Du lịch Việt Nam 'khởi động' sau thời gian 'ngủ đông' vì dịch COVID-19

Thanh Giang |

Khá "cuồng chân" sau thời gian giãn cách xã hội để chung tay phòng, chống dịch COVID-19 nên nhiều gia đình, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn đã chọn lựa đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay.

Du khách được đo thân nhiệt trước khi nhận phòng tại khách sạn. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)
Du khách được đo thân nhiệt trước khi nhận phòng tại khách sạn. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Sau thời gian dài phải tạm nghỉ "dưỡng sức" do dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đã trở lại, phục vụ nhu cầu du khách trong nước dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay. Dù không phải tất cả các khu, điểm đến du lịch trên toàn quốc đều đông khách như mọi năm nhưng đây cũng có thể coi là bước “khởi động” hợp lý của ngành du lịch sau thời gian dài ngưng trệ, thiệt hại do dịch bệnh.

Khách chủ yếu tự đặt dịch vụ

Theo phản ánh, các điểm đến như Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Mũi Né (Bình Thuận), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu)... được nhiều du khách chọn lựa, dù nhiều nơi vẫn chưa cho phép người dân tắm biển.

Khá "cuồng chân" sau thời gian giãn cách xã hội để chung tay phòng, chống dịch COVID-19 nên nhiều gia đình, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn đã chọn lựa đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay. Tuy vậy, nhiều người vẫn cảnh giác với dịch bệnh nên hầu hết các gia đình chọn phương án du lịch tự túc, không mua tour, đi bằng xe cá nhân đến tới các điểm đến gần nơi sinh sống.

Gia đình chị Hà Thu Thảo (Hà Nội) có 8 người lớn và 4 trẻ em đã lựa chọn Flamingo Đại Lải cách Hà Nội khoảng 60km làm điểm đến thư giãn sau kỳ giãn cách xã hội, nhất là cho trẻ em chạy nhảy, vui chơi sau thời gian phải nghỉ học ở nhà.

Lo ngại dịch COVID-19 vẫn chưa hết nên chị lựa chọn đặt villa biệt lập, có bể bơi chỉ dành riêng cho người trong gia đình; tự lái xe đến mà không sử dụng xe dịch vụ. Ngay đến đồ ăn thức uống, gia đình chị cũng mang theo hoặc đặt nhà hàng mang đến tận nơi nghỉ.

Tại Flamingo Đại Lải, gia đình chị chấp hành đeo khẩu trang, sát khuẩn tay khi làm thủ tục check in, khai báo y tế điện tử cho tất cả các thành viên. Nhân viên ở khu nghỉ dưỡng cũng thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn du khách thực hành các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch nên gia đình chị Thảo rất yên tâm cho các con vui chơi trước khi đi học trở lại.

Nhiều địa phương cũng sáng tạo các sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách du lịch, các đơn vị cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá.

Đáng chú ý, dịp lễ này, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng các hãng lữ hành ra mắt chùm tour du lịch “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn."

Khách của chương trình được cải trang thành biệt động, đi trên những chiếc ôtô và xe máy cổ của chính các chiến sỹ biệt động từng sử dụng; được chui hầm, ăn uống tại nơi mà các chiến sỹ biệt động thường hay tập kết… Hầu hết các điểm đến trong chùm tour còn được trang bị các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại kết hợp trải nghiệm thực tế.

Lữ hành Việt chờ cơ hội phục hồi

Về tình hình tour 30/4-1/5 năm nay, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc Công ty du lịch AZA cho biết trong hơn 20 năm hành nghề lữ hành, chưa bao giờ ông chứng kiến một kỳ du lịch lễ 30/4-1/5 “ảm đạm” với các đơn vị lữ hành như năm nay.

Mọi năm, ông thường phải cảnh báo tình trạng cháy tour, cháy phòng khách sạn ở nhiều điểm du lịch, cảnh báo du khách đi du lịch dịp lễ cần cảnh giác trước tình trạng nâng giá, chặt chém, kẹt xe… Năm nay, nhu cầu du lịch của người dân vào dịp lễ vẫn có nhưng chủ yếu là đi tour ngắn ngày, đi du lịch nghỉ dưỡng cùng gia đình, nhóm nhỏ hoặc các nhóm bạn trẻ đi phượt. Lý do là các gia đình vẫn ngại dịch COVID-19 hoặc tranh thủ dịp lễ về quê.

