Đến lúc không phải Phở chỉ dành cho người Việt Nam nữa, phở cần một hành trình được vạch sẵn rộng lớn hơn để đến với những nơi xa xôi hơn.
Quãng 7 năm trước, sau chừng 2 tuần quần quật đi gần hết đất nước Sri Lanka, nếm đủ mọi món ăn bản địa từ nhà hàng đến vỉa hè và sắp tuyệt vọng vì không thể kiếm được cái gì để ăn mà không liên quan đến cà-ri , thì gần ngày về, bỗng dưng được ăn một bát phở thật đàng hoàng, phở bò xịn, nước dùng thơm ngọt, bánh dẻo, thịt mềm, ở Colombo. Không thể tưởng tượng một bát phở có thể đem lại cho tôi hạnh phúc lớn lao thế nào, thậm chí còn hơn cả một bát phở thời bao cấp khi còn nhỏ, mà chỉ ốm mới được ăn một mình.
Phở xa xứ, là một nỗi niềm gì đó khó nói thành lời lắm. Nó kích động tình quê hương xứ sở chân thành hơn vô vàn lời lẽ này nọ về văn hóa hay lịch sử. Mà thật ra, ở phương diện nào đó, phở cũng chính là văn hóa và lịch sử.
Người ăn là tôi đã vậy, người đã mang phở sang tận bên bờ Ấn Độ Dương, chắc chắn phải rất yêu Việt Nam rồi.
Chủ quán phở là một người đàn ông còn trẻ, tôi nhớ thế, quê Hưng Yên. Sri Lanka là đất nước ngập tràn các loại gia vị, nhưng mà gừng, hành khô, quế, hồi, thảo quả, anh ta vẫn phải mang từ Việt Nam sang, bánh phở cũng mang sang, đành là dùng bánh khô… Đã làm chủ một nồi nấu phở, thì trong hay ngoài nước, dường như đều có vẻ tự tin cực đoan như nhau, kiểu như nước phở trên đời chỉ có một công thức duy nhất đúng, và công thức ấy ở đây rồi, không cần bàn đến phở đâu nữa cả...
Tháng 3/2022 vừa rồi, ngày Phở Việt Nam được tổ chức tại Colombo. Tôi đọc tin và lập tức nhớ ra vẻ tự tin đáng yêu của anh chàng chủ quán. Có thể hiểu là ở Colombo, phở Việt Nam chắc chắn đã khẳng định được mình, cũng như khẳng định vị thế là đại diện rất xuất sắc của ẩm thực Việt Nam tại Sri Lanka. Có điều là chỉ ít lâu sau, quốc gia này vỡ nợ, phở Việt Nam rất có thể chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, ở đây tôi chỉ muốn nói về phở thôi…
Cứ như một quy định bất thành văn, nhớ món ăn Việt Nam, hỏi đâu cũng bảo nhớ phở. Mỗi địa phương, mỗi dòng họ, mỗi gia đình… nói chung đều có những món ăn để nhớ của riêng mình. Chỉ có Phở, có lẽ nên luôn viết hoa chữ Phở, là một nỗi nhớ chung. Chung không có nghĩa là tất cả. Bún bò Huế hay mỳ Quảng cũng tập hợp rất nhiều niềm nhớ. Tất nhiên cũng có người chẳng thiết tha gì Phở trong số trăm triệu dân. Dù có thế, nhớ Phở mỗi khi đi xa là nỗi nhớ có thật, như là nhớ người thân yêu vậy, với nhiều người. Món ăn quốc dân sinh ra từ vỉa hè thành một món ăn mang tinh thần ẩm thực Việt, không ít lần được nằm trong TOP 23, 30 những món ngon nhất châu Á và toàn cầu.
Chắc chắn là bởi lẽ đó, mà đã có hẳn một ngày Phở Việt Nam, do báo Tuổi trẻ cùng Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam khởi xướng 12/12 mỗi năm. Ngày Phở hóa ra đã tồn tại 6 năm, chỉ vì 2 năm Covid mà Ngày Phở bị quên lãng ít nhiều. 12/12/2022 là Ngày Phở lần thứ 6. Thời gian quá ít so với hơn trăm năm tồn tại của Phở, mặc dù thế, vẫn đầy ý nghĩa. Bởi ở đấy, trong năm nay, người ta nói nhiều về việc đưa phở Việt Nam thành một thương hiệu toàn cầu- một mong muốn hoàn toàn không là mơ mộng!
Ở đâu có người Việt Nam, ở đó có phở. Điều đó hầu như đã được khẳng định. Người Việt Nam giờ có mặt khắp thế giới, món phở, như tôi đã từng ăn ở Colombo, vốn là chuyện quá thường tình từ lâu mà tôi không biết. Đến lúc không phải Phở chỉ dành cho người Việt Nam nữa, phở cần một hành trình được vạch sẵn rộng lớn hơn để đến với những nơi xa xôi hơn trên một thế giới phẳng. Bởi những người yêu mến phở ngoài dải đất hình chữ S rõ ràng rất đông.
Trong Ngày Phở vừa rồi, báo Tuổi trẻ tổ chức tại Nam Định, nơi tạm coi là quê hương của Phở (ít ra ở đây cũng có một làng Vân Cù có nghề nấu phở cả gần trăm năm với hàng trăm đầu bếp phở họ Cồ thuộc nhiều thế hệ mang phở đi khắp đất nước từ những năm 30 của thế kỷ trước mà không nơi nào khác đưa ra một bằng chứng về sự tồn tại dài lâu của phở được như vậy).
