Cứ mỗi độ giáp tết Nguyên đán, không khí trong các gia đình ở thôn Tân Hào, xã Tân Liên, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), ấm cúng, rộn ràng hẳn lên. Nhà nào cũng quây quần bên nhau để gói bánh phục vụ cho ngày Tết.
Người dân Tân Hào có phong tục làm bánh truyền thống đón Tết cổ truyền từ lâu đời, được truyền lại cho các thế hệ con cháu hôm nay.
Năm nào cũng vậy, cứ vào độ giáp Tết, ông Nguyễn Ngọc Phước ở thôn Tân Hào đều huy động con cháu về nhà đầy đủ để cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét, bánh lọc.
Ông phân công mỗi người mỗi việc, các con trai, cháu trai đi lấy lá chuối, chẻ lạt để gói, cột bánh; vợ và các con dâu đảm nhận khâu chọn nếp, bột lọc và đậu xanh loại ngon do người dân trong thôn sản xuất…
Khi các công đoạn chuẩn bị làm bánh đâu vào đấy, tất cả các thành viên ba thế hệ trong gia đình ông quây quần bên nhau cùng làm bánh.
Không khí những ngày cuối năm của gia đình vì thế luôn ấm cúng. Ông Phước vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi thường làm bánh chưng, bánh tét, bánh lọc.
Các công đoạn làm bánh đòi hỏi có sự hỗ trợ lẫn nhau nên tất cả thành viên trong gia đình đều phải tập trung nhau lại.
Thời gian gói bánh có khi cả ngày nhưng đây là dịp chúng tôi vừa làm bánh, vừa trò chuyện vui vẻ nên ai cũng đón chờ giây phút này. Tôi muốn con cháu luôn duy trì phong tục làm bánh trong những ngày Tết để nét đẹp truyền thống của làng quê Tân Hào được giữ mãi”.
Gia đình anh Phạm Duy Dũng kế thừa nghề làm bánh từ thời bố mẹ để lại. Năm nào vào những ngày giáp Tết, anh cùng vợ và các con cũng đều tất bật với công việc gói bánh chưng, bánh tét... không chỉ để phục vụ gia đình mà còn bán cho khách hàng ở các địa phương lân cận.
Mỗi năm vào dịp này, gia đình anh bán được trên 100 đòn bánh tét và một số loại bánh khác. Anh Dũng cho biết: “Bố mẹ tôi rất thạo việc gói bánh truyền thống ngày Tết. Đến nay, vợ chồng tôi vẫn duy trì truyền thống này, các con của tôi cũng đã học được cách làm bánh, phụ bố mẹ làm bánh đón Tết cũng như bán kiếm thêm thu nhập”.
Người dân làng Tân Hào thường làm các loại bánh: chưng, tét, tày, lọc và bánh thuẫn. Nguyên liệu chính làm nên các loại bánh này đều từ nguồn sản vật của địa phương. Bánh chưng, bánh tét, bánh tày có nguyên liệu chính là nếp, đậu xanh và đậu lạc. Bánh lọc có nguyên liệu chính là bột sắn, đậu lạc và tép khô.
Còn bánh thuẫn (hay còn gọi là bánh xoài) có nguyên liệu chính là bột bình tinh và trứng gà. Thường thì mùa làm bánh của bà con trong làng bắt đầu từ 25 - 30 Tết. Các loại bánh muốn đạt độ thơm ngon và đẹp mắt thì tất cả các công đoạn đều phải được chú trọng, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chọn lá, lạt cũng như kỹ thuật nấu bánh.
Đối với bánh chưng, bánh tét và bánh tày thì nếp là nguyên liêu chính, đậu xanh làm nhân, được gói bằng lá chuối. Nếu muốn bánh có màu xanh cốm hấp dẫn, bắt mắt thì người làm ngâm phải nếp với nước ép từ lá rau ngót. Khuôn gỗ và khuôn nhôm mỏng sẽ được dùng để đóng khuôn từng chiếc bánh và sau cùng là gói bằng lạt tre.
Bánh lọc thì đơn giản hơn, sau công đoạn nhồi dẻo bột sắn, bắt thành từng tấm tròn nhỏ, cán mỏng thì sẽ được cuộn nhân bằng tôm rim và đậu lạc, đậu xanh, gói bằng lá chuối hoặc lá dong. Các loại bánh này sẽ được luộc chín bằng nồi cỡ to, đun bằng than củi. Riêng bánh thuẫn kỳ công hơn cả.
Bột bình tinh sẽ được trộn đều với đường và trứng gà với tỉ lệ cân đối, pha thêm chút nước cốt chanh, nước cốt gừng, tất cả được đánh đều bằng nắm đũa trong vòng một giờ đồng hồ, cho đến khi tạo ra được hỗn hợp sền sệt, sánh mịn, có màu vàng ươm.
Hỗn hợp này được đổ vào khuôn bằng đồng theo từng ô nhỏ với nhiều hình dạng khác nhau. Mỗi mẻ bánh được nung trên lò than với nhiệt độ vừa phải cho đến khi bánh dậy lên mùi thơm ngào ngạt, màu vàng óng và bung năm cánh thì lấy ra và bắt đầu mẻ khác...
Các loại bánh do người dân Tân Hào làm ra được nhiều khách gần xa biết đến, trở thành món ẩm thực không thể thiếu của nhiều gia đình mỗi khi Tết đến, xuân về...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)