Du khách căng lều trại ven bờ hồ Xuân Hương. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Du khách căng lều trại ven bờ hồ Xuân Hương. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ khách năm nay ưa thích loại hình du lịch nghỉ dưỡng tại các khách sạn, resort thay vì đi tham quan. Khách vẫn “ngại” đi máy bay vì tâm lý sợ dịch COVID-19 lây lan nên chủ yếu đi các khu du lịch, resort gần Hà Nội (Tam Đảo, Hòa Bình, Ba Vì, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Sầm Sơn, Sa Pa…) và Thành phố Hồ Chí Minh (Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt…).

Đáng chú ý, các homestay tuy nhỏ nhưng lại được nhiều gia đình ưa chuộng do tính riêng tư, tạo cảm giác an toàn.

Một số điểm đến du lịch như Đà Lạt, Phú Quốc... đã rộng cửa đón khách du lịch trở lại nhưng có những địa phương vẫn thận trọng, chưa mở cửa các điểm tham quan du lịch. Nhiều khách sạn, resort khu vui chơi giải trí vẫn tiếp tục đóng cửa vì dự báo lượng khách thấp nên nếu mở thì thu không đủ bù chi.

Các chuỗi khách sạn và khu vui chơi giải trí lớn như Vinpearl, Sun Group, FLC (trừ FLC Hạ Long); Flamingo Đại Lải… đã hoạt động và có các chương trình khuyến mại hấp dẫn...

Hầu hết các đơn vị du lịch lữ hành đều cho rằng dù đã hết giãn cáchnhưng công ty du lịch “vẫn đói” nên tiếp tục “ngủ đông” chờ đợi thị trường hồi phục thêm.

Các công ty lữ hành hiện nay chỉ trông đợi vào du lịch nội địa. Tuy nhiên, du lịch nội địa hiện nay chủ yếu là các gia đình, nhóm bạn, tự đi theo dạng nghỉ dưỡng, du lịch hè tắm biển, đi phượt. Du lịch khách đoàn, MICE sẽ chưa thể phục hồi do lo ngại dịch bệnh và các cơ quan cũng cắt giảm chi phí.

Dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn rất phức tạp nên các chuyên gia du lịch đánh giá phải 12-18 tháng nữa, du lịch outbound (đưa khách ra nước ngoài) và inbound (khách quốc tế vào) mới phục hồi phần nào.

 (Nguồn: TTXVN)

TAGS

Cánh đồng hoa hướng dương hút khách trong những ngày nghỉ lễ

PV |

Chính thức mở cửa hơn 10 ngày nay, cánh đồng hoa hướng dương "Châu Giang Tài Đức" ở Tân Hoà, xã Tân Liên (Hướng Hoá, Quảng Trị) đã thu hú‌t đông đảo du khách gần xa đến tham quan.

Dặm dài yêu thương nối mọi miền đất nước

Lê Châu |

45 năm sau Đại thắng mùa Xuân 1975, mùa xuân 2020, ở tuổi tròn 90, một lần nữa, Đảng huy động được cao nhất sức mạnh của toàn dân, của tinh thần đại đoàn kết và truyền thống yêu nước nồng nàn của đất nước ngàn năm văn hiến.

Bia tưởng niệm Quán Ngang và tấm lòng người anh hùng

Hồ Nguyên Kha |

Chắc hẳn những người con của mảnh đất Gio Linh (Quảng Trị) sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh đều biết đến căn cứ quân sự Quán Ngang. Đây là căn cứ có quy mô lớn, tập trung bộ máy đầu não của chính quyền Sài Gòn để điều hành và quản lý về mặt hành chính, quân sự, làm “bàn đạp” xâm chiếm miền Bắc. Vì thế căn cứ Quán Ngang là chứng tích chiến tranh tiêu biểu trên vùng đất Gio Linh.

Báu vật của làng Phú Kinh

Việt Hà |

Làng Phú Kinh, xã Hải Hòa ( nay là xã Hải Phong), huyện Hải Lăng -  Quảng Trị là một trong những làng cổ của tỉnh Quảng Trị. Là một làng quê thuần nông nằm bên dòng Ô Lâu lịch sử, Phú Kinh có phong cảnh hữu tình của một làng quê Việt Nam. Đặc biệt nơi đây hiện lưu giữ một hiện vật có giá trị lịch sử và văn hóa của quốc gia. Đó là bức Khoán ước của làng được khắc trên thanh gỗ lim và có niên đại xuất xứ hàng trăm năm.