tiệc cưới cảm thấy vui vì được dự một buổi lễ mang đậm đặc trưng văn hóa vùng sơn cước. Anh Ram Ma chia sẻ: “Tôi rất vui vì trong đám cưới của mình được thực hiện khá đầy đủ nghi lễ của dân tộc Pa Kô. Với trang phục cưới truyền thống kết hợp hiện đại, cô dâu và chú rể, bố mẹ, anh chị em đôi bên đã mang đến thông điệp với mọi người rằng: Hãy biết quý trọng nguồn cội và những phong tục đẹp của cha ông để lại".

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tặng 200 chăn ấm, trang phục mùa đông cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Trang |

Ngày 7/1, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị phối hợp với huyện Vĩnh Linh tổ chức trao 200 suất quà gồm chăn ấm, áo khoác, mũ len… cho trẻ em ở các xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà.

Đôi nét về đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở Quảng Trị

Phạm Xuân Dũng |

Năm 2019, ở thị trấn Khe Sanh, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) có một cuộc triển lãm đặc biệt mang tên “Thần linh, tổ tiên và thầy cúng người Bru - Vân Kiều ở dãy Trường Sơn” thu hút nhiều người xem. Có gần 80 bức ảnh được trưng bày do giáo sư Vargyas Gábor, một chuyên gia nghiên cứu dân tộc học Hunggary từng lăn lộn nhiều năm trên dãy Trường Sơn để nghiên cứu đời sống tâm linh của tộc người Bru - Vân Kiều.

Trao laptop của độc giả Xanh EWEC cho nữ sinh Vân Kiều

Thiên Sơn |

Sau một thời gian kêu gọi hỗ trợ, ngày 20/11/2021, đại diện Ban biên tập Xanh EWEC - Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị đã đến thăm và trao tặng laptop cho nữ sinh người Vân Kiều - Hồ Thị Hữu (SN 2002, trú tại thôn Tà Cu, xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Cùng Xanh EWEC hiện thực hoá ước mơ trở thành cô giáo của nữ sinh Vân Kiều

Trường Sơn |

Tự nhận thấy được chỉ có con đường học tập mới thoát được sự nghèo khó, thay đổi số phận, nữ sinh người Vân Kiều - Hồ Thị Hữu (sinh năm 2002, trú tại thôn Tà Cu, xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã nỗ lực hết mình, trúng tuyển vào Đại học Sư phạm Huế, thực hiện ước mơ làm một cô giáo của bản làng. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui là những lo toan, bất an vì việc học phía trước của em sẽ có rất nhiều khó khăn.