Có đến gần 20 các đại sứ, các nhà ngoại giao đang công tác tại Việt Nam đã tham gia buổi trải nghiệm phở. Suốt một ngày, phở cả ba bữa, mà không ai kêu nhàm chán, bởi phở đúng là quá ngon. “Phở là một món ăn rất lành mạnh, nhiều dinh dưỡng. Trước khi đến Việt Nam, chúng tôi đã nghe rất nhiều về phở nên chúng tôi rất mong đợi được thưởng thức những tô phở ngon ở Việt Nam. Nấu được món này cho đúng, cần phải đầu tư thời gian, thật tập trung, vì có rất nhiều bước. Các nguyên liệu cũng quan trọng nữa. Có lẽ về mặt kỹ thuật phở không quá khó nấu nhưng mà phải đầu tư thời gian và các nguyên liệu đặc biệt. Tôi sẽ thử nấu ở nhà, nhưng tôi nghĩ mình phải thực tập nhiều lần mới nấu được” - Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Mỹ Kate Bartlett, nói vậy, bà khẳng định trải nghiệm phở lần này là cơ hội tuyệt vời để tìm hiểu thêm về văn hóa, ẩm thực Việt Nam.
Tóm lại thế này thôi, Phở là một món ăn truyền thống, một đại diện mang tính bản sắc trong ẩm thực của Hà Nội nói riêng, cả Việt Nam nói chung. Phở, luôn luôn nên được viết hoa, nghiễm nhiên là của người Việt. Xét đến lý lịch bảy tám đời nhà Phở, suốt hơn một thế kỷ nay, thì chẳng có gì phải tranh cãi về nguồn gốc xuất xứ quốc gia đã sinh ra nó.
Cho nên, hẳn là một nỗi buồn không hề nhỏ, thậm chí phải coi là nỗi đau lớn, khi vào năm 2019, cách đây ba năm, tôi nghe cái tin Thái Lan xuất khẩu Phở Việt Nam đi khắp thế giới. Phở Việt Nam đang là một trong những sản phẩm ready-to-eat (thực phẩm tươi ăn liền đóng gói) thuộc hàng bán chạy nhất của họ. Đây lại còn là tiết lộ của lãnh đạo tập đoàn Charoen Pokphan Foods (CPF) trong buổi gặp gỡ với đoàn doanh nghiệp Việt Nam, dẫn đầu bởi Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tại Thái Lan.
Chẳng hiểu mấy ông trong cái đoàn ấy nghĩ gì, hay cả đời chưa từng ngồi ăn phở cạnh những nồi nước dùng sôi sùng sục trên những phố Bát Đàn hay Hàng Giầy, Hàng Đồng… nên sự ngạc nhiên của các ông ấy, theo tin các báo đưa chỉ là thế này: “Theo đánh giá của đại diện Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, phở tươi đóng gói của công ty Thái Lan có “thiết kế bao bì bắt mắt, và rất dễ sử dụng”. Sản phẩm xuất khẩu thuận tiện vì hạn dùng đến 18 tháng, chỉ cần cho vào lò vi sóng khoảng 1-2 phút trước khi ăn.
Tuy nhiên, điều khiến các doanh nghiệp Việt ngạc nhiên nhất là nhà máy của CPF tại Thái Lan, nơi sản xuất món phở, có công suất 200.000 sản phẩm mỗi ngày nhưng chỉ chưa đầy 10 công nhân. Phía đơn vị này tuyên bố đây có thể coi là một nhà máy 4.0 và đang tiếp tục được nâng cấp để tự động hóa hoàn toàn. Hiện nay, một số dây chuyền đã được tự động hóa và chỉ cần 2 công nhân điều khiển bằng máy tính”.
Nghe CPF nói càng đau, ban đầu họ chỉ dự tính mở một văn phòng thương mại thôi, nhưng do bán quá chạy, nên giờ họ đã quyết định xây hẳn một nhà máy ở Mỹ với sản lượng 2 triệu sản phẩm mỗi ngày, phân phối trong các siêu thị và các kênh bán lẻ lớn như Walmart, Costco, Amazon, Kroger. Nghĩa là nếu chúng ta có định làm Pho made in Vietnam, viết bằng chữ Việt chứ không chữ Thái trên hộp, thì khả năng chen chân vào những nơi đó ngày một khó. Phở là của Việt Nam cơ mà, sao lại để nước khác xuất khẩu chứ?
Ba năm rồi, không rõ Pho Vietnam made in Thailand ấy phát đạt đến đâu. Ngày Phở năm nay, hy vọng về việc đưa phở một cách thật chính thức, thật đàng hoàng, như một thương hiệu lớn của ẩm thực Việt Nam ra thế giới lại nhen nhóm trong tôi.
Không phải những quán phở nhỏ lẻ lác đác khắp nơi trên thế giới, mà những vị trí đầu menu tại những quán ăn lớn ở bất cứ đâu, mấy chữ Phở Việt Nam được viết thật đẹp bằng tiếng Việt, để Phở bắt đầu hành trình ra với thế giới của mình.
(Nguồn: Phụ nữ mới)