Gỏi tép nhảy Bàu Trạng (huyện Vĩnh Linh) và cháo bột vịt Đông Hà là 2 món ăn của Quảng Trị vừa lọt top 100 món ăn đặc sản của 63 tỉnh, thành Việt Nam lần thứ V, năm 2021 – 2022. Tuy là những món ăn dân dã nhưng gỏi tép và cháo bột vịt để lại dư vị đậm đà cho những ai đã từng một lần thưởng thức.
Bình dân cháo bột vịt
Với người Quảng Trị nói chung và người dân TP. Đông Hà nói riêng, xếp sau món cháo bột cá lóc có lẽ phải kể đến cháo bột vịt, một món ăn bình dân quen thuộc với nhiều người. Điều đặc biệt là món ăn này thường được các o, các mệ bày bán vào buổi xế chiều để phục vụ khách, trong những quán ăn nhỏ hoặc bên lề đường nhưng luôn tấp nập người ăn.
Tuy dân dã nhưng để có một bát cháo vịt hấp dẫn thực khách, người bán phải có những bí quyết riêng. Vịt để nấu cháo là loại vịt cỏ, thịt chắc, ít mỡ. Vịt sau khi làm sạch được chặt thành từng miếng vừa ăn, ướp với củ nén và gia vị rồi um liu riu lửa cho thật thấm. Khi mùi thơm ngào ngạt của củ nén, thịt vịt và các loại gia vị hòa quyện với nhau thì cho thêm nước nóng vào rồi tiếp tục đun nhỏ lửa đến khi nước ngọt, vịt mềm mới cho bột vào.
Cũng nhào từ bột gạo như cháo cá lóc, nhưng sợi bột để nấu cháo bột vịt thường được cắt to hơn một chút. Bột vừa chín thì bớt củi, chỉ để lại một ít than hồng vừa đủ giữ nóng nồi cháo, sao cho từ tô cháo đầu tiên đến tô cuối cùng, sợi bột không bị nhão và giữ được nguyên vị của nó. Tô cháo bột vịt chuẩn vị sẽ có miếng thịt mềm, bột không quá dai, nước dùng thì ngọt, thơm.
Lớp nước béo vàng ươm sóng sánh là màu vàng đặc trưng của mỡ vịt khiến tô cháo bột không bị lẫn với bất cứ món ăn nào khác. Đặc biệt, cháo bột vịt không thể thiếu chén nước mắm gừng ăn kèm. Người bán thường làm sẵn một hủ nước mắm gừng to, đỏ rực màu ớt lẫn với gừng băm nhuyễn, khi khách ăn thì múc ra chén nhỏ dùng kèm.
Cách thưởng thức món cháo bột vịt Đông Hà cũng rất đa dạng. Khách có thể vào quán, có thể ngồi bên hè phố, vừa thưởng thức vị ngon của tô cháo, vừa ngắm dòng người qua lại để cảm nhận một góc phố yên bình qua nét ẩm thực dung dị, thân thương.
Độc đáo gỏi tép nhảy Bàu Trạng
Xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những bàu nước mát rượi với lượng tôm tép đánh bắt tự nhiên khá lớn. Không chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân địa phương mà giờ đây, sản vật này còn được chế biến thành nhiều món ăn ngon và trở thành nét ẩm thực độc đáo của tỉnh Quảng Trị lọt vào top 100 món ăn đặc sản của 63 tỉnh, thành Việt Nam.
Tép Bàu Trạng thường xuất hiện nhiều từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch, lúc vụ mùa của người dân vừa xong. Tép ở Bàu Trạng có vị ngọt, thơm và được chế biến thành nhiều món ăn dân dã nhưng hấp dẫn như: tép rang, gỏi tép trộn đu đủ, nhân bánh xèo, tép um cuốn bánh tráng, mắm tép… Một trong những món ăn độc đáo được chế biến từ tép mà ai cũng muốn được một lần thưởng thức đó là gỏi tép nhảy được đánh bắt ngay tại bàu.
Tép sau khi được vớt ra khỏi chậu nước muối (ngâm tầm 10 - 15 phút) sẽ được cho vào một chiếc tô lớn cùng các nguyên liệu như rau thơm, ngò tây, xoài xanh, tiêu xanh, ớt, tỏi được cắt nhỏ và giã nhuyễn. Chanh vắt nước, lọc bỏ hạt rồi đổ vào tô đựng tép, nhanh tay đậy nắp lại, lắc thật kỹ để tép thấm hết gia vị.
Khi ăn, thực khách sẽ lấy một miếng bánh đa nem rồi gắp một nhúm cải non, xúc một thìa tép đang búng tanh tách, quấn tất cả lại với nhau, chấm vào chén xì dầu pha với mù tạt rồi thưởng thức. Cảm nhận đầu tiên của người ăn là vị cay nồng của mù tạt xông thẳng lên mũi, tiếp theo vị ngọt, giòn của tép và các loại rau ăn kèm, vị bùi bùi của lạc rang hòa quyện làm một.
Nhiều thực khách sau khi đến Bàu Trạng, thưởng thức món gỏi tép nhảy đều có chung nhận xét rằng món ăn này tập hợp các loại hương vị, từ đắng, cay, nồng, chua, chát đến ngọt, bùi. Thưởng thức món ẩm thực này bạn sẽ thấy rằng, không chỉ có vị giác mà hết thảy mọi xúc giác của mình đều bị kích thích, từ háo hức, tò mò đến vỡ òa khoan khoái...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)